Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thử thách đến cùng giới hạn con người, giành sự sống cho bệnh nhân COVID-19

(VTC News) -

Bác sĩ Đỗ Kim Quế cùng đội ngũ y tế ở Bệnh viện Dã chiến số 8 đã nỗ lực đến những giọt mồ hôi cuối cùng để giúp bệnh nhân COVID-19 giành lại sự sống.

Ngồi trong phòng làm việc, bác sĩ Đỗ Kim Quế - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) lặng nhìn ra cửa sổ, chứng kiến nhịp sống của thành phố đang dần bình thường trở lại. Giữa trưa nắng hè, những nhịp chân hối hả ngớt dần, trả lại cho bệnh viện không gian tĩnh lặng.

 

 

Phút bình yên trong thoáng chốc đôi khi khiến người ta quên rằng mới 1 năm trước, dịch COVID-19 còn đang gieo nỗi ám ảnh với người dân TP.HCM khi mỗi ngày có tới hàng nghìn ca nhiễm, hàng trăm ca tử vong.

Ký ức về những ngày kinh hoàng vẫn còn nguyên như mới hôm qua trong tâm trí bác sĩ Đỗ Kim Quế, khi ông là “tổng chỉ huy” của Bệnh viện Dã chiến số 8 - nơi đội ngũ y bác sĩ cùng hàng nghìn bệnh nhân đã sát cánh ngày đêm trong cuộc chiến với tử thần.

Gần 40 năm gắn bó với nghề, nhưng nhắc đến những tháng ngày gian truân chống dịch, ông vẫn không quên được cảm giác mệt mỏi, bất lực ám ảnh trước núi khó khăn chồng chất như muốn thử thách đến cùng giới hạn của con người.

 

Thời điểm này một năm trước, dịch COVID-19 tại TP.HCM phức tạp, số ca không ngừng tăng. Tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế, khu vực cách ly tăng đến mức báo động. Theo phân công của Bộ Y tế và UBND TP.HCM, Bệnh viện Thống Nhất cử một đoàn cán bộ y bác sĩ tham gia chống dịch tại thành phố.

Tôi xung phong tham gia đợt đầu tiên, cùng đoàn y bác sĩ khởi hành ngày 13/7/2021, gồm 91 người tham gia chống dịch ở 3 cơ sở y tế. Trong đó, quân số đông nhất tập trung ở Bệnh viện Dã chiến số 8, được thành lập từ khu tái định cư ở TP Thủ Đức.

Hôm 12/7/2021, tôi cùng cán bộ Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Bình Dân đến khảo sát chung cư, gồm 6 tòa nhà, chủ yếu là các dãy nhà thô, chưa có giường chiếu, điện nước chưa có đủ.

Trong một ngày, chúng tôi phải phối hợp cùng các ban ngành để lo hậu cần, cơ sở hạ tầng. Chúng tôi phụ trách vấn đề chuyên môn như sắp xếp phòng ốc thế nào, cấp cứu ở đâu, tiếp nhận và phân buồng cho bệnh nhân ra sao, trang thiết bị cho đội ngũ y tế, cung ứng cho người bệnh thế nào,...

Sáng 13/3/2021, chúng tôi xuất quân từ Bệnh viện Thống Nhất, chỉ trong buổi chiều là đón bệnh nhân. Bây giờ nghĩ lại, tôi không tưởng tượng được đội ngũ y tế có thể làm được khối lượng công việc lớn như thế.

Video: Thử thách đến cùng giới hạn con người

10h30 sáng, khi có mặt ở Bệnh viện Dã chiến số 8, anh em y bác sĩ, điều dưỡng trở thành công nhân vệ sinh dọn dẹp mọi thứ sạch sẽ tinh tươm. 12h30, các phòng của nhân viên y tế đã ở mức tạm ổn để làm việc được. Chúng tôi ăn vội bữa cơm trưa. 14h30, chúng tôi đón những bệnh nhân đầu tiên.

Những ngày đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân (khoảng cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám), chúng tôi rất căng thẳng bởi số lượng bệnh nhân đông, đến từ nhiều quận, huyện nên điều phối rất khó khăn. Một thách thức nữa là vấn đề di chuyển.

Thời điểm đó, TP.HCM thực hiện Chỉ thị 15, rồi đến Chỉ thị 16. Người dân đi đâu, làm gì cũng cần phải có giấy tờ để tránh lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Do đó, công tác tiếp nhận bệnh nhân phải được phối hợp rất kỹ lưỡng, có bàn bạc với Sở Y tế TP.HCM, ban điều hành các khu vực để lên kế hoạch cụ thể.

