Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao Ukraine dùng tên lửa giá trị như ATACMS tấn công cơ sở không gian Nga?

(VTC News) -

Cơ sở theo dõi và liên lạc không gian NIP-16 của Nga được xem là một mục tiêu quan trọng, có khả năng cảnh báo sớm các cuộc tấn công bằng tên lửa từ xa.

Theo The War Zone, hôm 23/6, Ukraine đã tấn công vào cơ sở truyền tín hiệu không gian NIP-16 ở Vitino, Crimea. Các nguồn tin của cả Nga và Ukraine khẳng định, những cuộc tấn công đó được thực hiện bằng tên lửa đạn đạo tầm ngắn thuộc Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) do Mỹ sản xuất.

Cơ sở liên lạc vũ trụ Vitino có khoảng 20 đĩa radar, với một số mảng chứa tám đĩa gắn trên các vật cố định khổng lồ. Hình ảnh vệ tinh có độ phân giải thấp do The War Zone thu được, xác nhận cơ sở này đã bị tấn công. Tuy nhiên, do chất lượng của các hình ảnh thấp nên việc xác định mức độ thiệt hại chính xác vẫn chưa rõ ràng.

Có thể so sánh một bức được chụp vào ngày 22/6, trước cuộc tấn công và bức còn lại được chụp sau ngày 24/6. Hình ảnh sau cho thấy các vết cháy xém xuất hiện gần một mảng tám đĩa radar. Nếu đây là các biến thể ATACMS bom chùm, thì các đĩa radar này có thể đã bị bắn thủng bởi các mảnh đạn văng.

Hình ảnh vệ tinh được chụp trước và sau cuộc tấn công của Ukraine vào địa điểm theo dõi vệ tinh không gian của Nga gần thị trấn Vitino ở Crimea.

Các video xuất hiện trên mạng xã hội sau đó cũng cho thấy một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại trạm theo dõi không gian Vitino. Hệ thống quản lý thông tin cháy rừng (FIRMS) của NASA cũng xác nhận đã xảy ra hỏa hoạn ở đó.

Cơ sở liên lạc vũ trụ Vitino

Theo hãng tin Militanaryi của Ukraine, địa điểm này hiện được gọi chính thức là Khu phức hợp chỉ huy và đo lường độc lập số 40, và là một phần của Trung tâm kiểm soát hệ thống vũ trụ và thử nghiệm Titov, do Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga quản lý. 

Cơ sở này được xây dựng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh để theo dõi các nhiệm vụ phóng tàu vũ trụ của Nga. Theo trang web Spaceweb.com của Nga, công trình này bắt đầu được xây dựng vào tháng 3/1960 với sự tham gia của 5.000 lính Hải quân Liên Xô.

Cơ sở này đã thực hiện nhiệm vụ lần đầu tiên vào tháng 2/1961, hỗ trợ sứ mệnh của tàu vũ trụ Venera-1. Sau đó, trung tâm này đóng vai trò chỉ huy và kiểm soát chính trong tất cả  các sứ mệnh không gian của Liên Xô tới Mặt Trăng, Sao Kim và Sao Hỏa. Sau khi tiếp quản Crimea năm 2014, cơ sở này đã được chuyển giao cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ của Nga và đã bắt đầu hiện đại hóa cơ sở này.

Tính đến năm 2017, các báo cáo cho biết trung tâm này đã nhận được 10 hệ thống mới và quá trình nâng cấp vẫn đang được tiến hành. Kế hoạch ban đầu là chi 1,8 tỷ rúp cho việc tái thiết một kính viễn vọng vô tuyến, theo tỷ giá hối đoái vào thời điểm đó là khoảng 28 triệu đô la.

Tờ Kyiv Post đưa tin, hiện Nga đang sử dụng hệ thống này để cảnh báo sớm các tên lửa đạn đạo hướng từ Trung Đông, Châu Phi và Tây Nam Á. Tuy nhiên, Fabian Rene Hoffmann, Nghiên cứu viên Tiến sĩ tại Đại học Oslo, lại đưa ra ý kiến khác.

