Trận Hà Nội FC gặp Hải Phòng năm nào cũng có pháo sáng. Ban tổ chức tất nhiên lường trước được, nhưng không làm cách nào ngăn cản. Cuộc đối đầu của hai đội bóng trở thành cuộc chiến giữa ban tổ chức đội chủ nhà và cổ động viên đội khách mà lâu nay phần thắng thuộc về kẻ phá hoại.
Ba ngày trước trận đấu, Hà Nội FC phát đi những thông điệp đầu tiên về quyết tâm xóa sổ pháo sáng. Lực lượng an ninh hơn 500 người và chó nghiệp vụ, 2 vòng kiểm soát lối vào sân, 3 hàng giám sát khu vực khán đài. Công tác an ninh sân Hàng Đẫy hiếm khi được làm chặt đến thế, ít nhất là về mặt hình thức.
Pháo sáng cháy lên như sự thách thức, mỉa mai và coi thường đối với ban tổ chức.
Nhưng pháo sáng, bằng một cách nào đó, vẫn lọt vào được sân vận động và có tới 7 quả được đốt lên. Đúng là ban tổ chức đã có những nỗ lực đáng ghi nhận, theo đánh giá của ông Nguyễn Trọng Hoài, Trưởng ban điều hành giải cũng như huấn luyện viên hai đội. Nhưng pháo sáng vẫn cháy trên khán đài, dù chỉ một quả cũng là thất bại của công tác an ninh.
Lần này, những ánh lửa đỏ tai tiếng hiện lên không phải là biểu hiện của sự cổ vũ quá khích nữa mà chúng nhắm thẳng vào ban tổ chức như một lời thách thức.
Hành động thường bị gán cho những cá nhân quá khích nay lại được sự ủng hộ của đám đông. Hàng trăm cổ động viên áo đỏ đồng thanh hô "Đốt pháo đi!", thi thoảng là những lời tục tĩu nhắm vào ban tổ chức. Quả pháo cháy rực bên cạnh tấm băng rôn biến dòng chữ "cơ động cố lên" trở thành sự mỉa mai đối với công tác an ninh trận đấu.
Không thể có lời biện minh nào kiểu như bản sắc cổ vũ, tình yêu bóng đá như những lần trước. Đó là sự phá hoại có chủ đích của những kẻ ngang ngược, xem thường luật lệ và cuộc chơi. Quả pháo bắn vào một cổ động viên nữ và án phạt tù cho kẻ quá khích ở trận đấu giữa Hà Nội FC và Nam Định trên sân Hàng Đẫy năm ngoái xem ra chẳng có chút sức nặng nào đối với họ.
Có thể thông cảm cho sự khó khăn của những nhà tổ chức, rằng cặp đấu giữa Hà Nội FC và Hải Phòng được một bộ phận cổ động viên nhìn nhận với ý nghĩa thù địch, dẫn đến sự bất hợp tác.
"Chỉ có trận Hà Nội FC gặp Hải Phòng mới xảy ra. Còn hầu hết các sân thì nạn pháo sáng không có", ông Nguyễn Trọng Hoài đặt vấn đề. "Các CĐV Hải Phòng đến các sân khác vẫn chấp hành nghiêm túc, nhưng cứ đá với Hà Nội FC là có cái gì đó mà CĐV không có sự hợp tác nên xảy ra như vậy".
“Một khi rắp tâm đưa pháo sáng vào sân bằng mọi giá, người ta sẽ có cách", BLV Quang Huy chia sẻ.
Trưởng ban điều hành giải Nguyễn Trọng Hoài thừa nhận: "Chặn pháo sáng rất khó khăn. Hàng mấy nghìn người như vậy giấu một vài quả pháo sáng, quá khó kiểm soát".
Hai lớp an ninh vẫn không ngăn được CĐV mang pháo sáng vào sân.
Ban tổ chức yếu kém, có cố gắng nhưng chưa hiệu quả, lại đối mặt với phường phá hoại quá rành chiêu trò thì những người làm bóng đá không thể giành chiến thắng trong cuộc đấu chống pháo sáng. Bảy quả pháo được đốt lên lần này như một cái tát vào những tuyên bố và hành động của VFF, VPF và ban tổ chức sân Hàng Đẫy.
Đã làm đến thế rồi vẫn thua. Hà Nội FC một lần nữa lại thất bại về mặt hình ảnh, dù lần này họ đã cố gắng để ngăn điều đó xảy ra.
Sự coi thường mà các cổ động viên quá khích dành cho ban tổ chức sau trận đấu tối qua chỉ sẽ càng lớn thêm.
Chẳng lẽ sân Hàng Đẫy cứ mãi thất bại như vậy từ năm này qua năm khác? Nếu vẫn không thể theo kịp những kẻ đốt pháo, có lẽ ban tổ chức nên tính đến phương án cấm hẳn cổ động viên ở riêng cặp đấu này. Không quản được thì đành phải cấm vậy.