Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Cái chết' của những cánh rừng phòng hộ ven biển Bình Định

(VTC News) -

Diện tích không nhỏ rừng phòng hộ ven biển bị xóa sổ đầy ẩn ức do "nhầm lẫn" và sự thờ ơ của các doanh nghiệp, cán bộ địa phương ở huyện Phù Mỹ (Bình Định).

Video: Điều gì đã xảy ra với rừng chắn cát ven biển tại Bình Định?

Đi dọc con đường ven biển ở huyện Phù Mỹ (Bình Định), những cánh rừng phòng hộ ven biển cách đây 10 năm còn nối tiếp xanh tốt giờ xác xơ, oằn mình chống chọi yếu ớt trước những con gió thông thốc từ biển thổi vào.

Nhiều cây đổ ngã, gốc rễ trơ trên mặt đất. Lại có những khoảng rừng bị “xóa trắng” chỉ còn là bãi cát hoang hóa. Xa xa, lớp lớp con sóng gào thét nhắm vào bãi cát đơn độc mà khoét sâu. Những ngôi nhà xiêu vẹo bị sóng biển ngoạm sát vào nền móng.

Những mảng xanh của rừng được đổi bằng màu xanh của hàng ngàn tấm pin năng lượng mặt trời và những dự án phát triển kinh tế khác.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đó là sự hoán đổi hợp lý, có tính toán, thẩm định kỹ lưỡng và cấp phép của các cấp chính quyền. Đáng lên án ở chỗ, nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển bị bức tử oan ức bởi các doanh nghiệp, sự thờ ơ vô trách nhiệm của một số cán bộ địa phương.

 

Đến giờ, nếu ai đó về xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ), hỏi về rừng, người dân ở đây vẫn chưa nguôi nỗi bức xúc khi hơn 5 ha rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn vào năm 2021 - 2022 bị chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện năng lượng mặt trời P.M (do Công ty CP PTTNLCS) âm thầm xóa trắng.

Thế nhưng, khi sự việc bị phanh phui thì lại được biện minh rằng việc tác động vào rừng phòng hộ là hành vi “nhầm lẫn”.

Được biết, tháng 5/2020, dự án Nhà máy Năng lượng mặt trời P.M được Công ty CP PTTNLCS khởi công xây dựng tại 2 xã Mỹ An và Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ).

Ðây là nhà máy năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất tỉnh Bình Ðịnh với tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 380 ha.

Cuối năm 2020, giai đoạn 1 của dự án được đưa vào vận hành và tại thời điểm “dọn nhầm rừng”, đơn vị đang triển khai thi công giai đoạn 2 trên diện tích hơn 94,3 ha tại 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An.

Hơn 5 ha rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn huyện Phù Mỹ vào năm 2021 - 2022 bị chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện năng lượng mặt trời P.M "xóa trắng".

Người dân xã Mỹ An không tin chuyện “phát dọn nhầm” diện tích rừng phòng hộ lớn đến thế, và cho rằng đã có chủ ý bởi sau đó doanh nghiệp này đề xuất phương án khắc phục bằng cách xin trả lại 11,2 ha trong phần đất được cấp của dự án chưa được doanh nghiệp đụng đến và hoán đổi phần đất 5,26 ha rừng vừa bị chặt phá.

Bi hài ở chỗ, diện tích “chưa đụng đến” của dự án là đất có mồ mả, chưa được giải phóng mặt bằng. Dư luận hoài nghi, phải chăng do vướng khu đất có mồ mả chưa giải phóng mặt bằng được nên chủ đầu tư dự án cố tình phá khu rừng phòng hộ xã Mỹ An để đổi khu đất ấy lấy mặt bằng thi công nhà máy điện?

Điều khiến dư luận ngạc nhiên hơn nữa là, sau “cái chết oan khuất” của cánh rừng phòng hộ, trong văn bản báo cáo của UBND huyện Phù Mỹ gửi UBND tỉnh Bình Định (do ông Phan Hữu Duy - Phó Chủ tịch UBND huyện ký) ngày 16/9 lại chỉ đề cập việc Công ty CP PTTNLCS đã “lấn chiếm 5,26 ha đất rừng phòng hộ ven biển” trong quá trình làm dự án và bỏ qua hành vi phá rừng trong khu đất 5,26 ha bị lấn chiếm.

