Để có thể hiểu tường tận hành trình “săn” đại thụ của những nhóm người trực tiếp vào rừng, chúng tôi mất nhiều ngày dò hỏi, nắm bắt tình hình.
Sau hơn hai tuần tìm kiếm sự trợ giúp chúng tôi gặp được T. (45 tuổi), người có kinh nghiệm đi rừng tại Bình Định. Nhưng ngay khi nghe chúng tôi đề cập đến việc dẫn đường vào rừng, anh liền từ chối vì sợ bị trả thù.
Anh T. vốn là “lâm tặc” chuyên vào rừng khai thác lâm sản, nhưng rồi nhìn những cánh rừng bạt ngàn cây cổ thụ ngày càng cạn kiệt, anh đã quyết tâm giải nghệ, hoàn lương bằng nghề lái xe.
Sau nhiều lần thuyết phục và nhờ sự tác động của một số người quen trên địa bàn, cuối cùng T. mới chịu đồng ý dẫn chúng tôi vào rừng sau khi đưa ra một loạt các yêu cầu nghiêm ngặt bắt chúng tôi cam kết “tuân theo”
Sau hơn 3 tiếng đi bộ vượt hơn 10 km đường rừng, chúng tôi có mặt tại một khoảnh rừng “tơi bời xác pháo” nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.
Theo T., khoảnh rừng này đã được đấu giá cho doanh nghiệp khai thác tận dụng cây rừng theo phương án chặt hạ, cắt khúc trước khi đem ra khỏi rừng nhưng doanh nghiệp vẫn đào cả gốc nhiều đại thụ để đem ra khỏi rừng.
Vì nguồn lợi trước mắt, lâm tặc không ngại xuống tay "làm ma" các cây đại thụ.
Trước mắt chúng tôi là gần chục cây bằng lăng cổ thụ nằm phơi mình trong cái nắng chói chang chờ được vận chuyển ra bìa rừng, xung quanh ngổn ngang các ngọn, cành cây.
Anh T. bảo, đại thụ cắt gọn cành lá này được gọi là phôi, sẽ được đội đào cây chọn “ngày lành” để chuyển ra bãi tập kết ngoài bìa rừng, khi “chốt” được giá với người mua là được chuyển về các vườn ươm. Ở đó, những phôi đại thụ tự nhiên trải qua một cuộc “đại phẫu” cả về hình dáng lẫn xuất xứ.
Men theo con đường đất gồ ghề, đi khoảng hơn 1 km đường rừng chúng tôi bắt gặp một nhóm người đang dùng xe cẩu chuyển những phôi đại thụ ra bìa rừng. Tiếng í ới, tiếng máy cẩu xé toạc không gian yên tĩnh.
“Mấy tay đó ngứa tay hay sao mà vung dao chặt phá lung tung thế” - Tôi hỏi. “Phải phát hết những cây xung quanh để không gây ảnh hưởng đến “nhan sắc” của cây muốn đào bán”, anh T. trả lời
Thấy khuôn mặt ngu ngơ của tôi, anh T. giải thích thêm, thường sau khi “tăm” được cây đẹp là đến công đoạn chuẩn bị đồ nghề để hạ cây. Để đào tận gốc một cây cổ thụ, việc đầu tiên là phải “dọn đường”, phát trống trong phạm vi hàng chục mét để đào gốc khiến hàng chục, thậm chí hàng trăm cây khác phải chết lây.
Đào xong, cắt bỏ cành và rễ không cần thiết, chuẩn bị vận chuyển ra nguồn. Cây nhỏ thì chuyển bằng xe máy hoặc khiêng bằng đòn gánh; cây to thì phải thuê xe cẩu đưa ra đường lộ.
Để vận chuyển cây không bị va đập, trầy xước vỏ, thân cây hay mở đường cho xe cẩu vào nhóm của anh lại phải đốn hạ hàng loạt cây rừng vì “tội ngáng đường”.
“Đại thụ sau khi đào lên, được nhóm đào cây vận chuyển ra nguồn, mỗi chuyến như thế sau khi bán được cây nhóm thợ săn cây cũng bỏ túi hàng triệu đồng, có khi lên đến hơn chục triệu nếu gặp cây có thế đẹp, nhiều năm tuổi”, anh T. cho biết.
