Đi lúc vợ mang thai, trở về đã thành ông ngoại
Đại tá Tư Cang sinh ra và lớn lên tại làng Long Phước (thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Vợ ông là bà Trần Ngọc Ánh, quê ở Phước Hải, một làng ven biển thuộc huyện Đất Đỏ, cách nhà ông không mấy xa.
Hai ông bà cưới nhau ở cái thời “cha mẹ đặt đâu ngồi đấy”. Đám cưới được cha mẹ hai bên tổ chức vào tháng 3/1946. Khi ấy, ông chưa được 18 tuổi, còn bà vừa tròn 17. Cả hai đều ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Những tưởng cuộc đời cứ êm ả trôi, đôi vợ chồng sẽ sinh con, đẻ cái, rồi cứ thế lớn lên, lần lần già đi, rồi chết được chôn trong vuông tre của ông cha như bao cuộc đời bình dị của những người nông dân trong làng. Nhưng giặc Pháp ùn ùn kéo vào làng. Súng nổ, người chết, nhà cháy. Không thể sống yên được nữa, ông quyết định lên đường.
“Đó là một đêm không trăng, để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của ông ngoại, ba má và các em, hai chúng tôi dắt nhau ra ngồi trên bậc thềm ngoài hàng ba. Mỗi lần ngồi dựa sát vào nhau như vậy thì cảm thấy ấm lắm, một hơi ấm rất dễ chịu. Im lặng một lúc, tôi mới nói nên lời: “Em à, tình thế này anh phải vào chiến khu đi đánh giặc cùng với anh em thôi. Em thấy đó, dù có anh ở nhà, giặc đến bắt em anh cũng ve không bảo vệ em được, càng thêm đau lòng. Sáng mai, em sắp xếp để về với ba má dưới Phước Hải, rồi tìm cách lên Sài Gòn làm ăn kiếm sống, sinh đẻ rồi... nuôi con... đợi anh”, ông kể lại.
Ngày 4/3/1947, đứa con đầu lòng và cũng là duy nhất của ông bà chào đời. Bà Ánh gửi thư vào chiến khu cho biết, ba má đặt tên cháu là Nhồng, tên một loài chim biết nói tiếng người, như muốn gửi muôn vàn nhớ nhung theo cánh chim.
Năm 1954, theo Hiệp định Genève, quân đội ta tập kết ra miền Bắc. Ngày chuẩn bị xuống tàu rời miền Nam, có người quen đưa cho ông một phong thư, một chiếc áo len và tấm ảnh bé Nhồng lên 7 tuổi, trông rất dễ thương. Trong thư, bà Ánh viết: “Gia đình mình bị giặc kiểm soát gắt lắm, em không tiễn anh đi được. Nghe nói ngoài Bắc lạnh lắm, em đan chiếc áo này gửi anh”.
Những năm học tập xây dựng quân đội trên miền Bắc, ông luôn giữ kỹ trong ba lô món quà quý giá ấy. Mấy dòng chữ trong thư được đọc tới đọc lui đến thuộc lòng, tấm ảnh con gái thỉnh thoảng được lấy ra khoe với đồng đội, còn cái áo len thì khi ngủ được ông ấp lên ngực để tìm lại hơi ấm năm xưa.
Thời gian trôi nhanh. Sau 7 năm rèn luyện, tháng 5/1961, ông được thăng quân hàm đại úy và được chọn trở về Nam để tiếp tục 14 năm đánh Mỹ với nhiệm vụ tình báo, đặc công.
Cho đến đêm 30/4/1975, đêm toàn thắng, trên cương vị trung tá Chính ủy Lữ đoàn đặc công biệt động Sài Gòn, sau khi chiếm giữ các vị trí then chốt trong thành phố, ông lái chiếc Jeep vừa thu được của một trung tá ngụy, chở theo một tổ nữ chiến sĩ biệt động tìm về căn phố nhỏ ở Thị Nghè.
Lòng hồi hộp vô cùng, ông lên tiếng gọi: “Nhồng ơi! Nhồng”. Sau nhiều lần gọi, có một cánh cửa từ từ hé mở. Ông hỏi tìm người, một trong hai người đàn ông đáp lại: “À, vậy thì hai mẹ con bà Ảnh với cô Giang rồi. Ở căn số 9 đằng kia cà. Còn cách mấy căn nữa! Ờ mà phải gọi cô Giang mới đúng”.
