Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Con thuồng luồng là con gì, có thật không?

(VTC News) -

Con thuồng luồng xuất hiện trong nhiều văn bản cổ và truyện dân gian của người Việt thực chất là con gì, có tồn tại trong thực tế không?

Thuồng luồng xuất hiện rất nhiều trong các câu chuyện dân gian cũng như ghi chép lịch sử của người Việt. Truyện Sự tích đầm Mực kể: "Trong số học trò của Chu Văn An có hai anh em con vua Thủy tề. Nghe tiếng cụ đồ, vua Thủy cũng cho con lên học. Ngày ngày, hai anh em đến bờ sông, trút lốt thuồng luồng ở nước rồi lên đất, nói năng, cử chỉ không khác gì người trần".  Trời làm hạn hán, 2 học trò này theo đề nghị của thầy, tự ý làm mưa trái với luật trời để cứu dân, vì thế bị trời xử tội chết. "Xác của họ hiện nguyên hình là hai con thuồng luồng, song đầu một nơi, mình một nẻo, giạt vào gậm cầu Bưu. Cụ đồ nghe tin rất thương xót. Cụ khóc và bắt tất cả học trò đưa đám chôn hai con thuồng luồng".

Truyện Đại vương Hai kể: "Ở Sông Lam gần bến đò Lách hồi đó có một con thuồng luồng rất lớn. Mỗi lần có thuyền bè đi qua, nó thường cuộn mình gây thành sóng gió dữ dội làm cho thuyền đắm; bao nhiêu mạng người chìm xuống nước đều không thoát được miệng nó. Bởi thế khúc sông ấy vắng bóng thuyền bè qua lại. Triều đình cũng bó tay. Cuối cùng nhà vua sai yết thị cho mọi miền, hễ ai có cách gì giết được con thủy quái thì sẽ phong cho quan tước".

Con thuồng luồng là con gì?

Sách Đại Việt Sử ký toàn thư, phần Ngoại kỷ viết: "Vua các đời đều gọi là Hùng vương. Bấy giờ dân ở rừng núi thấy ở sông ngòi khe suối đều có tôm cá, nên rủ nhau đi bắt cá để ăn, thường bị thuồng luồng làm hại, đến thưa với vua. Vua nói: 'Người ở núi khác với các loài thủy tộc; các thủy tộc ấy ưa cùng loài mà ghét khác loài, cho nên mới bị chúng làm hại'. Rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thủy quái ở mình. Từ đấy thuồng luồng trông thấy không cắn hại nữa".

Cũng sách Đại Việt Sử ký toàn thư, phần về nhà Trần có đoạn viết: "Lại hồi quốc sơ, quân sĩ đều xăm hình rồng ở bụng, ở lưng và hai bắp đùi, gọi là 'thái long' (rồng hoa). Vì khách buôn người Tống thấy dân Việt ta xăm hình rồng, lỡ gặp gió bão thuyền đắm, thuồng luồng không dám phạm tới, cho nên gọi là thái long".

Vậy con thuồng luồng là con gì? Thuồng luồng, hay giao long, là sinh vật không có thật. Loài thủy quái này trong hình dung của dân gian có phần giống rồng nhưng không hẳn là rồng. Thuồng luồng thường rất to lớn, có sừng như rồng, thân hình giống rắn, sức mạnh kinh khủng, thậm chí đến mức siêu nhiên. Chúng sống ở những vùng nước lớn và có thể dìm bất cứ ai hay tàu thuyền nào. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, thuồng luồng là sinh vật tưởng tượng được "lai ghép" và thần thoại hóa từ đặc điểm của những sinh vật có thật như cá sấu, rắn..., đem lại có chúng sức mạnh khó chống đỡ của loài thủy quái.

Trong nhiều chuyện cổ tích, thuồng luồng còn được coi là hiện thân của vua thủy tề, hà bá hay con cháu của họ, có sức mạnh thần linh. Thuồng luồng thường đại diện cho lực lượng tự nhiên có thể hại người, nhưng nhiều khi cũng cứu giúp người như chuyện Sự tích đầm Mực kể trên. Trong truyện Sự tích hồ Ba Bể, thuồng luồng lại là hóa thân của vị thần muốn thử lòng người trần để trừng phạt những kẻ bất lương. Vị thần này biến thành bà già ăn mày lở loét đi xin ăn ở hội làng nhưng ai cũng mắng đuổi, chỉ hai mẹ con bà góa nghèo cho ăn, cho ngủ. 

"Người đàn bà vừa nằm là ngủ liền, tiếng mụ ngáy như sấm. Hai mẹ con nhìn ra thấy chõng sáng rực lên trong bóng tối. Đây không phải là một mụ ăn mày già yếu lở loét nữa mà là một con giao long đang cuộn mình lù lù một đống, đầu gác lên xà nhà, đuôi thò xuống đất... Đến sáng hôm sau, khi người mẹ nhìn ra chả thấy giao long đâu cả. Trên chõng, mụ ăn mày đã dậy và sắp sửa ra đi". Sau khi bày cho hai mẹ con cách tự cứu mình, bà ăn mày biến ra dòng nước lớn từ dưới đất phun lên nhấn chìm cả làng, khiến đất sụt xuống, và hiện nguyên hình thành thuồng luồng. Chỗ đất sụt ấy biến thành hồ Ba Bể.

Giao long - thuồng luồng cũng xuất hiện trong văn hóa Trung Quốc. Sách Hoài Nam Tử chép: ‘Đất Kinh có người tên là Thứ Phi, được bảo kiếm ở đất Can Đội, khi đi về qua sông Giang (Dương Tử), đến giữa sông nổi sóng lớn, có hai con giao long vây lấy thuyền. Thứ Phi bình tĩnh cầm kiếm nhảy xuống sông giao chiến với giao long, sau một trận chiến dữ dội Thứ Phi chặt được đầu giao long, người trong thuyền đều sống cả". Con giao long trong sách này được miêu tả là "Da nó có từng hột (vẩy dày), người đời cho miệng nó là miệng gươm đao". 

Nhiều tài liệu khác của Trung Quốc cũng kể chuyện gặp giao long trên sông Dương Tử, vì thế các nhà nghiên cứu cho rằng "nguyên mẫu" của loài thủy quái này là loài cá sấu Dương Tử nổi tiếng.

Minh Nhật

Tin mới