Sau nhiều giờ len lỏi trong rừng, chứng kiến cảnh tượng tan hoang ngay dưới tán rừng xanh, những cơn mưa chiều nặng hạt bắt đầu trút xuống cũng là lúc chúng tôi nhanh chóng rời khỏi rừng.
Trên đường ra, ngay trên quốc lộ không khó để thấy những chiếc xe tự chế chở đằng sau một vài gốc đại thụ.
Tại sao lâm tặc dễ dàng vào rừng, vận chuyển những gốc đại thụ ra khỏi những tán rừng xanh mà lực lượng kiểm lâm vẫn không hề hay biết?
Thậm chí, có nhiều nhóm mua bán đại thụ online được lập ra, trong đó các thành viên để công khai giao dịch bán hàng: đủ loại cây khổng lồ, chủ yếu là cây bằng lăng. Rồi chúng khoe cả hình chụp bên những gốc đại thụ giữa rừng, quay video chi tiết từ lúc đào cây đến khi đem cây tới nơi tạm trú.
Nhiều cây to cao sừng sững như "cột chống trời", hàng chục người đánh vật cả tiếng cùng xe cẩu lớn, buộc xích lớn để cẩu về vườn ươm,… cả hành trình đều công khai như chuyển mớ rau, con cá.
Rời rừng, chúng tôi được T. mời về nhà ăn cơm. Dưới ánh chiều nhập nhoạng, khi men rượu chếnh choáng, anh cởi mở hơn về một thời “phá rừng xanh” của mình.
Những gã trai sống bằng nghề “đào trộm cây” như anh T. thường lập thành đoàn 5 - 7 người, cơm nắm, cơm đùm và mang theo tất cả những đồ nghề cần thiết len lỏi vào tận sâu trong rừng, trên các núi đá để tìm đại thụ.
Những nhóm người mang theo hành trang xà beng, xẻng, rìu, ròng rọc, máy cưa... len lỏi khắp các cánh rừng, đồi núi để "săn" đại thụ.
Sinh ra và lớn lên ở nơi gần gũi với rừng già, quen từng vạt rừng, con suối, khi theo nhóm, anh T. tiên phong dẫn đường. Dọc hành trình, các anh có thể qua bữa với rau rừng, cá suối..., những món nuôi anh từ tấm bé.
"Anh em đi rừng thường phải trèo cao, vượt suối mà không có công cụ hỗ trợ. Người thợ phải có "thần kinh thép", không sợ độ cao và sức khỏe", anh T kể.
Nhiều cánh rừng ở Bình Định, Phú Yên, thậm chí cả vùng biên anh T. đã đặt chân tới, cây cổ thụ càng ngày càng hiếm, chỉ có vào tận những vùng núi thâm u. Giờ thấy nhiều nhóm rủ nhau vào rừng kiếm cả tuần rồi chấp nhận về không.
Hành trang đi rừng ngoài đồ nghề là xà beng, xẻng, rìu, ròng rọc, máy cưa,… thì một loại thức uống không thể thiếu là rượu. Nhất định phải có rượu để đêm về ủ ấm cái bụng và là liều thuốc ngủ để không quan tâm đến những âm thanh rùng rợn của rừng xanh. Rừng bây giờ hết thú dữ rồi nên mọi người không lo cọp vồ, gấu cắn. Dẫu vậy thì rừng xanh vẫn còn tiềm ẩn vô vàn hiểm nguy.
“Đi rừng đào cây có bị ai ngăn cản không?” - Tôi hỏi. "Mình trộm cây mà, kiểm lâm thấy sẽ đuổi bắt chứ. Do thông thạo địa hình, thuộc đường rừng, đi đường tắt nên không ai biết. Lâu dần, để không bị “sờ”, bọn tôi phải bỏ tiền "làm luật", anh T. cười cười tiết lộ.
Khi việc đi rừng gặp trở ngại từ kiểm lâm, nhóm anh T. lại đi khắp thôn, bản lùng sục gạ mua đại thụ với giá rẻ. Cây đẹp, giá trị cao mà chủ nhà không bán thì tìm cách “trộm”.
Hành trình đào một cây trên rừng, đưa cây khỏi rừng và đem trồng tại nhà để biến cây rừng thành cây vườn nhà.
