Theo Nikkei Asia, đồng tiền của Nhật Bản trên thị trường quốc tế đã sụt giảm mạnh khi so với đồng USD. Trong đó, tỷ giá quy đổi 1 USD đã vượt ngưỡng 148 yen trong phiên giao dịch hôm thứ sáu tại New York. Con số này đồng nghĩa với việc tỷ giá quy đổi giữa hai đồng tiền tệ đã chạm mức thấp nhất 32 năm qua.
Tỷ giá quy đổi 1 USD vượt mức 148 yen diễn ra sau khi phá vỡ mức 147 một ngày trước đó. CPI tháng 9 của Mỹ công bố hôm 14/10 đã giảm trong kỳ vọng của thị trường, tạo ra sự thúc đẩy cho đồng USD tăng giá mạnh.
Trong khi đó, về phần đồng yen, việc nhà đầu tư bán tháo liên tục có thể làm tăng khả năng can thiệp sâu hơn từ cơ quan quản lý nhưng Tokyo đang giữ chặt các quân bài chiến lược của mình
Đồng yen trên thị trường quốc tế đã sụt giảm về mức thấp nhất 32 năm so với USD. (Ảnh: Konosuke Urata)
Phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở Quỹ Tiền tệ quốc tế ở Washington, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen báo hiệu Mỹ không có ý định can thiệp vào việc kiềm chế đà tăng giá của đồng USD.
Bà Yellen nói rằng: "Tỷ giá hối đoái do thị trường xác định là chế độ tốt nhất cho đồng USD. Chúng tôi ủng hộ điều này".
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương nước này đã can thiệp vào thị trường ngoại hối hôm 22/9 để nâng giá đồng yen lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Điều này chỉ ra những lo ngại về sự biến động nhanh chóng của đồng yen. Các nhà giao dịch thận trọng dò xét thị trường khi họ không rõ liệu chính phủ Nhật Bản có tiếp tục can thiệp vào thị trường hay không.
Một nguồn tin tại ngân hàng Nhật Bản cho biết ngay khi các nhà giao dịch đề phòng sự can thiệp của nhà điều hành, đã có một lượng mua lớn hơn gia nhập thị trường, tạo thành một làn sóng.
Đồng yen của Nhật Bản liên tục mất giá so với USD từ đầu năm 2022 đến nay. (Nguồn: Tradingview)
Các biến động này khiến những người theo dõi thị trường khó phân biệt được liệu đã có sự can thiệp hay chưa. Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính từ chối bình luận về việc liệu Tokyo có can thiệp vào thị trường tiền tệ một lần nữa hay không.
Đây là sự tương phản rõ rệt với việc can thiệp vào ngày 22/9 để nâng giá đồng yen. Masato Kanda, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản về các vấn đề quốc tế, đã xác nhận điều này trong một cuộc họp báo ngay sau đó.
Sự mơ hồ có chủ ý này được coi là chiến lược để giữ chân các nhà đầu tư của Nhật Bản. Nếu chính phủ đưa ra câu trả lời rõ ràng, thì câu trả lời "không" có thể trở thành chất xúc tác để nhà đầu tư bán nhiều hơn.
Một nguồn tin từ ngân hàng quốc tế cho biết sự “hai mặt” của Tokyo giống như một dấu hiệu cho thấy các cơ quan quản lý tiền tệ đang hết lựa chọn trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Việc can thiệp 2.800 tỷ yen hồi tháng 9 để hỗ trợ đồng yen là sự can thiệp lớn nhất của Nhật Bản. Nó đã đưa tỷ giá quy đổi đồng tiền này so với USD từ mức 145 yen/USD giảm xuống mức 140 yen/USD.
Daisaku Ueno, chiến lược gia ngoại hối trưởng tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, cho biết tác động của đợt can thiệp trị giá 2.800 tỷ yen sẽ giảm bớt trong ba tuần.
Vào thứ sáu, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết họ dự đoán số dư tài khoản vãng lai đã giảm 4.090 tỷ yen (27,6 tỷ USD) vào thứ hai từ "quỹ kho bạc và các quỹ khác", nhiều hơn mức giảm 2.900 tỷ yen. Đây là điều đã được mong đợi vào đầu tháng.
Một sự can thiệp vào việc mua tiền tệ bằng đồng yen sẽ dẫn đến việc sụt giảm các khoản tiền này và bất kỳ giao dịch nào như vậy sẽ được giải quyết sau hai ngày làm việc. Vì vậy, rất có thể một động thái mới của Tokyo sẽ diễn ra vào thứ Năm.
Hiện, các quan chức tại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Bộ Tài chính nước này vẫn từ chối bình luận.