Tham dự Lễ khai mạc có Nhật Hoàng Naruhito, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC) Andrew Parsons và nhiều quan chức của Nhật Bản, đại diện các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế…
Chủ đề Paralympic Tokyo 2020 là “We have wings”- (tạm dịch là Chúng ta có những đôi cánh) với thông điệp muốn chuyển tải tới mọi người rằng ai cũng có thể có “đôi cánh” để có thể vượt qua những sóng gió cuộc đời.
Lễ thượng cờ Nhật Bản là màn trình đầu tiên. Sau đó là biểu diễn kết nối biểu tượng của Paralympic với sự tham gia của nhiều người khuyết tật không phải vận động viên. Tiết mục này đã để lại nhiều cảm xúc cho người xem. Tiếp tới là các đoàn vận động viên các nước tiến vào lễ đài. Điều đặc biệt là có đoàn vận động viên gồm 6 thành viên là người tị nạn.
Trình diễn kết nối biểu tượng Paralympic. (Ảnh: NHK).
Nhật hoàng Naruhito tham dự lễ khai mạc Paralympic Tokyo 2020. (Ảnh: NHK).
Theo Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC) và Ban tổ chức Palalympic Tokyo 2020, có 4403 vận động viên (trong đó có 2550 vận động viên nam, 1853 vận động viên nữ) đến từ 161 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tham gia tranh tài ở 22 bộ môn với tổng cộng 539 huy chương. Đây cũng là Paralympic có số vận động viên tham gia đông nhất kể từ trước đến nay.
Đoàn vận động viên Nhật Bản có số vận động viên tham gia nhiều nhất với 254 người và đưa ra mục tiêu giành được khoảng 20 huy chương vàng. Tất cả đại diện các vận động viên các quốc gia và vùng lãnh đã tham gia vào lễ khai mạc, trừ đoàn vận động viên của New Zealand với lý do riêng. Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam có 7 vận động viên tham gia vào 3 bộ môn đó là cử tạ, bơi và điền kinh.
Cũng theo công bố mới nhất cho tới hôm nay, có thêm tổng cộng 13 người có liên quan đến Paralympic trong đó có 1 vận động viện bị mắc COVID-19. Tính từ ngày 12/8 tới nay, có 144 người liên quan có xác nhận nhiễm bệnh.
Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic Tokyo 2020.
Trước tình hình này, Thống đốc Tokyo và Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC) đã cam kết nỗ lực hết sức trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm khi sự kiện diễn ra nhằm đảm bảo thành công cho Thế vận hội. Theo đó, các vận động viên và người có liên quan phải tuyệt đối tuân thủ các qui định về phòng chống dịch.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản - ông Suga Yoshihide khẳng định rằng với việc vận dụng những kinh nghiệm thông qua việc tổ chức Olympic Tokyo 2020, chính phủ sẽ triệt để thực hiện các biện pháp an ninh, phòng chống lây nhiễm COVID-19 để tổ chức thành công sự kiện.
Qua đó, Nhật Bản mong muốn gửi đến mọi người thông điệp rằng dù người khuyết tật hay không khuyết tật đều có thể gắn kết bằng một trái tim không rào cản, hướng tới thực hiện một xã hội cùng sống chia sẻ lẫn nhau.