Chiều ngày 25/10 (theo giờ địa phương), sau khi được Vua Charles III bổ nhiệm làm Thủ tướng Anh tiếp theo, ông Rishi Sunak đã có bài phát biểu đầu tiên trước công chúng Anh tại Số 10 Phố Downing.
Tân Thủ tướng mở đầu bài phát biểu bằng thông báo rằng ông đã chấp nhận lời mời của Vua Charles III để thành lập chính phủ mới.
Thủ tướng Rishi Sunak bày tỏ lòng biết ơn đối với người tiền nhiệm Liz Truss, nói rằng bà đã đúng khi nỗ lực để thay đổi đất nước và cải thiện tăng trưởng. Ông coi đó là "mục đích cao quý" và ông ngưỡng mộ nỗ lực của bà. Tuy nhiên, ông nhắc lại rằng bà Truss đã "mắc một số sai lầm".
"Tôi đã được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh của các bạn để sửa chữa những sai lầm đó. Và công việc sẽ được bắt đầu ngay bây giờ", ông Sunak nói.
Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak. (Ảnh: CNN)
Thủ tướng Sunak cam kết mang đến sự ổn định kinh tế cho nước Anh, nhưng nói thêm rằng điều này đồng nghĩa sẽ có "những quyết định khó khăn".
“Tôi sẽ đặt sự ổn định kinh tế và lòng tin vào trọng tâm trong chương trình nghị sự của chính phủ này. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn”, ông Sunak nói.
Đây được coi là dấu hiệu chính phủ của ông Sunak sẽ áp dụng các chính sách kinh tế "thắt lưng buộc bụng".
Nhắc lại những điều từng tuyên bố trong các cuộc họp lãnh đạo trước đây, ông Sunak nói sẽ "không để những thế hệ tiếp theo phải giải quyết các khoản nợ", đồng thời cam kết đoàn kết đất nước không phải bằng lời nói, mà bằng hành động.
Trong bài phát biểu đầu tiên của mình, ông Sunak cũng bất ngờ nhắc đến cựu Thủ tướng Boris Johnson và ca ngợi những chính sách kinh tế dưới thời ông Johnson.
“Tôi luôn biết ơn ông Boris Johnson vì những thành tựu đáng kinh ngạc của ông ấy trên cương vị thủ tướng, và tôi trân trọng sự ấm áp và tinh thần rộng lượng của ông ấy”, tân thủ tướng Anh nói.
Ông Rishi Sunak là thủ tướng gốc Ấn Độ đầu tiên của đất nước sương mù. Ông cũng trở thành thủ tướng Anh trẻ tuổi nhất trong vòng hơn 200 năm.
Tân Thủ tướng Sunak sẽ phải đối mặt hàng loạt thách thức như vực dậy nền kinh tế đang trên đà rơi vào suy thoái, trong bối cảnh giá năng lượng, thực phẩm tăng vọt. Trong khi đó, nội bộ đảng Bảo thủ gần đây có sự chia rẽ về ý thức hệ và người dân Anh ngày càng không hài lòng về đảng này.