Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước 3 tháng đầu năm nay ước đạt 430.535 tỷ đồng, bằng 31,4% dự toán. Theo ông Phi Vân Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, tiến độ thu ngân sách quý 1 thấp hơn 2 năm liền kề trước đó.
"Số thu qua các tháng có dấu hiệu suy giảm nhanh. Tính chung 3 tháng đầu năm, nếu loại trừ khoản thu đột biến phát sinh năm 2022 nộp trong năm 2023, thu nội địa quý 1 của toàn quốc chỉ bằng bằng 19,1% dự toán", ông Tuấn cho biết.
Số liệu Tổng cục Thuế cho thấy, nhiều khoản thu trọng yếu trong quý I đều thấp hơn cùng kỳ năm trước như: Thuế Giá trị gia tăng, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Thu nhập cá nhân. Các lĩnh vực giảm thu ngân sách nhiều nhất gồm: bất động sản giảm 45,1%, thu thuế từ ô tô giảm 27%, thu từ chứng khoán giảm 57%.
Nguồn thu từ đất giảm mạnh do thị trường bất động sản "đóng băng" (ảnh: ST).
Tiêu biểu như tại TPHCM, hàng năm, nguồn thu từ bất động sản chiếm trên 10% tổng nguồn thu nội địa. Năm 2022, thu ngân sách trong lĩnh vực bất động sản hơn 35.000 tỷ đồng. Trong quý I, tổng thu ngân sách của TPHCM đạt 96.400 tỷ đồng, tăng 3,5% so cùng kỳ. Tuy nhiên, nguồn thu từ bất động sản lao dốc, chỉ đạt 4.300 tỷ đồng, chiếm 4% trên tổng thu của địa bàn.
Theo Cục Thuế TPHCM, nguồn thu từ bất động sản giảm mạnh do một số loại thuế giảm như thuế thu nhập chuyển quyền sử dụng bất động sản, thừa kế, giảm lệ phí trước bạ, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Nguyên nhân của việc giảm thu ngân sách xuất phát từ thị trường bất động sản giảm sâu, ảnh hưởng đến thu ngân sách chung của TPHCM.
Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nhiều chính sách giảm thuế được ban hành với quy mô lớn như chính sách giảm thu thuế bảo vệ môi trường, giảm thu tiền thuê đất, giảm Thuế Giá trị gia tăng…
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, để góp phần bình ổn thị trường đất đai, bất động sản, khai thác tốt nguồn thu từ đất, sử dụng đất đai tiết kiệm hiệu quả, cơ quan chức năng cần nghiên cứu giải pháp nhằm định giá đất phù hợp với giá trị thị trường.