Ngày đầu, chúng tôi tiếp nhận khoảng 70 bệnh nhân, di chuyển trên 3 chiếc xe buýt đến bệnh viện dã chiến. Số lượng bệnh nhân lớn như thế, nhưng vẫn phải đảm bảo vấn đề cách ly, giữ khoảng cách, chưa kể việc phân loại bệnh nhân dựa trên tuổi tác, bệnh nền, triệu chứng,...

Khi nhân lực y tế còn thiếu, chúng tôi phải làm việc ở cường độ cao. Ngày đầu tiên, các nhân viên y tế phải làm việc 6 - 8 tiếng trong bộ đồ bảo hộ, mồ hôi túa ra liên tục, vất vả không thể kể hết được. Việc mặc đồ bảo hộ trong thời gian dài như thế sẽ gây hại cho sức khỏe mà lúc đó sức khỏe của những người làm công tác y tế cần được ưu tiên hàng đầu.

 

Theo quy định, một bác sĩ phụ trách 50 bệnh nhân, một điều dưỡng phụ trách 25 bệnh nhân. Nếu bác sĩ không may gặp vấn đề về sức khỏe, không thể làm nhiệm vụ thì sẽ có 50 trường hợp F0 không được chăm sóc. Chúng tôi ra quy định đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế, qua đó có nguồn nhân lực chăm sóc cho người mắc COVID-19.

Sát cánh cùng anh em tôi càng thấu hiểu được khó khăn và vất vả của đồng nghiệp. Tôi có thể đứng mổ trong 6 đến 8 tiếng, nhưng khi mặc đồ bảo hộ, di chuyển và làm việc trong môi trường vô trùng, tôi cảm thấy sức lực của mình như bị “tháo cạn”.

Do đó, riêng khu vực Bệnh viện Dã chiến do tôi phụ trách, tôi chia ca làm cho đội ngũ y tế là 4 tiếng mỗi ca. Sau 4 tiếng là nghỉ ngơi, thay đồ bảo hộ. Thời điểm dịch cao trào, việc có đồ bảo hộ để mặc là vô cùng khó khăn. Có người nói với tôi, làm như thế thì không đủ đồ bảo hộ và phương tiện chống dịch.

Tôi nói thà chúng ta huy động nguồn lực, tìm phương tiện bảo đảm chống dịch còn hơn là để nhân viên y tế kiệt sức. Tôi lo rằng nếu đội ngũ y tế mệt mỏi, họ sẽ mắc lỗi trong vấn đề chống dịch, đơn cử như thay đồ bảo hộ. Từ việc tháo khẩu trang, bỏ kính che giọt bắn, nếu mình sơ suất thì phản xạ sẽ không chính xác, tay chân có thể mệt mỏi, rồi vô tình đưa virus vào trong đường thở của mình, vô tình gây hại cho mình và đồng nghiệp.

Tôi đồng cảm với những bệnh nhân COVID-19. Cuộc sống đang bình thường, bỗng nhiên mắc bệnh, rồi phải khăn gói đến nơi mình còn chưa biết rõ ràng, chẳng rõ điều kiện sẽ ra sao. Có nhiều người mắc bệnh nền, khi đi còn chưa kịp mang thuốc theo. Trong khi đó, bệnh viện dã chiến không đủ thuốc mà họ cần.

Vì vậy, tôi phải tạo kênh liên lạc giữa bệnh nhân với người nhà để hỗ trợ đưa thuốc từ nhà đến bệnh viện dã chiến. Đường dây được thiết lập giữa cơn bão khó khăn, giúp bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân, tình nguyện viên được bảo đảm. Đội ngũ tình nguyện viên đã tư vấn giúp nhà hảo tâm vận chuyển thuốc men, đồ ăn, thức uống tới bệnh viện. Chúng tôi khử khuẩn đồ để tránh lây nhiễm rồi mới chuyển tới bệnh nhân.

Trong những ngày đầu, chúng tôi tiếp nhận một trường hợp đặc biệt. Ông là người Ấn Độ, chỉ ăn được đồ ăn riêng biệt của ông ấy thôi, không ăn được món khác. Đồ ăn do người nhà chuyển lên cho ông thì bị thất lạc. Lúc cao điểm, Bệnh viện Dã chiến số 8 gồm gần 3.000 bệnh nhân, nên phát sinh không ít vấn đề. Lúc đó, chúng tôi phải tìm đồ ăn tiếp tế, may mắn là có bác sĩ tìm được gói đồ ăn và mang lên cho bệnh nhân này lúc 0h đêm. Lúc đó chúng tôi sợ bệnh nhân thiếu thực phẩm mà hạ đường huyết thì rất khó kiểm soát.