Và thế là, những cái cây ven con nước, dọc quốc lộ, không là di tích, chẳng là cây trong danh mục quý hiếm nhưng đậm in trong ký ức bao thế hệ, trở thành tên gọi của cả vùng đất, có tên trong những câu chuyện ‘ngày xửa ngày xưa” của người xa quê… cứ dần biến mất trong sự tiếc nuối của nhiều người.
Đêm dần buông, chén rượu nếp xua bớt cái lạnh vùng cao. Anh T. với tay lấy chiếc điếu cày dựng góc nhà, vê nốt chút thuốc lào còn lại trong chiếc túi nilon xỉn màu, châm lửa rồi mơ màng theo khói thuốc.
Ngồi lặng lẽ trên chiếc giường đặt góc trái nhà, người bố hơn 80 tuổi của anh T. cất giọng yếu ớt: “Xưa kia, cây si trùm kín con suối, trùm kín đôi bờ, rộng dài cả trăm mét. Những gốc đại thụ 300 - 400 năm tuổi với bộ rễ cắm xuống đất, xuống đá, xuống bùn, xuống nước, giữ cho đất không sói lở.
Cách nhà không xa là mảnh rừng với những cây thiên tuế có tuổi đời vài thế kỷ; cây bằng lăng sáu ngọn, cây bằng lăng hình voi, cây bằng lăng u mấu kỳ vĩ… vậy mà bây giờ cạn sạch.
Không có cổ thụ giữ đất, cứ mưa to là đất đá từ núi lở xuống, nguy hiểm biết bao. May thằng T. tỉnh ngộ mà bỏ cái việc đào trộm cây rừng, chứ không tôi chết không nhắm mắt. Thất đức lắm”. Ông cụ thở dài mang theo nỗi day dứt khi nhắc một thời lạc lối của cậu con trai duy nhất.
Ông bảo, nằm một chỗ nhưng ông thường xuyên xem tin tức, đọc báo, là người sống gần rừng nên tin tức liên quan đến rừng ông không bao giờ bỏ sót. “Đồng tiền tiễn biệt rừng xanh, nhà đại gia đẹp thì rừng vắng bóng đại thụ”, ông cảm thán.
Ông cho biết, không chỉ Bình Định, Phú Yên, tại Ninh Thuận, tình trạng khai thác cây rừng làm cây cảnh diễn ra rầm rộ từ hơn 20 năm về trước. Năm 2002, tại xã Phước Minh (Ninh Phước) hàng trăm hộ dân sinh sống dọc quốc lộ 1A (đoạn từ Cà Ná đến Quán Thẻ) vào các khu rừng già trong tỉnh để săn tìm cây cảnh lâu năm như: lộc vừng, bằng lăng, cóc da, bồ đề...
Họ đào luôn cả gốc lẫn rễ rồi thuê xe chở về nhà tạo dáng và bày bán. Nhiều cây sau khi bị chặt mang về không thích hợp để tạo dáng vẫn được bán cho những người chuyên tạc tượng với giá cao.
Năm 2020, khi cây bằng lăng đại thụ được giới nhà giàu tại TP.HCM ưa chuộng, tại khu vực rừng phòng hộ ven biển huyện Thuận Nam, sau những cơn mưa đầu mùa, nhiều người đổ xô vào rừng, săn tìm cây bằng lăng và đào cả gốc đem đi.
Không ít trường hợp sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng bằng các hung khí tự chế khi bị phát hiện. Thậm chí, khi lực lượng chức năng nghỉ ngơi trên những chiếc võng tại những khu vực được phân công thì các đối tượng đến tận nơi để kiểm tra xem ai đang nằm và hăm dọa.
Hiện nay chẳng phải giới thời thượng mới chơi được đại thụ mà “trọc phú” ở thôn quê cũng học chơi.
Chính vì vậy mà đội ngũ “hút máu rừng” chuyên nghiệp và nghiệp dư ngày càng nhiều. Những người vào rừng lùng cây như anh T. trước kia ở địa phương nhiều lắm. Còn thợ “lột xác cho đại thụ” ở các nhà vườn thường gọi là “nghệ nhân” thì cũng đến vài chục.
Những cây phôi nhà vườn mua của nhóm người đi lùng cây với giá chỉ vài chục triệu đồng, nhưng qua bàn tay “tân trang” của nhóm “nghệ nhân” nhà vườn thì giá trị cây tăng gấp nhiều lần.