Ông mỉm cười, ông thích gọi con bằng cái tên loài chim biết nói mà ông bà ngoại đặt cho nó lúc mới sinh. Sau khi gật đầu cảm ơn, ông lái xe đến mấy căn nữa và tiếp tục gọi: “Nhồng ơi! Nhồng”. Ngọn đèn hàng ba được bật sáng. “Ở đây nè. Anh về đó hả? Em biết mà, nghe gọi tên Nhồng em biết chỉ có anh”.
Bà Ánh mừng quá, chạy ra giọng líu ríu, đứt quãng. Ông ôm lấy vợ, đặt một cái hôn lên trán, một cái hôn nồng cháy sau gần 30 năm xa cách. Nhớ lại buổi tiễn biệt, cạnh bụi chuối sau nhà, những cái hôn tràn nước mắt của đôi vợ chồng trẻ, những lời hứa hẹn, những ước mơ hạnh phúc trong ngày gặp lại.
Đại tá Tư Cang thắp hương cho người vợ ông yêu cả cuộc đời.
Sau gần 30 năm chiến đấu, đêm nay hạnh phúc đã đến thật sự trong vòng tay mà cứ tưởng như một giấc mơ. Sau phút giây đầu tiên, bà Ánh gỡ tay ông, nhìn lên, mắt còn đẫm lệ: “Biết thế nào anh cũng về hôm nay mà. Em và con đi tìm anh từ sáng”.
Hai vợ chồng dắt nhau vào nhà, lúc này Nhồng cũng đã thức dậy. Biết ba đã về, và thấy ba khỏe mạnh trong bộ đồ chiến sĩ giải phóng quân, cô mừng quá. Ông bất ngờ khi thấy con vực dậy một bé gái đang ngủ: “Huyền! Huyền! Dậy mừng ông ngoại đi con”.
“A! Mầy đã có chồng, có con rồi đó hả, con gái cưng của ba”, ông nói. Nghe vậy, bà Ánh cười: “Thì nó còn bé bỏng gì nữa. Anh đi nay đã 28 năm thì con cũng 28 tuổi rồi”.
Bé Huyền đã thức giấc, trông rất ngoan. Bé trố mắt nhìn cái mũ có ngôi sao của “ông ngoại bộ đội”. Bé ngoan ngoãn đứng dậy, vòng tay trước mặt, nói bập bẹ: “Con trình ông ngoại. Con mừng ông ngoại đã về với bà ngoại”.
Ông ôm nó vào lòng mà không cầm được nước mắt. Phải! Ông đã trải qua hai cuộc kháng chiến, khi đi vợ mới mang bầu mấy tháng, nay toàn thắng trở về thì đứa con gái 28 tuổi đang ngồi trước mặt và đứa cháu ngoại 3 tuổi đang nằm trong lòng.
Nhồng đã “thôi” chồng vài năm trước. Thấy ba mẹ ngọt bùi, cô lặng lẽ đứng dậy đi xuống nhà dưới hướng dẫn cho các nữ chiến sĩ tắm giặt và chuẩn bị cơm. Còn ông, ông lột chiếc khăn rằn quấn cổ ra lau nước mắt cho vợ.
Tết 1976 - sum họp
Hòa bình lập lại, nhưng người lính thì vẫn phải đi làm nhiệm vụ nơi biên giới.
Tháng Chạp năm 1975, ông ghé căn số 9, cư xá nhân viên Việt Nam Thương Tín với bà Ánh và mẹ con Nhồng nhiều hơn. Vì Tết sắp sửa đến mà. Cái Tết đầu tiên mà gia đình ông được đoàn tụ.
28 tháng Chạp, phố phường bày bán đủ thứ hoa mai, hoa cúc. Mấy sạp lá dong, lá chuối dựng kế lò heo vừa mổ nườm nượp khách. Ai nấy chen chân, đều muốn lựa được miếng ba chỉ ngon về làm nhân bánh tét.
Giờ này, ông Tư Cang vẫn phải ở biên giới cùng anh em, còn bà Ánh tất bật với công việc cuối năm ở ngân hàng. Cô Nhồng xin nghỉ được một buổi để đi chợ sắm sửa, nhưng xếp hàng quá lâu, rồi cũng phải nghe con Huyền qua mua bánh nấu sẵn còn kịp mai đón giao thừa.
