Ukraine tuyên bố đã bắn trúng hệ thống S-400 và S-300 của Nga ở Crimea trong cuộc tấn công đêm ngày 10/6. Cụ thể, một đơn vị tên lửa phòng không S-400 đã bị tấn công gần Dzhankoi và hai đơn vị tên lửa phòng không S-300 khác bị phá hủy gần Chornomorske và Yevpatoria.
Hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga được đánh giá cao trên thế giới bởi khả năng phòng không tiên tiến và có mức giá ước tính khoảng 1,2 tỷ USD.
Vào ngày 15/10/2016, trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS, Ấn Độ và Nga đã ký Thỏa thuận liên chính phủ (IGA) về việc cung cấp năm trung đoàn S-400 cho Ấn Độ. Thỏa thuận trị giá 5,43 tỷ đô la Mỹ và đã được chính thức ký kết vào ngày 5/10/2018, bất chấp Mỹ đe dọa trừng phạt.
Nga dự kiến sẽ hoàn thành việc bàn giao vào đầu năm 2024, nhưng công việc đã bị chậm trễ do xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra và sự phức tạp trong thanh toán. Ba hệ thống đã được chuyển giao và biên chế cho Lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF). Nga sẽ giao hai hệ thống phòng không S-400 còn lại cho Ấn Độ trước tháng 8/2026.
Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus đã vận hành S-400 và nhiều nước khác cũng đã thể hiện sự quan tâm. Ngay cả cơ quan an ninh Mỹ cũng thừa nhận tính hiệu quả và khả năng sát thương của hệ thống phòng không tiên tiến này.
Bất kỳ sự mất mát nào của hệ thống S-400 trong điều kiện chiến đấu, cũng sẽ khiến giới quan sát quân sự xem xét lại khả năng hoạt động của hệ thống này.
S-400 bị phá hủy tại căn cứ không quân Dzhankhoi ở phía bắc Crimea.
Những tổn thất nghiêm trọng
Cơ quan tình báo quân sự Ukraine (HUR) cho biết, 4 bệ phóng S-400 đã bị phá hủy vào giữa tháng 4 cùng với các thiết bị khác, trong một cuộc tấn công vào sân bay quân sự của Nga ở Crimea.
Ukraine cũng đã tấn công và làm hư hại đáng kể một bến phà ở Kerch bằng tên lửa ATACMS tầm xa do Mỹ cung cấp trong đêm ngày 30/5. Tuyến phà này được quân đội Nga tích cực sử dụng để tiếp tế cho các lực lượng ở Crimea. Bán đảo Crimea và các bến phà được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không Pantsir, Tor và S-400 Triumph của Nga.
Ukraine cũng không kích phá hủy tiêm kích MiG-31 và Su-57 ngay tại sân bay, buộc Nga phải điều chỉnh lại chiến lược. Ukraine đã sử dụng nhiều máy bay không người lái để tấn công các mục tiêu, ngay cả ở Moskva.
Tên lửa ATACMS của Ukraine
Hệ thống tên lửa chiến thuật MGM-140 (ATACMS), là tên lửa đạn đạo chiến thuật của Mỹ đã được đưa vào sử dụng từ năm 1991 và gần đây đã được cung cấp cho Ukraine.
Tên lửa nặng 1.670 kg, sử dụng nhiên liệu rắn, tốc độ Mach 3 và có tầm bắn lên tới 300 km, mỗi hệ thống phóng có giá gần 1,4 triệu USD. ATACMS sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính hỗ trợ GPS. Tên lửa có thể được bắn từ Hệ thống tên lửa phóng loạt M270 (MLRS) bánh xích và Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS) bánh lốp.
Vào tháng 10/2023, Mỹ đã chuyển ATACMS cho Ukraine. Việc sử dụng những tên lửa này đã đe dọa toàn bộ hành lang đất liền của Nga ở miền nam Ukraine. Đặt phần lớn các căn cứ không quân của Nga tại các vùng lãnh thổ mà Nga sáp nhập vào tầm ngắm.
Ngày 20/4, Hạ viện Mỹ đã phê duyệt thêm 61 tỷ USD viện trợ nước ngoài cho Ukraine, bao gồm việc cung cấp phiên bản ATACMS tầm xa hơn (300 km) thay cho các biến thể tầm ngắn có tầm bắn 165 km.
Hệ thống tên lửa ATACMS.
Hệ thống phòng không S-400 Triumf
S-400 là hệ thống tên lửa đất đối không/chống đạn đạo tầm xa di động của Nga được đưa vào sử dụng từ tháng 8/2007. Hệ thống S-400 có có phạm vi tác chiến từ 40 đến 400 km. Trung tâm chỉ huy và điều khiển của S-400 được trang bị radar toàn cảnh với phạm vi 340 km và được bảo vệ tốt để chống lại nhiễu.
Một trung đoàn S-400 thường được biên chế thành tám tiểu đoàn và bố trí cách nhau tới 40 km, các tiểu đoàn được chỉ huy thống nhất và có thể theo dõi mục tiêu một cách độc lập. Một hệ thống chỉ huy có thể quản lý 72 bệ phóng, với 384 tên lửa. Radar đa năng của tiểu đoàn có thể theo dõi 20 mục tiêu.
