Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Huyền thoại tình báo Tư Cang: Tôi khâm phục đức độ của Đại tá Bùi Văn Tùng

(VTC News) -

Viết trong sổ tang, Đại tá Tư Cang cho hay, Đại tá Bùi Văn Tùng được đồng đội, mọi người yêu mến và ông khâm phục sự đức độ, khiêm tốn của ông Tùng.

Đại tá Bùi Văn Tùng (nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đội Nhân dân Việt Nam) đã trút hơi thở cuối cùng lúc 3h30 ngày 9/2 (ngày 19 tháng Giêng năm Qúy Mão), hưởng thọ 94 tuổi.

Ông Tùng sinh ngày 4/2/1930, quê Đà Nẵng. Ông được Đảng và Nhà nước trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.

 Đại tá Bùi Văn Tùng từ trần ở tuổi 94. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Chiều cùng ngày, sau lễ nhập quan, căn nhà 162 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM) chìm trong màu ảm đạm; nhiều bạn bè, đồng nghiệp, thân hữu gia đình đến viếng và chia buồn cùng tang quyến. Huyền thoại tình báo - Đại tá Tư Cang đã đến viếng và ghi vào sổ tang. 

Ông Cang viết: "Tôi Nguyễn Văn Tàu, bí danh Tư Cang xin vĩnh biệt đồng chí Bùi Tùng, nguyên Chính uỷ Lữ đoàn 203 xe tăng, đơn vị đi đầu trong ngày vào giải phóng Sài Gòn (ngày 30/4/1975) - là đơn vị đi đầu vào bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các của chế độ Việt Nam Cộng hoà, bắt buộc Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng quân giải phóng. 

Sau này tôi càng khâm phục đức độ khiêm tốn của anh, được đồng đội và mọi người yêu mến, thế là rất tốt đối với một người lính Cụ Hồ". 

Đại tá Tư Cang viết trong sổ tang (Ảnh: Hoàng Thọ)

Đại tá Bùi Văn Tùng có hai người con, một trai một gái. Ông Tùng ở cùng con trai tại TP.HCM.

Bà Bùi Quỳnh Hoa, con gái ông Tùng cho biết, nhiều năm qua, cha bà bị huyết áp, tai biến nhiều lần. Từ năm 2005, ông không đi lại được, chỉ nằm hoặc di chuyển bằng xe lăn.

Cuối năm 2022, bệnh tình ông Tùng trở nặng. Ngày 7/2, ông bị một cơn đột quỵ và qua đời sáng 9/2.

Nhiều bạn bè, đồng nghiệp, thân hữu đến viếng và chia buồn cùng tang quyến.

Chia sẻ về lý do tổ chức tang lễ tại nhà thay vì nhà tang lễ, bà Hoa cho hay, gia đình có truyền thống Phật giáo, cha bà đã quy y nên muốn ra đi như một Phật tử. Ngoài ra, tổ chức tang lễ tại nhà để bà con lối xóm đến viếng thuận tiện hơn.

Bà Hoa cho hay, ông Tùng sinh ra và lớn lên tại TP Đà Nẵng, trong gia đình công nhân. Là con trai cả, ông được cho đi học trường Tây, nói tiếng Pháp rất giỏi. Năm 14 tuổi, ông được nhận làm thông ngôn, thư ký cho một hãng thuốc lá của Pháp.

Bà Bùi Quỳnh Hoa bên bàn thờ cha mình. (Ảnh: Hoàng Thọ)

"Lúc đó, mỗi ngày ông chủ hay phát cho công nhân 2 điếu thuốc mang về, nhưng ông không hút mà cất giành để bán kiếm tiền đi học", bà Hoa nói.

Theo bà Hoa, đến tháng 8/1945, ông Tùng gặp gỡ một cán bộ cách mạng, được giác ngộ tư tưởng và trở thành hội viên Hội công nhân cứu quốc, Tự vệ TP Đà Nẵng.

Trước khi diễn ra sự kiện Cách mạng tháng Tám, người Pháp rất tin ông. Lúc đó, tổ chức muốn có súng nên đã giao cho ông đi lấy súng của Pháp. Ông nhận nhiệm vụ, khi lấy được, ông vắt hai khẩu súng lục vào túi quần và mang về cho cách mạng”, bà Hoa nhớ lại.

Đại tá Bùi Văn Tùng trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Theo bà Bùi Quỳnh Hoa, Đại tá Bùi Văn Tùng là một người thích viết và yêu văn nghệ. Khi rảnh rỗi, lúc về hưu, ông viết về những chiến sĩ, những đồng đội đã từng cùng ông vào sinh ra tử. Đó là câu chuyện về ông Ngô Văn Nhỡ, người đã hy sinh tại cửa ngõ Sài Gòn, hay những câu chuyển kể về cuộc sống hưu trí của những người bạn, họ sống đạm bạc, không tham công danh, so bì với đời.

Ông rất thương và cảm phục những người đồng đội của mình, họ là những người lính nhưng khi cất súng đi họ lại vác cuốc ra đồng để làm nông. Có lẽ ông viết vì muốn câu chuyện về những người đồng đội của mình được nhiều người biết đến hơn”, bà Hoa chia sẻ.

Bà Hoa cho biết thêm, sau khi về hưu, ông Tùng tham gia công tác tại địa phương, từng đảm nhiệm Phó Bí thư và Bí thư Đảng ủy phường 6, quận 3, TP.HCM.

Hoàng Thọ

Tin mới