Trường THCS và một trường tiểu học ở Nội Mông, Trung Quốc gần đây gây xôn xao khi thông báo tuyển dụng giáo viên năm 2022 với mức lương hàng năm lên tới 600.000 NDT (hơn 2,1 tỷ đồng).
Mức lương hấp dẫn này được đưa ra nhằm thu hút những sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc của Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh - hai trường đại học hàng đầu tại Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, những sinh viên tốt nghiệp từ Bắc Kinh, Thanh Hoa hoặc bất cứ trường đại học nào trong top 10 đều rất được xã hội xem trọng.
Do đó, với hầu hết các bậc phụ huynh ở quốc gia tỷ dân, mục tiêu của họ là giúp con mình có thể theo học các đại học top đầu này.
Nhưng tại một quốc gia đất chật người đông và ngày càng phát triển, cuộc cạnh tranh về giáo dục trở nên cực kỳ khốc liệt. Ấp ủ hy vọng con cái mình không bị tụt lại so với bạn bè và đề cao phương châm "không để con thua ở vạch xuất phát", các bậc phụ huynh đầu tư cho mình từ rất sớm.
Một số phụ huynh Trung Quốc lo con mình phải chịu thiệt thòi nếu quá thấp. (Ảnh: Getty Images)
Thậm chí với nhiều đứa trẻ, cuộc đua đó bắt đầu ngay từ khi chúng chập chững biết đi.
Ám ảnh bởi ngoại hình
Xu hướng cho con cái dùng hormone tăng trưởng nổi lên gần đây ở Trung Quốc. Các bậc phụ huynh đang chịu chi hơn vì lo ngại ngoại hình thấp bé có thể cản trở tương lai của con em mình.
Tiến sĩ Wang Xiumin từ Trung tâm Y tế Trẻ em Thượng Hải cho biết trung tâm của cô nhận được nhiều yêu cầu tiêm hormone tăng trưởng cho con em từ các phụ huynh.
"Họ lo lắng đứa trẻ nếu thấp bé có thể sẽ khó tìm việc khi lớn lên", cô nói.
Nhưng theo Wang, hầu hết những đứa trẻ mà cô từng tiếp xúc đều không thực sự cần hormone tăng trưởng. Với những trường hợp như vậy, "việc bổ sung các hormone tăng trưởng tổng hợp chỉ phá vỡ sự cân bằng của các hormone trong cơ thể".
Dù vậy, nhiều gia đình hoặc không quá quan tâm điều đó hoặc sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tránh những nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai.
Nancy Lin, một bà mẹ ở Thượng Hải, người đang xem xét dùng hormone tăng trưởng cho cậu con trai 5 tuổi lo lắng con mình sẽ bị bắt nạt nếu là đứa trẻ nhỏ nhất lớp.
"Nếu lớn lên mà thấp hơn bạn bè, nó có thể sẽ tự ti. Ngoài ra, khi trưởng thành, thằng bé có thể sẽ không được một số công việc mong muốn nếu không đủ chiều cao", Lin nói.
Thiết bị định hình đầu trẻ bán rất chạy ở Trung Quốc. (Ảnh: NY Post)
Sản xuất và bán hormone tăng trưởng trở thành một ngành kinh doanh sinh lời. Quy mô của ngành này ở Trung Quốc đạt 7,7 NDT (tương đương 1,19 tỷ USD) vào 2020.
Tổng doanh thu của GeneScience Pharmaceuticals - nhà sản xuất thuốc hàng đầu tại Trung Quốc tăng từ 1,06 tỷ NDT (163 triệu USD) vào năm 2015 lên 5,8 tỷ NDT (893 triệu USD) vào năm 2019.
Theo Song Tao - dược sĩ tại Bệnh viện Nhân dân Qingyang ở tỉnh Cam Túc, phương pháp điều trị phổ biến nhất là ở dạng lỏng, tiêm mỗi ngày. Phương pháp này giá từ 3.000 NDT (461 USD) đến 4.000 NDT (615 USD) mỗi tháng.
Bệnh viện của Song ghi nhận sự gia tăng ổn định về số lượng phụ huynh tới khám tại các phòng khám tăng trưởng cho trẻ bắt đầu mở cửa từ tháng 4/2019.
Trong hơn 2 năm, họ tiếp nhận hơn 500 bệnh nhân và điều trị cho hơn 100 trường hợp.
Bên cạnh nỗ lực tăng chiều cao, một số bậc phụ huynh tìm cách nắn chỉnh đầu cho con em mình từ khi chúng còn nhỏ.
Tin tưởng đầu tròn sẽ đẹp hơn, nhiều cha mẹ Trung Quốc để trẻ sơ sinh đội khuôn thạch cao hoặc các thiết bị bán trên mạng xã hội nhằm định hình xương.
