Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới: 'An toàn sử dụng' là gì?

(VTC News) -

Bộ tài liệu Hướng dẫn này sẽ là cuốn sổ tay hữu ích cho người tiêu dùng trong việc hướng tới tiêu dùng an toàn trong bối cảnh tình hình mới.

Việt Nam và thế giới đã trải qua một năm 2021 với nhiều khó khăn, thách thức: Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với nhiều làn sóng dịch bùng phát mạnh mẽ ở cả phạm vi trong nước và quốc tế. Lần đầu tiên trong lịch sử nhiều năm trở lại đây, Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới được đặt dưới tình trạng báo động, cảnh giác cao nhất.

Kinh tế - xã hội do đó cũng gặp phải nhiều biến động tương ứng. Việc tắc nghẽn trong chuỗi giá trị toàn cầu làm tăng giá nguyên liệu sản xuất là thách thức không nhỏ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của các quốc gia. Đồng thời, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng mạnh tác động không nhỏ tới quyết định mua sắm của người tiêu dùng.

 

Dịch bệnh cùng sự leo thang của các mối nguy cơ tiềm tàng đã thúc đẩy cho sự phát triển của xu hướng kinh doanh - tiêu dùng mới, phù hợp hơn với bối cảnh bình thường mới. Thương mại điện tử phát triển và làm thay đổi phương thức mua sắm của người tiêu dùng, các hành vi tiêu dùng trực tuyến được sử dụng nhiều hơn bên cạnh các hành vi tiêu dùng truyền thống.

Mong muốn được an toàn khuyến khích người tiêu dùng quan tâm và dành sự ưu tiên nhiều hơn cho nhóm các hàng hóa hướng tới bảo vệ sức khỏe, thân thiện với môi trường hoặc do các đơn vị sản xuất, phân phối uy tín cung cấp.

Hơn lúc nào hết, xu hướng sản xuất - kinh doanh trách nhiệm, đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng được các doanh nghiệp quan tâm. Việc ý thức rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định pháp luật, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ người tiêu dùng khiến các doanh nghiệp triển khai có hiệu quả việc sản xuất - kinh doanh các hàng hóa đảm bảo chất lượng và tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Khó khăn, thử thách về kinh tế - xã hội của đất nước nói chung đặt ra cơ hội và thách thức mới cho công tác bảo vệ quyền lợi ngưởi tiêu dùng. Đứng trước bối cảnh đó, năm 2022, Bộ Công Thương đã lựa chọn chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là "Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới".

Một trong những điểm nhấn của các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 của Bộ Công Thương là việc Ban hành Bộ tài liệu “Hướng dẫn tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới" với ý nghĩa nhằm góp phần lan tỏa thông điệp, hướng dẫn người tiêu dùng một số cách thức để có thể tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới.

Với 3 nội dung trọng tâm gồm An toàn lựa chọn, An toàn thanh toán và An toàn sử dụng (Thông điệp 3A), Bộ tài liệu Hướng dẫn sẽ là cuốn sổ tay hữu ích cho người tiêu dùng trong việc hướng tới tiêu dùng an toàn trong bối cảnh tình hình mới.

 

Phần 1, An toàn lựa chọn, phần 2 là An toàn Thanh toán như link đã dẫn, phần 3 là An toàn sử dụng.

1. Phạm vi

An toàn sử dụng được quy định trong hướng dẫn này là giai đoạn từ khi người tiêu dùng tiếp nhận, sử dụng hàng hóa, dịch vụ đến bảo hành, phản ánh, khiếu nại về hàng hóa, dịch vụ (nếu phát sinh vấn đề cần bảo hành, phán ánh, khiếu nại).

2. Đối tượng áp dụng

- Người tiêu dùng.

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là “doanh nghiệp” hoặc “bên bán”).

- Cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

Nội dung thực hiện:

1. Đối với doanh nghiệp

- Cung cấp đầy đủ, chính xác cho người tiêu dùng các thông tin như: các điều khoản và điều kiện, chính sách về giao hàng hóa (nếu hàng hóa mua được giao); thông tin về các loại chi phí khác có liên quan (nếu có); chính sách và điều kiện bảo hành; hướng dẫn sử dụng; điều kiện được hưởng khuyến mại khác (nếu có); chính sách trả hàng và hoàn tiền của doanh nghiệp;…

- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện do mình cung cấp theo quy định pháp luật và thỏa thuận bảo hành giữa bên bán và người tiêu dùng.