Có khoảng 20 chảo ăng-ten, bao gồm hai mảng lớn, mỗi mảng tám ăng-ten, tại cơ sở truyền thông không gian của Nga ở Vitino, Crimea.

Ông nói với The War Zone rằng: “Tôi chưa tìm thấy bất cứ thông tin nào cho thấy cơ sở này đóng vai trò là đường truyền cho các vệ tinh cảnh báo sớm trên không gian, vì vậy tôi cho rằng nó không có vai trò gì trong phòng thủ tên lửa đạn đạo”. Thay vào đó, ông cho rằng cơ sở này dường như được sử dụng để bảo trì và kiểm soát các vệ tinh của Nga, bao gồm cả vệ tinh GLONASS. Điều này cũng giải thích tại sao đây lại là mục tiêu ưu tiên của Ukraine.

Dù được sử dụng vào mục đích gì, thì rõ ràng Ukraine đã coi đó là một mục tiêu giá trị và có ảnh hưởng quan trọng đối với khả năng chiến đấu của Nga.

Ukraine tấn công Crimea

Ngày 23/5, Ukraine cũng đã tấn công một cơ sở radar cảnh báo sớm chiến lược của Nga, khiến địa điểm này bị hư hại đáng kể. Đây là cuộc tấn công đầu tiên của Ukraine nhằm vào một địa điểm có liên quan đến khả năng phòng thủ chiến lược như vậy.

Cuối tuần trước, Ukraine cũng tiến hành một vụ tấn công vào Crimea, gây thương vong cho nhiều dân thường. Bộ Quốc phòng Nga đã đổ lỗi cho Mỹ vì can thiệp trong cuộc tấn công này.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, “các đơn vị phòng không đã đánh chặn bốn tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, khi tên lửa thứ 5 bị đánh chặn trên không đã tạo ra một vụ nổ và dẫn đến thương vong cho người dân”.

Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo, “Những hành động như vậy sẽ không thể dễ dàng bỏ qua và phải có lời đáp trả tương xứng”.

Hình ảnh vệ tinh được chụp vào ngày 23/5 cho thấy radar cảnh báo sớm Voronezh-DM bị thiệt hại.

Lầu Năm Góc bác bỏ các cáo buộc

Thiếu tá Charlie Dietz, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết, “Ukraine tự đưa ra quyết định nhắm mục tiêu và tiến hành các hoạt động quân sự của riêng mình”.

Đại sứ Mỹ Lynne Tracy đã bị triệu tập đến Bộ Ngoại giao Nga và phải đối mặt với cáo buộc rằng Washington đang “tiến hành một cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại Nga và thực sự đã trở thành một bên trong cuộc xung đột”. 

Trong những ngày tới, thiệt hại tại cơ sở không gian của Nga sẽ được làm rõ. Thời gian qua, Ukraine liên tục tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các hệ thống phòng không và radar của Nga tại Crimea.

Khu vực bờ biển phía tây Crimea có vị trí rất chiến lược, vì đây là nơi lý tưởng để theo dõi phía tây biển Đen và không phận các nước NATO trong khu vực. Các hệ thống cảm biến và phòng không gây mù ở khu vực này, giúp máy bay không người lái và tên lửa tầm xa của Nga tiếp cận mục tiêu ở phía tây Ukraine tốt hơn.

Để đối phó với các tên lửa đạn đạo tầm xa của Ukraine do Mỹ cung cấp, Nga đã triển khai hệ thống phòng không tiên tiến S-500 tới miền nam Crimea. Tuy nhiên các chuyên gia phương Tây cho rằng, tên lửa ATACMS vẫn đang hoạt động rất hiệu quả và có thể sẽ dễ dàng vượt qua tên lửa S-500.

Lê Hưng (The War Zone)

Tin mới