"Tôi đã đưa con đi chỉnh đầu bất chấp sự phản đối từ gia đình", một bà mẹ viết bài đăng gây nhiều tranh cãi trên Weibo hồi tháng 9.
Đây không chỉ là câu chuyện của riêng bà mẹ này. Nắm bắt tâm lý của các bố mẹ, Taobao và các trang thương mại điện tử khác đang rao bán các sản phẩm chỉnh hình đầu như gối, mũ bảo hiểm và chiếu cho các bậc cha mẹ không muốn đưa con đến phòng khám.
Một nhân viên cửa hàng trên Taobao khuyến nghị các khách hàng đặt và mua sớm bởi các sản phẩm này đang rất đắt hàng.
Giá một chiếc gối chỉnh hình mà cửa hàng trên cung cấp là 306 NDT (khoảng 1,2 triệu đồng). Mỗi tháng, cửa hàng này bán được 200 chiếc.
Trong khi đó, bác sĩ Guo tới từ khoa nhi ở một bệnh viện từ Nam Kinh cho rằng việc chỉnh đầu của trẻ vì mục đích thẩm mỹ là vô nghĩa và nó đơn thuần chỉ phản ánh sự lo lắng quá mức của phụ huynh.
Lớp luyện "gà" và các khóa học quý tộc
Theo NPR, niềm tin vào sức mạnh vào giáo dục và mong muốn con cái không bị tụt lại so với bạn bè cùng trang lứa khiến nhiều gia đình trích ra trung bình 25-50% thu nhập của họ cho các hoạt động giáo dục bổ túc cho con cái.
Kỳ vọng từ bố mẹ khiến trẻ Trung Quốc gặp nhiều áp lực từ khi còn nhỏ. (Ảnh: CNN)
Tại Bắc Kinh, các lớp học toán và ngoại ngữ cho học sinh tiểu học sẽ dao động từ 500-1.000 NDT (1,7-3,5 triệu đồng)/giờ. Các lớp năng khiếu như khiêu vũ sẽ có giá tối thiểu là là gần 19.000 NDT (hơn 67 triệu đồng)/tháng.
Một trong thuật ngữ nổi lên Trung Quốc những năm gần đây là "gà con". Các phụ huynh - "gà mẹ" sẽ huấn luyện con em phương pháp mà nhiều người vẫn thường gọi là "luyện gà".
Các "gà con" sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình mà bố mẹ đề ra, tham gia các lớp học văn hóa, năng khiếu gần như kín tuần.
Như trường hợp của Li - một phụ huynh tới từ Bắc Kinh, buổi sáng của cô bắt đầu bằng việc cho con gái 11 tuổi đi học vào 6h. Tới chiều, 15h, Li đón và đưa con mình tới lớp khiêu vũ, lớp học toán và lớp học bơi. Có nhiều khi quá vội, mẹ con Li phải ăn tối ngay trên xe khi di chuyển giữa các lớp.
Một ngày của Li sẽ kết thúc vào 23 giờ khi cô đưa con về nhà.
Nhưng Li nói bản thân mình vẫn còn chưa quá nghiêm khắc với con cái như các bậc phụ huynh khác.
Những "gà mẹ" nổi tiếng nhất phải kể tới các phụ huynh ở quận Hải Điền - nơi tập trung nhiều trường đại học nổi tiếng của Trung Quốc, trong có cả Bắc Kinh và Thanh Hoa. Đây là cũng là nơi có nhiều trường tiểu học và trung học danh giá nhất.
"Tôi gặp một số "gà mẹ của Hải Điền". Họ rất tuyệt vọng. Họ dường như không thèm quan tâm xem con cái thích gì”, Li nói.
"Nhiều năm trước, hầu hết đều tin rằng một đứa trẻ 5 tuổi biết 1.500 từ tiếng Anh là đủ sống ở Mỹ. Nhưng con số đó giờ là chưa đủ để chúng cạnh tranh với bạn bè nếu sống ở quận Hải Điền", Ding Yanqing - Giáo sư khoa Giáo dục sau Đại học của Đại học Bắc Kinh (PKU) chia sẻ.
Một bài đăng trên mạng xã hội Trung Quốc từng gây xôn xao với ảnh chụp “Bảng kế hoạch cuộc đời” của một số bà mẹ ở Hải Điền. Theo đó, mục tiêu của họ là con mình có thể nói được tiếng Anh, học thuộc 100 bài thơ cổ khi mới 3 tuổi.
Với những gia đình giàu có hơn, họ bạo tay cho con em theo học các khóa "quý tộc Anh" hoặc "đào tạo CEO chuyên dành cho trẻ từ 2-11 tuổi".
Tại các khóa học đó, trẻ được đào tạo bài bản từ cách bắt tay, mỉm cười, đi lại, đánh golf, ăn uống... theo phong thái của các nhà lãnh đạo tương lai.