- Thực hiện trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật, thông báo công khai và chịu chi phí trong quá trình thu hồi; thực hiện bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng do hàng hóa có khuyết tật gây ra (nếu có) theo quy định pháp luật.

- Xây dựng, ban hành và công khai các cơ chế giải quyết tranh chấp, chính sách bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.

- Tiếp nhận và tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của người tiêu dùng; tiến hành giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng theo các phương thức phù hợp theo quy định pháp luật và thỏa thuận giữa các bên.

 

2. Đối với người tiêu dùng

(i) Tìm hiểu các quyền lợi tương ứng của người tiêu dùng theo quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể:

- Quyền được yêu cầu bồi thường: Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

- Quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện: Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

(ii) Lưu ý chủ động thực hiện các việc sau để bảo vệ an toàn sức khỏe và quyền lợi chính đáng của mình, cụ thể:

- Sau khi mua hàng, cần tự chủ động lưu lại tất cả các thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch như: thông tin mua hàng, mã xác nhận đơn hàng, giữ lại hóa đơn thanh toán, hóa đơn giao hàng, phiếu/mã xác nhận bảo hành, lưu giữ hợp đồng và các tài liệu, thỏa thuận đã giao kết với bên bán.

- Nếu có bất kỳ vấn đề gì sai sót, đừng ngần ngại liên hệ với bên bán để yêu cầu khắc phục và/hoặc bồi thường thỏa đáng.

- Đọc kỹ trước khi sử dụng hàng hóa các thông tin như: hướng dẫn sử dụng (đặc biệt đối với các sản phẩm bảo vệ sức khỏe); điều kiện sử dụng và bảo quản sản phẩm; hạn sử dụng; những lưu ý khi sử dụng sản phẩm;… để đảm bảo sử dụng sản phẩm một cách an toàn, hợp lý, hiệu quả.

(iii) Chia sẻ thông tin tiêu dùng để góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng an toàn, lành mạnh

- Chủ động chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ, về quá trình mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ để người thân, bạn bè được biết và nâng cao nhận thức tiêu dùng an toàn.

- Khi thực hiện các giao dịch mua bán trực tuyến, chủ động thực hiện đánh giá về hàng hóa, dịch vụ, về quá trình mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ để góp phần hỗ trợ người tiêu dùng khác lựa chọn người bán có uy tín, hàng hóa, dịch vụ có chất lượng.

- Chỉ chia sẻ thông tin trên cơ sở xác định rõ nguồn thông tin, tính chính xác của thông tin. Không chia sẻ thông tin không rõ nguồn gốc, thông tin chưa kiểm chứng, gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

 

(iv) Trường hợp xảy ra tranh chấp, cần sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp theo quy định pháp luật, trong đó:

- Ưu tiên giải quyết vấn đề tranh chấp với bên bán trước khi sử dụng các phương thức khác do đây luôn là phương thức giải quyết nhanh gọn, hạn chế chi phí và công sức cho các bên liên quan.

- Gửi phản ánh, khiếu nại tới bên bán theo các cách thức có thể lưu vết, trong đó cần lưu ý xác định thời điểm gửi khiếu nại để bảo vệ quyền lợi, đặc biệt trong các trường hợp có giới hạn thời hạn gửi khiếu nại (căn cứ theo thỏa thuận với bên bán hoặc đặc thù quy định pháp luật từng lĩnh vực).

- Trường hợp không thương lượng được với bên bán, cần liên hệ với cơ quan, tổ chức để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết sau:

+ Phản ánh tới Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là các tổ chức đại diện cho tiếng nói của người tiêu dùng, có nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.

+ Phản ánh tới Sở Công Thương địa phương: Sở Công Thương là cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương.

+ Phản ánh tới Tổng đài Tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838: Tổng đài miễn cước cuộc gọi do Bộ Công Thương vận hành nhằm tiếp nhận, tư vấn các vấn đề về pháp luật bảo vệ người tiêu dùng.

+ Phản ánh tới các cơ quan, đơn vị quản lý chuyên ngành liên quan đến loại hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua của doanh nghiệp để được tư vấn, hỗ trợ, giải quyết.

Nguồn:

Tin mới