Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

NHNN nới room tín dụng: Dòng vốn nên hướng đến dự án bất động sản nào?

(VTC News) -

240.000 tỷ đồng sắp được bơm thêm vào nền kinh tế sau khi NHNN nới room tín dụng 1,5 - 2%, thị trường BĐS kỳ vọng cơ hội giải ngân mới để phá được "băng".

Chuyên gia cho rằng, dù không được nhắc đến là đối tượng được ưu tiên giải ngân trong đợt nới room tín dụng lần này, song với chỉ đạo của Chính phủ và định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chắc chắn các ngân hàng sẽ có cái nhìn cởi mở hơn với bất động sản, một lĩnh vực rất quan trọng của nền kinh tế.

Dự án "khỏe" cần được hỗ trợ tín dụng

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tình hình đang ổn định trở lại, nhất là tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố. Thủ tướng yêu cầu NHNN tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả cho các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả... Có chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội; rà soát các dự án bất động sản để hỗ trợ các dự án đủ điều kiện. Các tổ chức tín dụng phát huy tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Nền kinh tế phát triển, người dân có tiền gửi thì ngân hàng mới phát triển được nên trong lúc khó khăn, các ngân hàng phải chia sẻ với người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng từng nêu quan điểm: "Các doanh nghiệp bất động sản theo đúng quy định pháp luật, có tín nhiệm, có dự án tốt đáp ứng được điều kiện thì cần được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng, để phát triển dự án bất động sản, góp phần tăng nguồn thu, đặc biệt là ưu tiên cho vay với các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình".

Đánh giá về chỉ đạo của Thủ tướng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia về tài chính cho rằng, thông điệp của Thủ tướng đưa ra vào thời điểm này là rất cần thiết, khi thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Với nội dung không thắt chặt và cũng không nới lỏng chính sách tiền tệ, định hướng của Chính phủ sẽ vừa ngăn ngừa được bong bóng bất động sản, vừa kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào thị trường này.

Ngoài ra, việc tạo điều kiện về tín dụng cho những doanh nghiệp uy tín, những dự án bất động sản có pháp lý chuẩn chỉ, đủ điều kiện sẽ giúp thị trường có sự thanh lọc rõ rệt, nguồn vốn sẽ chảy vào đúng địa chỉ, tránh tình trạng đầu cơ, gây loạn giá.

Từ lâu, các chuyên gia đã đề xuất cần phải hỗ trợ tín dụng cho các dự án pháp lý tốt, sắp hoàn thành cũng như những doanh nghiệp uy tín, có sức khỏe tốt. Có như vậy mới không kìm hãm sự phát triển của thị trường bất động sản và hạn chế được những phân khúc có bong bóng. Vì vậy, chỉ đạo này của Thủ tướng rất sát sao, phù hợp với quy luật phát triển”, ông Thịnh nhấn mạnh. 

Ông Thịnh chỉ dẫn, thực tế hiện nay nhiều dự án tốt đang bị ngưng trệ, trong khi nhu cầu thực về nhà ở của người dân rất lớn, tình trạng người mua nhà xếp hồ sơ chờ vay vốn nhưng không vay được do hết room tín dụng khá phổ biến. Nhiều trường hợp người dân mua nhà để ở, đã nộp 70-80% giá trị hợp đồng nhà. Họ còn thiếu 20-30% nữa để có thể nhận nhà nhưng gặp đúng lúc ngân hàng hết hạn mức giải ngân, khiến họ gặp không ít khó khăn. Doanh nghiệp cũng không thu được nguồn tiền.

Vì vậy, chỉ đạo của Thủ tướng sẽ mở đường cho ngân hàng thương mại có những phương án cho vay phù hợp, giúp doanh nghiệp bất động sản, người dân có nhu cầu thêm nguồn vốn để phát triển các sản phẩm và mua được nhà. Việc NHNN nới room tín dụng lần này được coi là tín hiệu tốt, có thể phần nào "phá băng" cho lĩnh vực bất động sản.

Thị trường bất động sản có thể được "phá băng" sau việc NHNN nới room tín dụng. (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, động thái này của Chính phủ là quyết liệt và rất cần thiết lúc này. Không chỉ nới tín dụng, việc thành lập tổ công tác của Thủ tướng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản cũng là cú hích lớn với thị trường. 

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước rủi ro mất thanh khoản, buộc phải thực hiện các biện pháp chưa có tiền lệ để tồn tại như thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO).

Bên cạnh đó, có trường hợp doanh nghiệp bất động sản tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí giảm 50% lực lượng lao động.

Chính vì vậy, theo ông Đính, việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án đủ điều kiện và chủ đầu tư uy tín sẽ tạo điều kiện để nguồn vốn được phân bổ đúng địa chỉ, tránh mất vốn vào những đưa án thanh khoản thấp và với mục đích đầu cơ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội nhấn mạnh, dù việc nới tín dụng không phải toàn bộ tiền sẽ đổ vào bất động sản, mà ưu tiên phục vụ các ngành nghề kinh doanh sản xuất. Song, động thái rất tích cực này sẽ giúp củng cố niềm tin, tạo tín hiệu lạc quan hơn đối với thị trường.

