Số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho thấy, tính đến hết tháng 9/2021, thị trường BĐS du lịch có 114.097 căn codotel và 24.399 villa.
TS. Cấn Văn Lực đánh giá, đây là con số khá tích cực nếu so sánh với tổng số lượng buồng phòng khách sạn đã phát triển trong nhiều năm trở lại đây bởi lũy kế đến năm 2021 mới đạt khoảng 650.000 phòng. Mặc dù mới chỉ hình thành và phát triển trong khoảng 5 năm gần đây nhưng BĐS du lịch đã đóng góp tương đương khoảng 21,3% số lượng buồng phòng của các khách sạn 3-5 sao trên toàn quốc.
Một góc Bãi Dài – Cam Ranh (Khánh Hòa) phát triển sôi động sau khi xuất hiện các dự án BĐS du lịch.
Các dự án BĐSDL chủ yếu tập trung tại 15 địa phương gồm: Hoà Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Quảng Bình, Huế (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn (Bình Định), Phú Yên, Nha Trang và Cam Ranh (Khánh Hoà), Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Phú Quốc (Kiên Giang), với tổng giá trị ước tính khoảng 681.886 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.
Hầu hết các dự án BĐS du lịch thường tập trung tại các vùng du lịch trọng điểm, ngoài góp phần tôn tạo cảnh quan còn mang lại giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân địa phương trong quá trình đầu tư cơ sở nghỉ dưỡng và vận hành hoạt động các cơ sở du lịch.
Ngoài ra, sự xuất hiện của các dự án BĐS du lịch tạo lập sản phẩm nghỉ dưỡng mới - là sự kết hợp giữa khách sạn và nhà ở như condotel, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse đem lại cảm giác trải nghiệm mới mẻ cho du khách, góp phần kích cầu du lịch bùng nổ sau đại dịch.
Đánh giá cao 5 vai trò tích cực của BĐS du lịch trong sự phát triển chung của nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra, hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐSDL đang gặp khó khi chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp lý chung áp dụng cho hoạt động kinh doanh BĐS, du lịch và nhiều quy định liên quan khác (ít nhất là 5 luật liên quan). Hệ thống pháp lý căn bản cao nhất gồm các luật như: Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở và Luật Du lịch.
5 bất cập, gây thách thức, kìm hãm sự phát triển của hoạt động BĐS du lịch kể đến như: chưa được định danh, chưa nằm trong quy hoạch phát triển du lịch; chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu (sổ đỏ, sổ hồng..); chưa theo kịp nhu cầu và năng lực cạnh tranh quốc tế; chưa đồng bộ, thiếu nhất quán phù hợp với đặc trưng riêng của loại hình này, dẫn đến khó khăn, phức tạp trong quá trình áp dụng cho cả phía cơ quan quản lý Nhà Nước, nhà đầu tư và rủi ro cho các tổ chức tín dụng trong quá trình tài trợ vốn, xử lý nợ xấu.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, một số loại hình đất mới (ví dụ như “đất ở không hình thành đơn vị ở”), cơ quan quản lý nhà nước tại một số địa phương đã có những chủ trương, chính sách mở cửa rất trúng để thu hút kêu gọi đầu tư, nhưng quá trình thực thi còn chưa nhất quán thông suốt, thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể, gây khó cho doanh nghiệp và nhà đầu tư thứ cấp.
Với những tín hiệu tích cực cho thấy tiềm năng phát triển BĐS du lịch tại Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt hậu COVID-19, trong bối cảnh nền kinh tế đang dần hồi phục, ngành du lịch được Đảng và Nhà Nước đặc biệt quan tâm, đã kích hoạt mở cửa trở lại đón du khách… TS. Cấn Văn Lực kiến nghị 5 nhóm giải pháp chính để thị trường BĐS du lịch “phá băng” phát triển.
Thứ nhất, cần thay đổi tư duy phát triển, không được coi BĐS du lịch như “con nuôi”; phải có chính sách định hướng và xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể dài hạn, đặc biệt là những khu vực có lợi thế bờ biền đẹp của Việt Nam. Xem xét có chính sách ưu đãi phù hợp đối với BĐSDL như ưu đãi về đầu tư, tiền thuê đất, thuế…
Thứ hai, cần sớm bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý cho BĐS du lịch. Trong đó, Chính phủ cần giải quyết cấp bách những vướng mắc đang tồn tại, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn, thống nhất các địa phương cấp giấy chứng nhận sở hữu tài sản, chuyển nhượng cho nhà đầu tư theo đúng hồ sơ pháp lý mà doanh nghiệp/ chủ đầu tư dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương cấp trước đó.
Giải pháp này sẽ giúp tháo gỡ hàng trăm nghìn tỷ đang bị ứ đọng ở các dự án BĐS du lịch, không làm gián đoạn đầu tư của doanh nghiệp, kích thích doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh tế, tiếp tục thu hút ngồn vốn đầu tư, giúp tăng thu cho ngân sách.
Thứ ba, nghiên cứu xây dựng các quy hoạch, chiến lược phát triển đồng bộ các khu đô thị ven biển, khu đô thị sinh thái, khu du lịch trọng điểm gắn với hình thành trung tâm kinh tế biển mạnh, thúc đẩy đầu tư, phát triển hạ tầng khu vực ven biến.
Thứ tư, tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Thứ năm, quan tâm phát triển lành mạnh tài chính BĐS (thị trường vốn, thuế, phí, quỹ đầu tư…) phù hợp; cùng với việc xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu thị trường BĐS nói chung và BĐSDL nói riêng, vừa phục vụ quản lý, vừa thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực BĐS.
Để tháo gỡ vướng mắc, khơi thông thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, GS.TS Phan Trung Lý, Uỷ viên Ban Thường vụ TW Hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, về lâu dài phải sửa đổi các luật quy định trực tiếp như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản… Tuy nhiên, trước mắt, cần phải có giải pháp gỡ vướng bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể.
GS.TS. Phan Trung Lý kiến nghị: Quốc hội ban hành 1 Nghị quyết để tháo gỡ những vướng mắc pháp lý bất động sản du lịch. Đây cũng là giải pháp từng được áp dụng để vấn đề tồn đọng về vấn đề nhà đất do nhà nước đã quản lý như Nghị quyết 23 của Quốc hội trước đây.
Cùng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Thị Nga, giảng viên Đại học Luật Hà Nội cũng kiến nghị: Quốc hội cần ban hành 1 Nghị quyết để kịp thời giải quyết những vấn đề pháp lý đối với BĐS du lịch đang tồn đọng.