Một trong những điểm nhấn của các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 của Bộ Công Thương là việc Ban hành Bộ tài liệu “Hướng dẫn tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới" với ý nghĩa nhằm góp phần lan tỏa thông điệp, hướng dẫn người tiêu dùng một số cách thức để có thể tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới.
Với 3 nội dung trọng tâm gồm An toàn lựa chọn, An toàn thanh toán và An toàn sử dụng (Thông điệp 3A), Bộ tài liệu Hướng dẫn sẽ là cuốn sổ tay hữu ích cho người tiêu dùng trong việc hướng tới tiêu dùng an toàn trong bối cảnh tình hình mới.
Phần 1: An toàn lựa chọn (mời quý độc giả xem tại đây)
Phần 2, Anh toàn thanh toán
Phạm vi áp dụng: An toàn thanh toán được quy định trong hướng dẫn này là giai đoạn từ trao đổi các thông tin liên quan đến hàng hóa, dịch vụ đến giai đoạn người tiêu dùng thanh toán, nhận hàng hóa, dịch vụ.
Đối tượng áp dụng:
- Người tiêu dùng.
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là “doanh nghiệp” hoặc “bên bán”).
Nội dung thực hiện:
1. Trách nhiệm của doanh nghiệp
- Cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về doanh nghiệp; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; các tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng lựa chọn mua trong quá trình giới thiệu hàng hóa, dịch vụ và theo yêu cầu của người tiêu dùng.
- Khi thanh toán, cần cung cấp bằng chứng giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, cụ thể:
+ Cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng.
+ Trường hợp giao dịch bằng phương tiện điện tử thì doanh nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch giữa các bên.
- Thực hiện trách nhiệm bảo đảm an toàn, bảo vệ bí mật thông tin của người tiêu dùng khi người tiêu dùng tham gia giao dịch theo quy định pháp luật.
- Trường hợp phải thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì doanh nghiệp có trách nhiệm:
+ Thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng.
+ Sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý.
+ Bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng.
+ Tự mình hoặc có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác.
+ Chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Cung cấp một cách đầy đủ, chính xác cho người tiêu dùng các thông tin như: các điều khoản và điều kiện, chính sách về giao hàng hóa (nếu hàng hóa mua được giao); thông tin về các loại chi phí khác có liên quan (nếu có); chính sách và điều kiện bảo hành; hướng dẫn sử dụng hàng hóa; điều kiện được hưởng khuyến mại khác (nếu có); chính sách trả hàng và hoàn tiền của doanh nghiệp;…
2. Nghĩa vụ của người tiêu dùng
(i) Đối với phương thức mua bán và thanh toán truyền thống:
- Trong suốt quá trình giao dịch mua hàng và thanh toán, người tiêu dùng có trách nhiệm chủ động bảo mật, bảo vệ thông tin của mình.
- Chỉ cung cấp cho bên bán các thông tin cần thiết liên quan đến giao dịch và yêu cầu bên bán thực hiện trách nhiệm bảo mật thông tin theo đúng quy định pháp luật trong trường hợp bên bán thu thập thông tin của người tiêu dùng.
- Chú ý đến các điều khoản và điều kiện, chính sách về giao hàng hóa (nếu hàng hóa mua được giao); chi phí có liên quan, bảo hành; chính sách trả hàng và hoàn tiền của doanh nghiệp.
- Cẩn trọng khi thanh toán số tiền quá lớn trước khi nhận hàng.
- Kiểm tra kỹ hàng hóa trước khi nhận. Nếu có vấn đề gì cần phản ánh ngay với bên bán để được đổi/trả hàng hóa.
- Chú ý chủ động lưu giữ lại toàn bộ hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch để làm bằng chứng giải quyết tranh chấp (nếu có). Trường hợp doanh nghiệp không cung cấp, cần chủ động yêu cầu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ các tài liệu này.
- Lưu ý tuân thủ nguyên tắc 5K mà Bộ Y tế đưa ra để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng trong quá trình giao dịch.
(ii) Đối với phương thức mua bán và thanh toán trực tuyến:
- Tìm hiểu và đọc kỹ các điều kiện, điều khoản của website/ứng dụng di động trước khi đồng ý giao dịch và thanh toán để đảm bảo quyền lợi của mình không bị ảnh hưởng.
- Kiểm tra kỹ các thông tin thanh toán như nội dung thanh toán, tổng số tiền cần thanh toán trước khi quyết định thanh toán.
- Cẩn trọng và chủ động bảo mật thông tin của mình trong quá trình thanh toán, yêu cầu bên bán thực hiện trách nhiệm bảo mật thông tin theo đúng quy định pháp luật trong trường hợp bên bán thu thập thông tin của người tiêu dùng.
- Tự mình sử dụng thẻ và tài khoản thanh toán; không đưa thẻ thanh toán của mình cho bất kỳ ai; không tiết lộ số PIN, số thẻ cho bất kỳ ai kể cả nhân viên thu ngân của bên bán.
- Chỉ giao dịch trực tuyến trên các nền tảng, ứng dụng di động, website uy tín, các địa chỉ mua hàng tin cậy, có độ bảo mật cao; tự mình gõ đường link đầy đủ trên thanh địa chỉ trên trình duyệt internet và tránh lựa chọn các đường link có sẵn (có thể là giả mạo).
- Giữ lại các hóa đơn thanh toán thẻ, chứng từ có liên quan để đối chiếu với các giao dịch trên sao kê tài khoản thẻ và thực tế hàng hóa, dịch vụ nhận được cũng như để làm bằng chứng nếu xảy ra tranh chấp.
- Thực hiện các lưu ý khác theo đúng hướng dẫn sử dụng thẻ, tài khoản thanh toán của đơn vị phát hành thẻ, tài khoản thanh toán.
- Kiểm tra kỹ hàng hóa trước khi nhận từ bên bán hoặc bên vận chuyển. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo an toàn, chất lượng cần phản ánh ngay tới bên bán để được giải quyết.
- Lưu ý tuân thủ nguyên tắc 5K mà Bộ Y tế đưa ra để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng trong quá trình giao dịch.
*Kính mời quý độc giả theo dõi phần sau ở bài tiếp theo.