Bên cạnh đó, báo cáo gửi UBND tỉnh Bình Định cũng không đề cập đến hiện trạng khu rừng phòng hộ trước khi bị phá, không hề thống kê số lượng, trữ lượng cây bị đốn hạ cũng như việc điều tra hành vi phá rừng phòng hộ trái phép, mà chỉ nói rằng “do nắng hạn từ khi trồng đến nay nên có cây, có nơi chết cục bộ”.

Người dân khẳng định, diện tích rừng bị phá là rừng dương nhiều năm tuổi và thay vào đó là những công trình dự án.

Có thể thấy, vụ việc đã không được xem xét bởi các quy định của pháp luật về lâm nghiệp mà chỉ được cân nhắc như một vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Lãnh đạo Phù Mỹ “đẩy” trọn trái bóng lên UBND tỉnh Bình Định với việc viện dẫn Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ bằng kiến nghị xử phạt từ 60 triệu đến 150 triệu đồng.

Trong khi đó, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) huyện Phù Mỹ thừa nhận với các cơ quan báo chí, diện tích rừng bị xâm chiếm, tàn phá khoảng 10 năm tuổi, thuộc rừng phòng hộ ven biển do đơn vị này quản lý.

Người dân cũng khẳng định, diện tích rừng bị phá là cây dương nhiều năm tuổi. Từ sau ngày đất nước thống nhất, chính quyền huy động sức dân, cung cấp cây giống để trồng dọc bờ biển các huyện Phù Mỹ, Phù Cát…

Trải qua nhiều thế hệ liên tục trồng, chăm sóc mới hình thành được rừng dương có chức năng chắn cát, chắn gió biển, nhất là vào mùa mưa bão, chống sa mạc hóa các khu dân cư ven biển và giữ mạch nước ngầm cho người dân trong vùng.

Về sau, rừng dương ven biển được chính quyền giao cho Ban QLRPH các huyện Phù Mỹ, Phù Cát quản lý.

Khi nghe chủ trương xây dựng nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ, người dân quyết liệt phản đối bởi lo lắng cánh rừng phòng hộ bao năm nuôi trồng, bảo vệ bị xâm hại. UBND tỉnh Bình Định khi đó đã phải rất khó khăn mới thuyết phục được người dân địa phương đồng ý cho dự án năng lượng mặt trời triển khai.

Tuy nhiên, điều lo sợ của người dân cũng xảy ra khi doanh nghiệp này phá trắng hơn 5 ha rừng phòng hộ.

Trước phản ứng từ chính quyền địa phương và các cơ quan báo chí, UBND tỉnh Bình Định khi đó khẳng định đây chỉ là đề xuất từ phía UBND huyện Phù Mỹ. Sau đó, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu huyện Phù Mỹ tiếp tục rà soát, báo cáo cụ thể, chi tiết… để có hướng xử lý rốt ráo. 

UBND tỉnh Bình Định khi đó đã yêu cầu huyện Phù Mỹ tiếp tục rà soát, báo cáo cụ thể, chi tiết… để có hướng xử lý rốt ráo. 

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) khi đó cũng có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT Bình Định chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra, xác định diện tích rừng bị thiệt hại của các vụ phá rừng trái pháp luật xảy ra tại huyện Phù Mỹ.

"Nếu xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì củng cố hồ sơ, chuyển Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát xem xét xử lý đúng theo quy định của pháp luật", văn bản của Tổng cục Lâm nghiệp nêu.

Ngoài ra, Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng phá rừng trong thời gian qua nhưng không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Vậy nhưng đến nay, sau gần 2 năm, “cái chết oan khuất” của rừng dương vẫn chưa được sáng tỏ, những kẻ phá rừng vẫn nhởn nhơ, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân liên quan chưa được làm rõ. Hơn 5 ha rừng bị "bị khai tử" được doanh nghiệp trồng lại cầm chừng, èo uột.

 

Chuyện không tưởng về “dọn nhầm rừng” kể trên những tưởng sẽ thành có “1-0-2” nhưng đến cuối năm 2022, một lần nữa dư luận lại ngỡ ngàng khi 2,71 ha rừng trồng có chức năng phòng hộ lại tiếp tục bị “khai thác sai thiết kế” tại địa bàn xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh).