Thực phẩm của bệnh nhân là vấn đề nan giải. Nhiều bệnh nhân đến lúc quá giờ ăn, không có giờ ăn. Lúc đó, nhân viên y tế đã chia sẻ đồ ăn với bệnh nhân như mì gói, bánh, nước… Tôi dặn y bác sĩ hỏi bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân lớn tuổi, trẻ em, nếu ai thiếu thì chúng tôi nhường đồ ăn để họ có sức lực chống chọi với bệnh tật.

Trong những lúc khó khăn nhất, không hiểu sao chúng tôi cảm thấy bản thân có nguồn năng lực và sức mạnh kỳ lạ.

 

Tôi vẫn nhớ những ngày đầu tiên cùng đội ngũ y tế đến bệnh viện dã chiến. Chỉ cần các em sai một chút về các quy định phòng, chống dịch, tôi sẽ mắng rất nặng. Thậm chí, tôi nói: “Nếu ai muốn chết thì cứ chết, nhưng không được để đồng nghiệp chết theo”. Tôi muốn họ nhìn thấy trước mặt đang là bãi mìn mà họ không được phép đạp lên. Nếu đạp phải, không phải chỉ mình mà đồng nghiệp mình cũng bị ảnh hưởng.

Tôi bị căng thẳng với chính bản thân mình, dẫn đến căng thẳng với đồng nghiệp. Nhưng cứ phải căng thẳng như thế, chúng tôi mới giải quyết được khối lượng công việc lớn. Tỷ lệ nhân viên y tế ở Bệnh viện Dã chiến số 8 bị phơi nhiễm rất thấp.

Tuần đầu tiên, một nhân viên y tế gọi cho tôi, nói có thể đã mắc COVID-19 bởi đang xuất hiện triệu chứng đau họng và sốt. Tôi lập tức cho em làm xét nghiệm, bởi khi ấy, mỗi phòng ở có 4 - 6 nhân viên y tế, 1 người mắc bệnh, có thể 6 người sẽ không đi làm việc được.

Một nhân viên y tế vừa nhận nhiệm vụ hôm trước, thì hôm sau bố của em qua đời. Em không thể về nhìn bố lần cuối, thương xót vô cùng. Nhưng bước vào cuộc chiến này, chúng tôi phải hy sinh, phải chấp nhận.

Ở bệnh viện cũng có một cặp vợ chồng đi chống dịch, con cái gửi cho ông bà trông. Hôm ấy, họ báo tin con bị mắc COVID-19, không biết phải làm sao. Tôi cho họ 2 giải pháp, hoặc để con cách ly tại nhà, bệnh viện sẽ cung cấp thuốc và thực phẩm, hoặc để con vào viện để theo dõi.

Đầu tiên, người mẹ muốn con được chăm sóc ở nhà. Sau đó, khi triệu chứng của bé bắt đầu nặng, buộc lòng chúng tôi phải cử xe đến tận nhà đón bà, cháu lên viện điều trị. May mắn là sau đó mọi người đều hồi phục.

Nhớ lại những kỷ niệm ấy, tôi mới thấy nghị lực và sức mạnh của đội ngũ y tế trước hoàn cảnh khó khăn là lớn vô cùng, không thể tưởng tượng được.

Tôi đã chứng kiến những trường hợp đau lòng, trong những ngày dịch COVID-19 ở mức căng thẳng nhất. Có những người trút hơi thở cuối cùng khi không có người thân ở bên cạnh, xót xa vô cùng. Có những người thân của y bác sĩ cũng qua đời ngay tại bệnh viện dã chiến, rồi phải nén đau thương, nuốt nước mắt vào trong.

Chúng tôi linh hoạt giải quyết một số trường hợp để cho các em xuống gặp người thân lần cuối. Với những nhân viên không may có người thân qua đời, chúng tôi động viên các em nghỉ ngơi, ổn định lại tâm lý rồi trở lại công việc. Nếu khi tâm lý không ổn, chúng ta rất dễ mắc lỗi dẫn đến hậu quả.

Trong số đồng nghiệp của tôi, có người có bố bị ung thư giai đoạn cuối, diễn tiến nặng và chữa trị ở nhà. Trong khi đó, anh là bác sĩ tham gia chống dịch. Tôi động viên rằng ai cũng có khó khăn. Cha mẹ tôi có bệnh nền, anh cũng vậy, mọi người đều thế. Tôi muốn mọi người chọn việc gì mang lại lợi ích lớn nhất cho tất cả.

Tôi nói với đồng nghiệp rằng nếu vẫn muốn về, tôi tôn trọng và đồng ý. Sau đó, anh ấy đã quyết định ở lại cùng chúng tôi đến cùng. Có những y bác đã ở lại bệnh viện dã chiến suốt nửa năm, không ngại khó khăn để chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân. Tất cả đã nỗ lực cạn đến giọt mồ hôi cuối cùng.

Hồng Nam- Hoàng Thọ

Tin mới