Cái giá để có được phong thái này không hề rẻ. Một khóa học tại trường đào tạo CEO LeederEDU tại Hàng Châu cung cấp khóa học với chi phí lên tới 110.000 NDT (hơn 380 triệu đồng).
Trong khi đó, khóa học "quý tộc" diễn ra tại khách sạn 5 sao ở trung tâm Thượng Hải có giá 2.688 NDT (hơn 9,5 triệu đồng)/4 giờ.
Con trẻ xót tiền thay bố mẹ
Cheng Liyan, một bà mẹ ghi danh cho con gái học khóa quý tộc hy vọng con gái của mình sẽ trở nên dịu dàng, duyên dáng hơn. Cheng và các bậc phụ huynh khác tin rằng "cốt cách quý tộc" thể hiện qua cách ăn nói, đi đứng sẽ phản ánh trình độ học vấn của trẻ. Họ lo ngại nếu trẻ nhai thức ăn phát ra âm thanh quá to, dáng đi chân bước 2 hàng, con cái của mình sẽ bị đánh giá là đến từ tầng lớp thấp kém.
Trong khi đó, Isabella Liang, bà mẹ tới từ Thượng Hải chia sẻ bản thân không có quá nhiều kế hoạch khi mới sinh con. Nhưng khi thấy các bậc cha mẹ khác chia sẻ thông tin về các lớp học trên mạng, Liang cảm thấy cần cho con vào cuộc đua này.
“Tôi lo rằng nếu con tôi sẽ không theo kịp bạn bè nếu không đi học thêm”, cô Liang nói.
Bà mẹ trẻ trong bài đăng cho con đi chỉnh đầu gạt bỏ tất cả các chỉ trích và bảo vệ quan điểm của bản thân.
Các bậc phụ huynh Trung Quốc tự cạnh tranh với nhau trong vấn đề nuôi dạy trẻ. (Ảnh: Getty Images)
"Chịu khổ bây giờ sẽ có đầu đẹp trong tương lai. Khi con lớn lên, nó sẽ rất biết ơn bạn", cô nói.
Nhà tâm lý học Lixin Ren tới từ Đại học Hoa Đông nói cô hiểu sự sợ hãi của các bậc phụ huynh và nỗi lo con cái mình bị tụt lại nếu họ không tiến lên.
Nhưng các chuyên gia cho rằng nhiều "gà mẹ" đang đặt quá nhiều kỳ vọng cũng như gánh nặng vào con trẻ.
“Tất nhiên không ai muốn con mình phải sống trong cảnh nghèo đói suốt đời. Nhưng ít nhất các bậc phụ huynh cũng cần để con mình được nuôi dưỡng và phát triển tốt”, nhà tâm lý học Xuan Li thuộc Đại học New York tại Thượng Hải.
Giáo sư Ding Yanqing chia sẻ ông từng rất bất lực với cô con gái "đội sổ" ở lớp.
"Tôi kèm con bé mỗi ngày nhưng nó vẫn rất khó tiếp thu. Có một khoảng cách lớn giữa con bé và học sinh đứng áp chót. Tôi không biết phải nói gì", ông Ding chia sẻ.
Mỗi ngày sau khi đón con đi học về, Ding đưa con gái tới phòng làm việc để ép học hoặc bài tập. Ding to tiếng mỗi khi dạy kèm con nên "mọi người ở tầng 3 tòa nhà dễ dàng nghe thấy những tiếng ồn ào từ cả 2 bố con".
Nói về cô con gái có chỉ số IQ thấp hơn nhiều so với bố mẹ, Ding cho rằng "đó là số mệnh an bài" và ông không lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận.
"Tôi không thể thay đổi thực tại và chấp nhận con mình chỉ là một đứa trẻ tầm thường. Dù bạn xuất sắc đến đâu, con bạn có thể chỉ là người bình thường. Thừa nhận điều này sẽ có ích cho mọi người", Ding nói.
Nhưng không phải bậc cha mẹ Trung Quốc nào cũng dám nhìn thẳng vào sự thật như Ding. Và con trẻ của họ là những người phải chịu thiệt thòi.
"Bố mẹ nói cháu thấp bé. Cháu lại chẳng thấy thế. Có những bạn trong lớp còn thấp hơn cháu", Yan Yiping, 11 tuổi tới từ Jian, tỉnh Giang Tây - tâm sự về việc bị bố mẹ ép tiêm hormone tăng trưởng.
Yan cho biết em tới bệnh viện 3 tháng/lần để được kê đơn mới và khám sức khỏe định kỳ. Bố mẹ Yan phải trả hơn 10.000 NDT (1.500 USD) cho mỗi lần khám như vậy.
Khi được hỏi liệu chi phí có đáng không, Yan nói: "Cháu xót chỗ tiền ấy lắm. Nó đủ cho cháu mua nhiều thứ khác trong thời gian dài".