Theo tôi, việc tăng hạn mức tín dụng lúc này là kịp thời, cho thấy Chính phủ đang có những động thái tháo gỡ cho thị trường bất động sản. Đến năm 2023, sẽ có tiếp tục có thêm hạn mức tín dụng của năm mới, từ đó, thị trường sẽ có thêm những giao dịch từ nhu cầu thực, và một số nhà đầu tư nhỏ lẻ”, ông Điệp nói.

Tuy nhiên, ngoài khơi thông nguồn vốn, theo các chuyên gia để vực dậy thị trường không chỉ cần tiền mà còn phải giải quyết vấn đề gốc rễ là pháp lý.

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam, cho rằng, để thị trường có thể phục hồi mạnh mẽ trở lại cần phải có hỗ trợ về pháp lý trong việc phát triển dự án cho các doanh nghiệp. Hy vọng trong thời gian tới, những nút thắt này sớm được tháo gỡ để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư cũng như giải quyết được bài toán về nhà ở cho đại bộ phận người dân, giúp họ có thể tiếp cận với ước mơ sở hữu nhà ở với mức giá hợp lý hơn.

Ông Nguyễn Thế Điệp cũng nêu nhận xét, dòng tiền hiện nay cũng rất quan trọng nhưng chỉ giải quyết vấn đề ngay trước mắt. Còn gốc rễ phải tháo gỡ được các vấn đề liên quan tới pháp lý.

Tôi cho rằng, xốc lại thị trường không chỉ là vấn đề tiền mà còn phải hoàn thiện luật liên quan tới bất động sản. Đây sẽ là kim chỉ nam để thị trường phát triển lành mạnh và bền vững”, ông Điệp khẳng định.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng, việc thành lập tổ công tác đặc biệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng tạo ra được tâm lý lạc quan trên thị trường. Nhưng cần có những giải pháp đồng bộ, tránh trường hợp manh mún, gỡ được chỗ này nhưng lại khó chỗ khác.

Nhà ở xã hội: Đối tượng ưu tiên số 1

Nói về chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về chính sách tiền tệ đối với bất động sản, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin: "Thời gian vừa qua, Thủ tướng cũng có chỉ đạo quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực giúp cho người dân có tiền mua nhà ở xã hội cũng như nhà ở phục vụ thực sự cho nhu cầu đời sống của người dân. Từ trước đến nay, NHNN luôn coi đây là một trong những lĩnh vực quan tâm và vẫn chỉ đạo các NHTM tạo điều kiện cho những lĩnh vực mua nhà ở xã hội của người dân được khơi thông cũng như có nguồn lực để người dân mua nhà".

Điều này chứng tỏ thông điệp hỗ trợ người dân mua nhà xã hội đã được Thủ tướng nhắn đến NHNN, từ đó định hướng đến các ngân hàng thương mại.

Nhà ở xã hội là phân khúc cần được ưu tiên dốc vốn để phát triển, đáp ứng nhu cầu của người dân. (Ảnh minh họa)

Thực tế, từ đầu năm tới nay, nhà ở xã hội là phân khúc mà nhiều chủ đầu tư lớn quan tâm với cam kết mạnh mẽ về nguồn cung. Ví dụ như Vinhomes, Sun Group, Hưng Thịnh... công bố sẽ triển khai hàng loạt dự án quy mô lớn lên tới hàng triệu căn nhà ở xã hội.

Chủ tịch Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho biết, theo kế hoạch doanh nghiệp sẽ hoàn thành 500.000 căn nhà ở xã hội trong vòng 5 năm tới, giá bán dự kiến khoảng 300-950 triệu đồng/căn.

Đánh giá tiềm năng phân khúc này, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, các gói hỗ trợ của Chính phủ hứa hẹn sẽ tác động cả trực tiếp và gián tiếp tới việc phát triển nhà ở xã hội. Như quy định cấp trực tiếp 15.000 tỷ đồng cho người thuê mua nhà ở xã hội trong 2 năm, hay quy định hỗ trợ lãi suất 2% cho các đơn vị đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong gói có quy mô 40.000 tỷ đồng. Điều này sẽ mang tới cơ hội không lo thiếu người mua, chỉ lo thiếu dự án.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến nay, việc phát triển nhà ở xã hội mới đạt 7,79 triệu mét vuông sàn nhà ở, đạt 62,3% so với mục tiêu đặt ra là 12,5 triệu mét vuông. Trong đó, nhà ở công nhân đã hoàn thành là 3,13 triệu mét vuông; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,65 triệu mét vuông. 

Tuy nhiên, để phát triển được nhà ở xã hội, theo các chuyên gia, cần sớm gỡ bỏ các “nút thắt” để thu hút doanh nghiệp, từng bước giải bài toán nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. 

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, cần sớm giải quyết các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn, hoạt động phân phối. 

Khi phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp không chủ động được về dòng tiền. Hơn nữa, đối tượng mua nhà ở xã hội, giá bán, đều do Nhà nước quyết định. Do vậy, các thủ tục, quy trình cần được xử lý nhanh hơn giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai một cách dễ dàng. Khi đó, doanh nghiệp có thể thực hiện nhanh quá trình đầu tư để nhanh chóng thu hồi vốn, đạt mức lợi nhuận cao”, ông Hà đề xuất.

Châu Anh

Tin mới