Chiều 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển sang phần chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết các giải pháp để tỷ lệ giải quyết kháng nghị phúc thẩm đối với án hành chính đạt được chỉ tiêu Quốc hội giao.
Trả lời câu hỏi, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh, ngành Kiểm sát cũng nỗ lực, cử kiểm sát viên phân loại và xử lý, kiểm soát tỷ lệ giải quyết đơn. Ông cho rằng cần đồng bộ từ quy định pháp luật, nhận thức của người dân và nỗ lực của ngành thì mới có thể kiểm soát được tỷ lệ giải quyết.
Ông Lê Minh Trí cho biết hiện nay, phần lớn án hành chính liên quan đến đất đai, giá đất, giá đền bù, tái định cư. "Đất đai là nguồn lực cũng là nguồn cơn tranh chấp, khiếu kiện, là đối tượng bị tham nhũng", ông nói.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí.
Theo Viện trưởng VKSND Tối cao, thời gian tới khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ trở thành giải pháp tương đối căn cơ để giảm khiếu kiện, tranh chấp và cả tham nhũng.
Ông Trí phân tích, bất cập ở Luật đất đai hiện hành là sự tồn tại đất 2 giá, lệch nhau rất lớn. Người trong cuộc thấy giá thấp, cảm thấy bị thiệt hại nên khiếu kiện. Chênh lệch giá cũng là nguồn cơn của tham nhũng. Mấu chốt là giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, nhà đầu tư.
"Nhiều khi người dân chấp hành lại bị thiệt, còn khiếu kiện, đòi hỏi thì lại được cho thêm. Cán bộ nhiều khi làm đúng, nhưng vì lợi ích không hài hòa, người dân không thỏa mãn vẫn khiếu nại, khiếu kiện dẫn đến phát sinh tranh chấp giữa người dân và chính quyền", người đứng đầu ngành Kiểm sát nói.
Nguyên nhân khác khiến các vụ án hành chính phức tạp, theo ông Lê Minh Trí là do người bị kiện là cơ quan nhà nước và người có chức vụ, trong quá trình giải quyết xuất hiện tình trạng cả nể, bị tác động.
Tuy nhiên, sự phức tạp của án hành chính còn ở chỗ, nhiều vụ án liên quan đến đất đai xảy ra trong thời gian dài, nhận thức áp dụng pháp luật, nhất là luật Đất đai cũng khác nhau.
Cùng với đó, việc cung cấp hồ sơ, chứng cứ của cơ quan Nhà nước cũng chưa đầy đủ. Việc tham dự tòa của các chủ tịch UBND cũng không đảm bảo.
"Khách quan thì chủ tịch UBND không thể dự tòa nhiều được, nhưng nếu anh không ra thì làm sao phân định được đúng, sai. Chưa kể, bản án có rồi, việc thi hành không phải lúc nào cũng nghiêm túc, dễ dàng. Án hành chính là một trong những loại án có tỷ lệ thi hành thấp nhất", Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nói và cho rằng để giải quyết án hành chính phải xem xét hệ thống pháp luật - chủ thể thực hiện loại án hành chính.