Căn số 9 sáng 30 Tết được dán hoa mai ở cửa. Bé Huyền cầm mấy cây tò he được mẹ mua cho hôm trước chân sáo chạy đi chạy lại trước nhà. Thấy ông ngoại từ biên giới trở về, nó nhảy phóc lên người, vui sướng hỏi: “Năm nay ông ngoại sẽ đón Tết với bà ngoại và con phải không?”. Nghe vậy, ông chỉ mỉm cười, xoa đầu nó rồi đặt một cái hôn âu yếm lên trán.
Bà Ánh đang dở tay trông nồi thịt kho tàu dưới bếp, thấy chồng về, bà hớt hải đi lên. Cầm ba lô chồng, như biết trước, bà ngước mắt hỏi: “Anh lại đi sao anh? Không ở nhà đón Tết với mẹ con em à?”. Trao cho vợ ánh nhìn cảm thông, ông chậm rãi nói: “Đợt này bọn Pôn Pốt quậy quá, anh chỉ đón giao thừa với mấy bà cháu được thôi. Ngày mai anh đi!”.
Dù ở tuổi xưa nay hiếm, Đại tá Tư Cang vẫn rất minh mẫn, ông dành nhiều thời gian cho việc đọc sách.
Đêm giao thừa, 4 người - 3 thế hệ quây quần bên mâm cơm có thịt kho tàu, củ kiệu muối, bánh tét cắt khoanh và nồi gà nấu xáo. Tuy không được ăn Tết hết mùng như lẽ dĩ nhiên phải thế, nhưng đối với gia đình ông Tư Cang, đây là cái Tết ấm cúng nhất từ trước đến nay: gia đình được sum họp.
8 giờ ngày mùng Một Tết 1976, ông Tư Cang lại vác ba lô lên đường. Tiễn chồng lên xe, bà Ánh bùi ngùi không nỡ buông tay, mắt đỏ hoe vì lưu luyến. Còn bé Huyền, được mẹ bế trên tay, thấy ông ngoại sắp rời đi, nó lại giãy nảy đòi ông ngoại bế. Xe chở ông Tư Cang khuất hẳn, 3 mẹ con, bà cháu bà Ánh mới chịu trở vào trong nhà. Láng giềng thấy vậy cũng qua nhà hỏi thăm.
Năm 1977, ông Tư Cang không còn đủ tiêu chuẩn sức khỏe, được cấp trên đưa về Vũng Tàu làm hiệu trưởng trường Văn hóa Quân khu. Con người luôn ở tuyến đầu, quen xông vào nơi nguy hiểm nhất của cuộc chiến, nay phải về hậu phương, cũng hơi buồn.
“Tuấn mã đến lúc phải quay về chuồng. Đó là quy luật, huống chi tôi, tập thể bác sĩ Quân y viện 175 khi khám thương tật, kết luận tôi mất hết 61%, được xếp thương binh loại A hạng 2/4. Ở trường được một năm thì nhận được quyết định của phòng. chánh trị Quân khu cho “nghỉ việc chuẩn bị hưu”, ông nhớ lại.
Ai đã từng gắn bó gần hết cuộc đời mình với quân đội mới thông cảm được nỗi lòng ông khi cầm tờ quyết định về hưu. Cây súng ngắn K54 mà ông đã dùng đánh giặc Mỹ trong trận đánh vào Sài Gòn Tết Mậu Thân 1968, cái xe Jeep lùn mà ông lấy được từ tay một trung tá ngụy khi tiến vào giải phóng Sài Gòn và đã cùng ông những năm đánh giặc Pôn Pốt trên rừng biên giới, nay phải giao lại cho đồng đội. Vật theo mình lâu như có một linh hồn, như biết nói điều tâm sự, ông vuốt ve an ủi chúng mà không ngăn được dòng nước mắt.
Nhưng rồi khi trở về nhà, lao vào cuộc sống hằng ngày trong hoàn cảnh kinh tế đất nước còn vô vàn khó khăn, trong đầu người lính già, những tình cảm yếu đuối ấy cũng được xóa đi lần lần, những kỷ niệm về quá khứ theo thời gian cũng phôi phai…
Ông Tư Cang tên thật là Nguyễn Văn Tàu, sinh năm 1928. Ông là Đại tá tình báo Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên cụm trưởng Cụm tình báo quân sự H63. Vợ ông, bà Trần Ngọc Ánh sinh năm 1929.
Đến năm nay (2022), ông Tư Cang đã 94 tuổi, bà Trần Ngọc Ánh vì tuổi già sức yếu đã qua đời cách đây hơn 2 năm (2020).