Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vị vua nào suýt bị phế truất do ham mê rượu chè, 'cãi' lệnh cha không xăm mình?

(VTC News) -

Vị vua thứ tư nhà Trần suýt bị Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông phế truất vì bắt gặp ham rượu chè, say khướt, bỏ bê triều chính.

1. Vị vua nào suýt bị phế truất vì Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông bắt gặp ham mê rượu chè?

  • A

    Trần Thái Tông

  • B

    Trần Thánh Tông

  • C

    Trần Anh Tông

    Trần Anh Tông sinh năm 1276, tên húy Trần Thuyên, là con trai trưởng của vua Trần Nhân Tông và mẹ Trần Thị (con gái Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn). Năm 1293, Trần Thuyên được vua cha Trần Nhân Tông truyền ngôi, lấy hiệu là Anh Tông. Chàng trai 17 tuổi lúc này vẫn chưa bỏ được tính ham chơi, hay trốn ra ngoài cung chè chén. 
    Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại, năm 1299, Trần Nhân Tông từ phủ Thiên Trường (Nam Định) trở về kinh sư. Các quan trong triều không ai biết, vua thì uống rượu say khướt. Thái thượng hoàng đi thăm các cung điện nhiều giờ, đến khi cung nhân dâng bữa vẫn không thấy vua đâu.
    Biết chuyện Anh Tông say rượu, cung nhân vào đánh thức nhưng không tỉnh, thái thượng hoàng tức giận trở về Thiên Trường. Ông sau đó xuống chiếu cho các quan ngay ngày mai phải tới phủ Thiên Trường để điểm danh, ai trái lệnh bị xử tội.
    Quá trưa hôm sau, Trần Anh Tông tỉnh rượu, nghe chuyện và nhìn trong cung không thấy ai thì sợ hãi. Vua sau đó gặp nho sinh Đoàn Nhữ Hài ở cửa chùa Tư Phúc, lệnh viết bài biểu để vua tạ tội với thái thượng hoàng. Sáng sớm hôm sau, vua tới phủ Thiên Trường, dâng biểu tạ tội. Thái thượng hoàng thấy Nhữ Hài liền hỏi người nào.
    Nội nhân trả lời là người dâng biểu của quan gia (vua). Thượng hoàng không nói gì. 
    Buổi chiều, mưa gió ập đến. Nhữ Hài vẫn cứ quỳ không nhúc nhích... Thái thượng hoàng bèn sai nhận biểu để xem, thấy lời lẽ khẩn thiết thì cho gọi vua vào và bảo: "Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà người còn như thế, huống chi sau này?". Vua dập đầu tạ tội... Thái thượng hoàng bèn gọi Nhữ Hài vào và bảo "bài biểu ngươi soạn, rất hợp lòng trẫm", rồi xuống chiếu cho quan gia lại vẫn làm vua, các quan về triều như cũ.
    Vua từ Thiên Trường về kinh, phong Nhữ Hài làm Ngự sử trung tán. 

  • D

    Trần Huệ Tông

2. Sau lần bị vua cha quở trách, Trần Anh Tông đối đãi với các quan ham uống rượu, mê đánh bạc như thế nào?

  • A

    Phạt đòn roi

    Trần Anh Tông từ sau lần bị thái thượng hoàng quở trách vì say rượu đã thay đổi tính tình. Từ một thanh niên thích chơi bời, vua trở nên mẫn cán, tập trung chăm lo việc nước. Ông còn rất nghiêm khắc với những thói bê tha, chơi bời quá mức.
    Theo sách 54 vị hoàng đế Việt Nam, dưới thời Trần Anh Tông, những viên quan ham đánh bạc bị xử tội rất nặng. Nguyễn Hưng - viên quan thượng phẩm, vì đánh bạc nên bị đòn, phạt trượng, đau đến nỗi về nhà thì chết. Viên quan nội thư chánh chưởng là Nguyễn Quốc Phụ chuẩn bị được thăng lên chức hành khiển, vì hay uống rượu mà Anh Tông nhất định gạt đi không dùng.
    Nổi tiếng công minh trong dùng người, dù là gia quyến nhưng bất tài, vua Anh Tông cũng không giao trọng trách. Ngược lại, người tài giỏi, tâm trung hiếu, như Đoàn Nhữ Hài, dù chỉ là nho sĩ bình thường, vẫn được vua trao chức cao. Người này, trong lần đi sứ sang Chiêm Thành đã tôn vua mình lên bằng cách lạy chiếu thư của Anh Tông mà không lạy vua nước bạn. Hành động này khiến vua Chiêm không thể bắt bẻ sứ sai lễ tiết mà còn được vua Trần ngợi khen.
    "Chính vì Anh Tông biết giữ gìn tư cách như vậy mà dưới triều đại của ông, các quan lại đều rất xứng đáng với chức của mình, đã hoàn thành được công việc, lưu được tiếng tốt là cương trực, thanh liêm", tác giả cuốn 54 vị hoàng đế Việt Nam viết.

