Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vì sao Mỹ không dùng tàu đệm khí ở Gaza?

(VTC News) -

Việc xây dựng cầu tàu rất tốn kém và mất nhiều thời gian, trong khi đó các tàu đệm khí có thể vận chyển hàng hóa nhanh chóng và cơ động trên mọi địa hình.

Sẽ mất một thời gian trước khi các cầu tàu - được chính quyền Tổng thống Biden ca ngợi hết lời ở Gaza - có thể sử dụng trở lại sau khi bị vỡ do biển động mạnh. Các chuyến hàng viện trợ nhân đạo qua đường biển sau đó đã dừng lại và ngày càng có nhiều chỉ trích về nỗ lực nhân đạo này.

Mỹ vẫn có thể thực hiện các chuyến hàng quá khổ từ tàu vào bờ mà không cần bất kỳ cơ sở hạ tầng nào như cầu tàu, bằng cách sử dụng các thiết bị quân sự hiện đại của mình.

Cầu tàu được Mỹ thiết lập tại Gaza ước tính tốn khoảng 320 triệu USD để xây dựng và vận hành, được gọi là “Bến tàu Trident”. Nó tạo thành từ các phần nổi dạng mô-đun và được lắp ráp lại bằng các tàu kéo nhỏ, tuy nhiên do biển động nên cầu tàu này đã gặp sự cố và dừng hoạt động.

Hình ảnh vệ tinh do Maxar cung cấp cho thấy tình trạng của cầu tàu cứu trợ gần như không còn tồn tại trên bờ biển Gaza sau khi bị vỡ trong biển động mạnh.

The War Zone đã liên hệ với Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, cơ quan đang chỉ đạo hoạt động viện trợ để biết thêm thông tin về những lựa chọn thay thế mà họ có thể cân nhắc, để nhận hỗ trợ nhân đạo đến Gaza bằng đường biển khi không có bến tàu.

Quân đội Mỹ có những thiết bị quân sự có thể được sử dụng để giúp vận chuyển hàng viện trợ vào bờ ngay bây giờ và thậm chí trước khi bến tàu đi vào hoạt động. Đứng đầu trong số đó là hạm đội gồm khoảng 90 thủy phi cơ LCAC của Hải quân.

Tàu đổ bộ đệm khí LCAC

Tàu đổ bộ đệm khí (LCAC) là lớp tàu đổ bộ có khả năng di chuyển trên bãi biển với tốc độ cao, có thể chở trọng tải từ 60-75 tấn. Công nghệ đệm khí cho phép phương tiện này tiếp cận hơn 70% đường bờ biển trên thế giới, trong khi chỉ có khoảng 15% đường bờ biển có thể tiếp cận được bằng tàu đổ bộ thông thường. Các tàu LCAC cũng tự hào có tốc độ tối đa là 40 hải lý/giờ và phạm vi hoạt động lên tới 350 km, khi di chuyển ở tốc độ 35 hải lý/giờ với tải trọng 50 tấn.

LCAC đã được chứng minh là rất hữu ích trong việc hỗ trợ các hoạt động phi quân sự và rất quan trọng trong việc cung cấp thiết bị cứu sinh, thực phẩm, nước và vật tư y tế trong các nỗ lực cứu trợ nhân đạo trên toàn thế giới.

Với khả năng hoạt động như vậy, câu hỏi đặt ra ngay lập tức là tại sao Mỹ không điều động các tàu đổ bộ LCAC cơ động hơn mà lại phải sử dụng cầu tàu với chi phí cao và tốn thời gian triển khai. Hiện vẫn chưa rõ liệu có bất kỳ vấn đề kỹ thuật hoặc hậu cần nào dẫn đến quyết định sử dụng cầu tàu hay không.

Tàu đệm khí LCAC của Mỹ.

Tàu LCAC có thể được đưa vào hoạt động ngay khi an ninh được đảm bảo mà không cần xây dựng bến tàu lớn và có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu. Bên cạnh đó, các xe tải thông thường không được thiết kế để hoạt động trên kiểu địa hình bãi biển, chúng rất dễ gặp sự cố do cát mềm và thiếu cơ sở hạ tầng giao thông, nhưng tàu LCAC lại có khả năng di chuyển trực tiếp từ dưới biển qua các bãi cát đến khu vực dỡ hàng.

Việc sử dụng một cầu tàu đơn lẻ sẽ vô tình tạo ra một nút thắt cổ chai. Để so sánh, nhiều tàu LCAC có thể ra vào để dỡ hàng cùng lúc dọc theo bãi biển, trong khi các phương tiện vận tải cần phải lần lượt đi qua cầu tàu để bốc dỡ hàng.

Đối với việc chuyển hàng hóa từ tàu lớn sang LCAC, Mỹ sẽ sử dụng các tàu tàu chuyển giao viễn chinh. Các tàu này bao gồm USNS Montford Point và USNS John Glenn, được thiết kế để hoạt động như các cầu tàu tự hành giúp nhanh chóng chuyển hàng hóa từ tàu chở hàng lớn lên các LCAC và các tàu đổ bộ khác để di chuyển vào bờ khi không có các cơ sở cảng truyền thống.

Một chiếc LCAC cập bến trên tàu USNS Montford Point của Hải quân Mỹ trong một cuộc tập trận năm 2014.

Nguyên nhân thực sự

Về lâu dài, việc sử dụng cầu tàu được đánh giá là một lựa chọn phù hợp bởi tính ổn định, nhưng Mỹ vẫn có thể điều động các tàu LCAC hoạt động song song với cầu tàu để tăng lưu lượng vận chuyển hàng hóa.

Lý do chính khiến Mỹ lựa chọn xây dựng cầu tàu viện trợ cho Gaza, là do quyết định của Chính quyền Tổng thống Biden và Lầu Năm Góc, rằng hoạt động viện trợ trên bờ biển Gaza là một nhiệm vụ phi vũ trang, tức là không có sự hiện diện của quân đội Mỹ. Đây là một thông điệp cho thấy thiện chí của Chính quyền Washington, nhằm bảo đảm sự an toàn cho các nhân viên cứu trợ cũng như dư luận trong nước và quốc tế.

Một chiếc xe tải chở hàng viện trợ chạy xuống cầu tàu quân sự Mỹ hướng về bờ biển Gaza hôm 19/5.

Việc sử dụng tàu đổ bộ LCAC để vận chuyển hàng hóa có thể khiến các lực lượng chống đối trong khu vực hiểu lầm về hoạt động cứu trợ nhân đạo, khi cho rằng Mỹ đang viện trợ vũ khí cho Israel, làm phức tạp tình hình hiện tại.

Các biện pháp bảo vệ, bao gồm các hệ thống phòng không chống lại máy bay không người lái và nhiều mối đe dọa gián tiếp khác đã được triển khai trên cầu tàu, nhấn mạnh những rủi ro rất thực tế mà nhân viên Mỹ phải đối mặt ngay cả khi không đặt chân vào bãi biển.

Hiện tại, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã điều động lực lượng bảo vệ an ninh trên bờ cho hoạt động này, cùng với các lực lượng của Mỹ trong khu vực luôn sẵn sàng trong trường hợp xảy ra sự cố.

Lê Hưng (Nguồn: The War Zone)

Tin mới