Theo đó, tháng 10/2020, Ban QLRPH huyện Vân Canh ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Lâm nghiệp Quyên Thắng khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng sản xuất năm 2020 với tổng diện tích 62,50 ha, thời hạn hợp đồng đến 30/6/2021.

Ngày 25/6/2021, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quyên Thắng đề nghị gia hạn hợp đồng đến hết ngày 30/9/2021 và được Ban QLRPH huyện Vân Canh đồng ý, chấp thuận.

Đến ngày 20/8/2021, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quyên Thắng kết thúc việc khai thác rừng, hoàn thành hợp đồng nghiệm thu với Ban QLRPH huyện Vân Canh.

Sau đó, Ban QLRPH rừng phòng hộ huyện Vân Canh kiểm tra, phát hiện một số diện tích rừng trồng kế cận (2,71 ha rừng có chức năng phòng hộ) bị khai thác nằm ngoài so với hồ sơ thiết kế theo hợp đồng đã ký kết trước đó.

Tuy nhiên, đại diện Công ty TNHH Lâm nghiệp Quyên Thắng cho rằng, việc khai thác rừng trên đều được đơn vị thực hiện theo hướng dẫn, giám sát của Ban QLRPH huyện Vân Canh.

Tháng 8/2021, Công ty đã hoàn thành hợp đồng, lập biên bản nghiệm thu và được Ban QLRPH huyện Vân Canh chấp thuận. Tháng 12/2021, Ban QLRPH huyện Vân Canh lại phát hiện mất rừng thì việc đó không liên quan đến họ.

Những cánh rừng tại Bình Định cứ thế tiếp tục bị “bức tử” như một căn bệnh có tính lây lan không chỉ ở rừng phòng hộ ven biển.

Tháng 3/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Công an huyện Vân Canh đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quốc Thoàng (Trưởng bộ phận kĩ thuật lâm sinh - Ban QLRPH huyện Vân Canh) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 Điều 360 Bộ luật Hình sự.

Những cánh rừng cứ thế tiếp tục bị “bức tử” như một căn bệnh có tính lây lan không chỉ ở rừng phòng hộ ven biển, trong sự bất lực của chính quyền địa phương. Những kẻ phá rừng dường như ngày càng ngang nhiên, những “điểm nóng” phá rừng nóng trở lại.

Từ đầu năm 2023 đến nay, khi Ban QLRPH huyện Phù Cát bắt đầu nhận bàn giao hơn 9,7 ha rừng trồng phòng hộ (cây dương) tại Khu kinh tế Nhơn Hội, thuộc thôn Phú Hậu (xã Cát Chánh, Phù Cát) để quản lý, bảo vệ thì cũng “đau đầu” bởi nạn chặt phá trộm.

Lợi dụng thời điểm chuyển giao, một số đối tượng đã lén lút vào khu vực này chặt trộm cây dương lấy gỗ về làm nguyên liệu hầm than.

Chỉ trong 2 tháng đầu năm, Ban QLRPH huyện Phù Cát 5 lần phát hiện rừng phi lao bị chặt trộm. Đáng nói, 4 trong 5 lần lực lượng bảo vệ của Ban QLRPH huyện Phù Cát phát hiện khi các đối tượng đã chuyển cây đi nơi khác.

Chỉ 1 lần gặp trực tiếp, nhưng các đối tượng đã nhanh chân bỏ chạy, để lại phương tiện dùng chặt cây là rựa và cưa tay. Những cây phi lao chưa bao giờ được sống trong “vùng an toàn”, diện tích rừng phòng hộ ven biển liên tục bị “cạo trọc, đốt sạch”.

Nhìn những khoảnh rừng nham nhở, lỗ chỗ còn sót lại, trơ trọi, tan hoang, một câu hỏi cứ vang vọng: “Cơn ác mộng phá rừng” đến với người dân vùng biển từ bao giờ và bao giờ nó kết thúc?

Mời quý độc giả đón đọc bài tiếp theo: Rừng phòng hộ 'chết oan' ở Bình Định: Phá rừng để phát triển kinh tế?

An Yên - Nguyễn Gia- Huy Mạnh

Tin mới