Tháng 2/2020, Yu Chen đối mặt với cái chết.
Khi đó là 3h sáng, chàng thanh niên 23 tuổi ở nhà một mình và đang cố làm nốt những công việc ngoài giờ.
Theo Sixth Tone, 2 tuần liên tiếp trước đó, Yu thức khuya để làm việc rồi lại dậy sớm vào sáng hôm sau. Nếu buồn ngủ quá, anh sẽ hút một điếu thuốc để giữ mình tỉnh táo.
Nhưng đêm đó, Yu cảm thấy tim mình không ổn. Anh chếnh choáng, nằm xuống nghỉ ngơi và thấy đầu óc quay cuồng. Yu có thể cảm thấy rõ ràng trái tim mình đang đập liên hồi rồi chậm lại ngay lập tức.
Yu bắt đầu khó thở và thấy trước mắt như hiện ra những đốm đen mờ nhoè.
Nhiều người trẻ Trung Quốc làm việc đến khuya. (Ảnh: People Visual)
Yu đã xem nhiều bản tin về những người trẻ tuổi đột tử vì trụy tim nhưng không muốn báo cho gia đình. "Nếu bố mẹ biết tôi lại thức khuya, chắc chắn họ sẽ rất thất vọng", anh nói.
Sau khi thấy tình trạng khá hơn, chàng trai mặc áo khoác và tự lái xe đến phòng cấp cứu gần nhất. Tại bệnh viện, Yu được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhịp tim. Bác sĩ chỉ định anh phải hạn chế việc thức khuya, uống cà phê và hút thuốc.
Nhưng có rất nhiều người khác không đủ may mắn như Yu để được nghe cảnh báo từ bác sĩ.
Ngày 3/12/2020, một nhân viên 27 tuổi của hãng sản xuất đồ điện tử Gome đã đột ngột qua đời tại một hội nghị cuối năm. 6 ngày sau, một nhân viên 47 tuổi của công ty trí tuệ nhân tạo SenseTime đã chết trên ghế phòng tập.
Cũng vào cuối năm 2020, một nhân viên 22 tuổi của sàn thương mại điện tử Pinduoduo đã qua đời vào khoảng 1h30 trên đường đi làm về.
Theo Sixth Tone, còn có rất nhiều nhân viên trẻ khác chung kết cục đáng tiếc như vậy. Ví dụ như một người làm việc quá sức và tử vong trong phòng tắm của khách sạn khi đi công tác. Một người khác đã qua đời khi đang chơi thể thao sau giờ làm việc. Một người chết khi đang đi dạo. Một người thức dậy lúc 2h trong cơn đau tim, chỉ vài phút sau miệng bắt đầu sủi bọt. Một người chết khi đang ngồi trước máy tính. Lúc tim người ấy ngừng đập, các tin nhắn mới tiếp tục được gửi đến qua WeChat.
Thực tế cho thấy đã không ít nhân viên trẻ tử vong tại nơi làm việc. (Ảnh: People Visual)
Những cái chết đột ngột đã xảy ra với các nhân viên trẻ làm việc tại một số công ty công nghệ và truyền thông - lĩnh vực thường xuyên phải làm việc quá sức - đã khiến nhiều người phải giật mình.
Theo khoa học, đột tử thường xảy ra khi con người mất chức năng tim cấp tính như đau tim hoặc ngừng tim. Nguyên nhân có thể do hút thuốc, uống rượu, thức khuya, làm việc liên tục trong nhiều giờ hoặc trong môi trường căng thẳng.
Trước đây, đột tử được coi là "bệnh của người già". Nhưng trong thập kỷ qua, những người đột tử ở Trung Quốc ngày càng trẻ hóa.
Bác sĩ Li Yuehua, làm việc tại Bệnh viện Tân Hoa xã Thượng Hải hơn 40 năm, cho biết vào những năm 1980, những bệnh nhân đau tim mà bà điều trị thường ở độ tuổi 60 và 70. Sau đó, những bệnh nhân đến với bà ở độ tuổi 40 và 50.
Gần đây, bà đã điều trị cho những bệnh nhân trẻ hơn rất nhiều, có người chỉ mới 26 tuổi.
Trong một cuộc khảo sát của Dingxiang Doctor (hãng truyền thông Trung Quốc), có đến 52% người được hỏi cho biết có sợ hãi nguy cơ đột tử do làm việc quá sức.
Tuy nhiên, dù có lo lắng hay được cảnh báo đến đâu, họ vẫn cố làm việc để bắt kịp nhịp sống hiện đại. Những ứng dụng chat ngày càng thịnh hành, cho phép công việc lấn chiếm cuộc sống bất cứ lúc nào trong ngày. Thay vì đi chậm lại, người trẻ tập trung vào công việc hơn để không bị tụt lại phía sau.
Quay trở lại với nam thanh niên Yu Chen, thời điểm gặp biến cố tim, anh đang làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước nhưng vẫn nhận thêm nhiều việc tay trái liên quan đến hoạt hình 3D.
Mỗi ngày, Yu hoàn thành công việc chính lúc 16h và tiếp tục các dự án hoạt hình ở nhà cho đến 2-3h hôm sau. Sau đó, nam thanh niên sẽ ngủ một vài tiếng trước khi bắt đầu làm công việc toàn thời gian lúc 8h.
Người trẻ Trung Quốc làm việc lao lực để bắt kịp nhịp sống đương đại. (Ảnh: Vice)
Giờ đây, Yu đã nghỉ việc và mở studio hoạt hình của riêng mình. Trong cuộc phỏng vấn với Sixth Tone, anh vẫn liên tục nhấp chuột ở đầu dây bên kia điện thoại.
Yu hiện chỉ có một công việc nhưng lối sống của anh vẫn không thay đổi. Khi được thúc giục phải quan tâm hơn đến sức khỏe của mình, Yu nói:
"Nếu tôi không thể thay đổi lối sống này ở độ tuổi 20, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn khi tôi già đi. Có thể tôi không sống quá 30, nhưng đành chịu vậy".