Phạm vi tiêu diệt đối với mục tiêu là tên lửa đạn đạo có diện tích nhỏ hơn 4 mét vuông là 200 km. Đối với mục tiêu có diện tích trên 4 mét vuông thì phạm vi phát hiện là 340 km. Đối với máy bay ném bom chiến lược thì phạm vi phát hiện lên tới 400 km. S-400 cũng có thể đánh chặn tên lửa hành trình ở tầm xa khoảng 40 km.
Một đơn vị S-400 đầy đủ có thể tấn công 36 mục tiêu cùng lúc và hai tên lửa có thể tấn công cùng một mục tiêu. Thời gian phản ứng trong trường hợp phát hiện mục tiêu khi đang di chuyển là 5 phút để phóng. Tuổi thọ của hệ thống là 20 năm và thời gian giữa các lần đại tu là 10.000 giờ.
S-400 đã bảo vệ Moskva từ năm 2007, đến năm 2020 đã có 56 tiểu đoàn được triển khai. Vào tháng 11/2015, S-400 đã được triển khai tới Syria tại Căn cứ Không quân Khmeimim và sau đó, đơn vị S-400 thứ hai đã được kích hoạt gần Masyaf.
Nga có khoảng 57 khẩu đội (tiểu đoàn) với 456 bệ phóng được triển khai. Trong đó có 28 tiểu đoàn S-400 được triển khai ở khu vực phía Tây đối mặt với Ukraine và NATO.
S-400 cũng đã được triển khai ở Belarus, Algeria. Trung Quốc cũng có sáu hệ thống S-400 được mua từ năm 2018. Tính đến năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ có 4 khẩu đội gồm 36 bệ phóng và 192 tên lửa. Thổ Nhĩ Kỳ đã thử nghiệm S-400 để chống lại máy bay không người lái và máy bay chiến đấu F-16 ở độ cao thấp.
Ấn Độ đã nhận được hệ thống S-400 đầu tiên vào tháng 12/2021. Một số quốc gia khác cũng đang bày tỏ sự quan tâm với hệ thống phòng không tiên tiến này gồm Iran, Ai Cập, Iraq và Qatar.
Hệ thống phòng không S-400.
S-400 vẫn được đánh giá cao
S-400 được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không tốt nhất thế giới, ngay cả Mỹ cũng phải đánh giá cao hệ thống này. Trên thực tế, Mỹ quyết định không bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ vì quốc gia này đã mua hệ thống S-400, bởi hệ thống này có phương tiện ghi lại các thông số điện tử quan trọng của máy bay.
Tuy nhiên, S-400 đã bị tấn công tại Mospyne ở vùng Donetsk, nằm cách tiền tuyến chưa đầy 50 km. Một số báo cáo cho rằng hệ thống S-400 đã được triển khai trong khu vực chỉ một ngày trước cuộc tấn công. Các video cho thấy S-400 đã cố gắng đánh chặn các tên lửa tấn công nhưng không thành.
Việc phá hủy hệ thống phòng không của Nga là rất quan trọng để Ukraine có thể thực hiện các cuộc tấn công khác vào lãnh thổ Nga và là cơ sở để đưa F-16 vào chiến đấu trên chiến trường.
Ukraine đã sử dụng ATACMS với đầu đạn chùm để tấn công. Nếu các thành phần của radar bị bắn trúng, sẽ khiến toàn bộ hệ thống bị vô hiệu hóa. Còn nếu đạn chùm bắn trúng tên lửa, thì có thể khiến tên lửa phát nổ và gây thêm thiệt hại.
Bất kỳ hệ thống phòng không nào, bao gồm cả Iron Dome nổi tiếng của Israel, đều có những điểm hạn chế. Mặc dù hệ thống phòng không được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu có giá trị cao, nhưng bản thân chúng sẽ là mục tiêu đầu tiên bị nhắm đến.
Dù có tính cơ động, nhưng S-400 vẫn cần khoảng 5 phút để triển khai đội hình chiến đấu. Bên cạnh đó, S-400 là một hệ thống có kích thước lớn, mặc dù được triển khai phân tán rộng rãi, nhưng vẫn khó để ngụy trang và dễ bị phát hiện bởi các hệ thống theo dõi từ trên không.
Các ăng-ten radar, xe chỉ huy và tên lửa trên bệ phóng dễ bị tấn công bằng rocket, tên lửa hoặc máy bay không người lái. Mặc dù S-400 có các hệ thống dự phòng, nhưng khi chịu tổn thất thì khả năng sẵn sàng chiến đấu của hệ thống cũng sẽ bị suy giảm.
Ấn Độ, Trung Quốc mua S-400 đều dựa trên các thông số kỹ thuật đã biết và thông tin về hệ thống trong điều kiện thử nghiệm. Tuy nhiên, điều kiện chiến đấu thực tế có nhiều biến số và khác xa quá trình thử nghiệm.
Nhưng các chuyên gia quân sự vẫn nhấn mạnh rằng, S-400 là hệ thống phòng không tốt nhất hiện nay, thực tế chiến đấu ở Ukraine sẽ giúp Quân đội Nga hoàn thiện chiến thuật, cách triển khai và sử dụng S-400 hơn trong thời gian tới.