Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Uỷ ban châu Âu bật đèn xanh cho khả năng áp trần giá khí đốt

(VTC News) -

Tại Thượng đỉnh châu Âu không chính thức ngày 07/10, Uỷ ban châu Âu (EC) đã lần đầu tiên đồng ý thảo luận về đề xuất áp trần giá đối với khí đốt nhập khẩu.

Chủ trương áp trần khí đốt trước mắt sẽ chỉ được áp dụng đối với khí đốt nhập khẩu được sử dụng để sản xuất điện. Lý do để EC lần đầu chấp nhận thảo luận về vấn đề này xuất phát từ việc hai thành viên EU là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã áp dụng biện pháp trên kể từ tháng 5/2022, giúp giá năng lượng chỉ tăng khoảng 10% so với mức tăng trên dưới 30% tại nhiều quốc gia châu Âu. 

Lãnh đạo châu Âu đang đối mặt khó khăn vì giá khí dốt quá cao. (Ảnh: DW)

Nguyên nhân quan trọng nữa là khí đốt được sử dụng để sản xuất điện hiện chiếm 20% lượng khí đốt tiêu thụ tại châu Âu. Điều này sẽ cho phép tập đoàn công nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí năng lượng. 

Ngoài vấn đề áp trần giá khí đốt, lãnh đạo EU đã thống nhất ủng hộ việc thiết lập “hành lang giá năng lượng” với hai nhà cung cấp khí đốt chính hiện này là Na Uy và Mỹ với lần lượt là 26% và 15% thị phần châu Âu.         

Đây vốn là chủ đề được coi là nhạy cảm mà các nhà lãnh đạo EU, đặc biệt là nước tiêu thụ nhiều khí đốt nhất là Đức trước đó luôn né tránh đề cập. EU lo ngại Mỹ và Na Uy sẽ dừng cung cấp khí đốt khi giá xuống thấp, trong khi nguồn khí đốt từ Nga gần như đã bị cắt đứt. 

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết châu Âu đang phải mua khí đốt với giá đắt hơn 4 lần so với giá bán tại Mỹ.

Người đứng đầu nước Pháp kêu gọi sự đoàn kết trong châu Âu để đạt sự đồng thuận: “Chúng ta đang phải trả cái giá đắt cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Nếu để mọi thứ tự diễn ra, khó khăn có thể là tăng gấp đôi cả về tài chính và ngân sách. Thông qua một loạt các biện pháp áp giá trần khác nhau cũng như các cơ chế mua chung mà chúng ta đang hướng tới, hy vọng giá khí đốt và giá điện có thể sớm hạ nhiệt”. 

Tổng thống Pháp Macron cho biết EU sẽ công bố những cải cách đối với thị trường điện châu Âu trong nửa đầu năm 2023. Ngoài ra, Pháp ủng hộ thiết lập một cơ chế hỗ trợ tài chính chung để bảo trợ các khoản vay cho các thành viên khó khăn hơn trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Theo dự kiến, Bộ trưởng năng lượng các nước EU sẽ nhóm họp vào tuần tới để thảo luận cụ thể các chủ trương trên trước khi những vấn đề này chính thức được xem xét tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu diễn ra vào ngày 20 và 21/10 tới.

Mạnh Hà (VOV-Paris)

Tin mới