Anh Phạm Khắc Tưởng từng là giám đốc kinh doanh của một công ty nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam. Vì đam mê với máy móc, anh quyết định nghỉ để nghiên cứu chế tạo máy làm bánh chưng.
Dây chuyền làm bánh chưng ra đời sau 2 năm mày mò, giúp rút ngắn các công đoạn làm bánh mà vẫn giữ được hương vị truyền thống. Tuy nhiên, một số công đoạn vẫn phải làm thủ công.
Hệ thống sản xuất bánh chưng gồm hơn 10 máy, mỗi máy phụ trách một công đoạn như rửa lá, vo gạo, thái thịt, buộc lạt...
Bánh chưng làm bằng máy vẫn đầy đủ mọi nguyên vật liệu truyền thống như lá dong, nếp, đậu... và tất cả đều được lựa chọn kỹ. Trong ảnh, người làm bánh đang chọn lá dong, loại bỏ những lá hư, xấu.
Cho thịt lợn vào máy thái. Chiếc máy này có thể cắt đều từng miếng thịt có khối lượng bằng nhau trong thời gian ngắn.
Thịt sau khi thái được ướp tiêu, gia vị và chia thành từng đĩa.
Sau đó, thịt và đậu xanh xay nhuyễn được trộn với nhau rồi chia vào các khay đựng. Máy trộn và đóng khuôn nhân được anh Tưởng tính toán sao cho mọi chiếc bánh đều có lượng nhân như nhau.
Để tạo màu xanh bắt mắt cho bánh chưng, anh Tưởng trộn nước ép lá riềng vào gạo nếp.
Xếp lá vào khuôn, cho gạo và nhân vào bên trong. Chỉ cần gạt cần, hệ thống máy sẽ tự động dập khuôn, tạo ra chiếc bánh đẹp đẽ, chắc chắn.
Trung bình 1 phút, dây chuyền cho ra 1 chiếc bánh nặng 1,5kg.
Bánh gói xong được đưa vào máy luộc.
Tết Nguyên đán 2020, anh Tưởng làm khoảng 1.000 chiếc bánh chưng với dây chuyền này, giá 180.000/chiếc. Bánh chưng làm bằng máy có thể bảo quản trong 1 tháng.
Nhiều người từng nếm bánh chưng làm bằng máy nhận xét, sản phẩm có mùi vị không khác bánh chưng làm thủ công và đảm bảo về an toàn thực phẩm.