Đây cũng là những kẻ hút máu rừng, bởi trong quy trình đưa cây rừng vào nhà đại gia thì họ chính là “yêu tinh” phù phép cho đại thụ do ăn cắp từ tự nhiên mà có thêm rất, rất nhiều tiền. Điều này do chính họ thừa nhận trong quá trình tiếp xúc với chúng tôi.
Sau hơn 2 tháng “giao lưu” với các nhà vườn, khi câu chuyện sau những chén rượu trở nên cởi mở, tôi nhỏ giọng hỏi một chủ vườn tên Đ. ở Bình Định: “Tiêu thụ toàn cây trộm trên rừng, anh không sợ bị tóm à?”. Ông này cười khơ khớ: “Bọn tui mua phôi cây về ghép giống làm đẹp cho đời, làm đẹp cho những khu vườn, ai bắt bớ làm chi?”.
Để minh chứng cho cái sự “làm đẹp cho đời” của mình, ông ta bắt đầu kể về quy trình biến một cây cổ thụ xù xì thành “tác phẩm nghệ thuật”.
Hiện nay chẳng phải giới thời thượng mới chơi đại thụ mà các “trọc phú” ở thôn quê cũng học chơi.
Theo Đ., quy trình để có được một cây đại cảnh khá phức tạp. Để tìm cây phôi, ngoài mối từ các nhóm người vào rừng săn cây thì ông ta cũng có nhiều cộng tác viên các tỉnh: Phú Yên, Ninh Thuận, Gia Lai.
Cây chọn để làm cây đại cảnh kích cỡ to nhỏ không quá quan trọng mà chủ yếu làm sao phải dễ tạo dáng, tạo thế bởi với loại cây này không thể uốn theo ý muốn mà phải dựa vào dáng tự nhiên.
“Riêng gốc bằng lăng rừng vườn tôi chỉ nhập một loại duy nhất của Việt Nam, cây từ Lào mang về không đủ mạnh mẽ như cây nước mình. Đám thợ sau khi vào rừng, có cây “ngon” sẽ gửi qua Zalo, sau khi chốt sẽ được chở tận nơi. Những cây mua từ cộng tác viên thì phải thuê xe chuyên chở về. Tuyệt đối không mua cây bằng lăng bị rỗng ruột (gọi là cây bọng) hay các bánh rễ của nó bị mục”, ông Đ. cho hay.
Ông chủ vườn này “bật mí”, nếu để nhận xét nơi nào có bằng lăng cổ thụ chất lượng nhất, khổng lồ, đường kính gốc “khủng” nhất thì chắc chắn phải kể đến Bình Định. Thợ săn cây thường tập trung ở các huyện Phù Cát, An Lão, Hoài Ân vì ở đây số lượng bằng lăng nhiều, hay lùng được cây dáng, thế, thân cổ thụ đẹp.
Khi về đến vườn, phía đầu các rễ bị cắt sẽ được cho vào bể tẩm dung dịch kích thích mọc rễ sau đó mới đem trồng.
Khoảng 3, 4 tháng cây bắt đầu đâm chồi. Giai đoạn cuối cùng là tạo dáng cho cây, ghép chồi tường vi, bằng lăng Thái. Kĩ thuật ghép mắt cây, mắt hoa, kĩ thuật làm đẹp "da cây" được sự hỗ trợ đặc biệt của các loại thuốc nhập từ Trung Quốc.
“Bằng lăng chỉ cần tưới nước vừa đủ để rễ thở và hấp thụ là cây có thể phát triển bình thường. Khi ghép hoa, bằng lăng cần được giữ khô, tránh ẩm ướt. Thời gian thích hợp để ghép mắt hoa vào bằng lăng là tháng 1 hoặc tháng 2. Mưa thì không ghép được”, ông Đ. chia sẻ.
Sau khi được trồng trên đất nhà 1 - 2 năm cây bắt đầu bén rễ mạnh mẽ, nảy lộc mới, ra bông thì ông Đ. sẽ rao bán. Đối với loại cây phôi giá thường chỉ một vài triệu đến vài chục triệu, nhưng sau khi được chăm sóc giá trị của nó tăng gấp cả chục lần.
Khi các nhóm đào trộm cây rừng ráo riết săn lùng đại thụ, các nhà vườn vẫn nườm nượp người mua thì mỗi ngày có bao nhiêu đại thụ bị “bứng” khỏi tự nhiên? Chắc chắn đó là một con số đáng báo động.