  • B

    Cho cáo lão hồi hương

  • C

    Hạ bậc quan

  • D

    Cho đi đày

3. Dưới thời Trần Anh Tông, nước Đại Việt mở rộng được biên cương về vùng phía nam tỉnh Quảng Trị và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày nay nhờ điều gì?

  • A

    Đưa quân đi xâm lược

  • B

    Liên kết chống giặc

  • C

    Giao thương

  • D

    Cầu thân

    Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép, mùa hạ tháng 6 năm 1306, Trần Anh Tông gả em gái là công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành là Chế Mân, theo lời hứa trước đây của thái thượng hoàng Trần Nhân Tông. Vua Chiêm cống 2 châu Ô, Lý làm sính lễ. Hai châu này được đổi tên thành Thuận và Hóa, gồm vùng phía nam tỉnh Quảng Trị và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên ngày nay. Một năm sau lễ cưới, vua Chế Mân chết, theo lệ Huyền Trân khi ấy là hậu sẽ phải thiêu để chết theo. Sợ công chúa bị hại, Trần Anh Tông cho người cướp em. Việc gả công chúa Huyền Trân cho Chiêm Thành của vua Trần bị nhiều văn sĩ châm biếm.
    Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn xét: "Nhân Tông đem con gái cho chúa Chiêm Thành là nghĩa làm sao? Nói rằng nhân khi đi chơi đã trót hứa gả, sợ thất tín thì sao không đổi lại lệnh đó có được không? Vua giữ ngôi trời mà Thượng hoàng đã xuất gia rồi. Vua đổi lại lệnh đó thì có khó gì mà lại đem gả cho người xa không phải giống nòi để thực hiện lời hứa trước, rồi sau đó lại dùng mưu gian trá cướp về, thế thì tín ở đâu?". 

4. Dân 2 châu được vua Chiêm cống nạp không chịu theo nước Đại Việt, vua Trần Anh Tông đã làm gì?

  • A

    Ban lệnh chém

  • B

    Ban cho vàng bạc

  • C

    Ban ruộng đất

    Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: Chúa Chiêm Thành Chế Mân đem đất 2 châu đó làm lễ vật dẫn cưới, nhưng người các thôn La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng không chịu theo. Vua Anh Tông sai Nhữ Hài đến tuyên dụ đức ý, chọn người trong bọn họ trao cho quan tước, lại cấp ruộng đất, miễn tô thuế 3 năm để vỗ về.

  • D

    Trả về nước

5. Trần Anh Tông là người đầu tiên phá bỏ một tục lệ truyền thống của các vua nhà Trần, đó là tục gì? 

  • A

    Tế cầu mưa

  • B

    Xăm mình

    Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, trong một lần thái thượng hoàng Trần Nhân Tông rời núi Yên Tử đến ngự ở cung Trùng Quang, vua Trần Anh Tông đến chầu. Thượng hoàng nói: "Nhà ta vốn là người hạ lưu (sông nước), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc".
    Bấy giờ thợ xăm đã đợi mệnh ở ngoài cửa cung. Vua nhân lúc thái thượng hoàng quay nhìn chỗ khác, về ngay cung Trùng Hoa... Thái thượng hoàng biết ý và không bắt Trần Anh Tông phải xăm mình nữa. Tục nối ngôi là xăm rồng ở đùi từ vua Anh Tông không còn nữa.

  • C

    Đa thê

  • D

    Truyền ngôi cho con trưởng

6. Vua Trần Anh Tông trị vì trong bao nhiêu năm?

  • A

    19

  • B

    20

  • C

    21

    Sau 21 năm làm vua, năm 1314 Trần Anh Tông nhường ngôi cho con là Minh Tông để trở thành thái thượng hoàng. Trên danh nghĩa thái thượng hoàng, Trần Anh Tông vẫn tham gia công việc triều chính, khuyên bảo Minh Tông tin dùng những người tài đức như Bùi Mộc Đạc hay Huệ Vũ Đại vương Quốc Chẩn, và học hỏi kinh nghiệm từ các thời vua trước.
    Năm 1320, ông mất, thọ 44 tuổi. Trần Anh Tông được sử sách đánh giá là "khéo biết kế thừa nên thời cuộc đi tới thái bình, chính trị trở nên tốt đẹp, văn vật chế độ ngày càng thịnh vượng, cũng là bậc vua tốt của triều Trần".

  • D

    22

Vua Trần Anh Tông giữ nghiêm phép tắc trong cung. (Nguồn: VTV.VN)

Hà Cường

Tin mới