Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những ngày đau thương ở TP.HCM - Một năm sau

Đất nước đang dần trở lại cuộc sống bình thường sau những ngày tháng đen tối nhất đại dịch COVID-19.

Đất nước đang dần trở lại cuộc sống bình thường sau những ngày tháng đen tối nhất đại dịch COVID-19. Những nỗi đau cũng đang dần nguôi ngoai, nhưng sẽ không bao giờ phai trong tâm trí của mỗi người dân Sài Gòn.

 

“Nhiều bệnh nhân ra đi ngay trước mắt tôi. Hết người này đến người khác. Đau đớn, xót xa vô cùng mà không thể làm gì được. Cảm giác thật bất lực. Những hình ảnh đó ám ảnh tôi đến suốt đời.” Vị cán bộ chỉ đạo công tác chống dịch ở TP.HCM trong những ngày nóng bỏng, tang thương nhất kể lại. “Nhưng có nhiều lúc, bạn chắc sẽ không thể hình dung được rằng, đến thăm các gia đình trong những xóm trọ nghèo, hay những gia đình liên quan đến người mất vì nhiễm bệnh còn ám ảnh hơn nữa.”

Ông kể câu chuyện về đoàn làm phim của quân đội cùng các chiến sỹ đến bàn giao tro cốt của một bệnh nhân COVID-19 mất tại bệnh viện sau khi điều trị được vài hôm. Câu chuyện của ông dẫn cảm xúc của chúng tôi đi từ kinh ngạc đến ám ảnh.

Video: Số ca tử vong vì COVID-19 tại Việt Nam

Thời điểm có nhiều bệnh nhân mất, quân đội đảm nhận toàn bộ các khâu lo hậu sự cho người mất, bao gồm thủ tục tâm linh, hoả táng và bàn giao tro cốt cho gia đình, thân nhân. Đoàn làm phim quân đội thực hiện bộ phim tài liệu về đề tài này. Lần ấy, đoàn làm phim liên hệ với đơn vị quân đội bàn giao tro cốt cho gia đình có người thân vừa mất để làm đoạn kết cho bộ phim.

Theo kịch bản, quay phim sẽ bắt trọn cảnh các chiến sỹ bộ đội bàn giao tro cốt trong bầu không khí đau thương, xúc động, trang nghiêm và dự kiến đó sẽ cảnh kết của bộ phim. Đoàn làm phim cùng những người lính đến ngôi nhà trong con hẻm nhỏ. Cửa nhà đóng im lìm. Bầu không khí quạnh quẽ, u ám, nặng nề vậy quanh.

Anh bộ đội gõ cửa. Ra mở cửa đón đoàn là một phụ nữ đứng tuổi, gương mặt bình thản. Một nam thanh niên bước theo sau, gương mặt cũng bình thản như người phụ nữ. Mọi người trong đoàn đoán đó là vợ và con nạn nhân COVID-19 vừa mất. Trong niềm xúc động, người sỹ quan phụ trách thông báo với gia đình về sự ra đi của thân nhân họ, đã được quân đội lo chu toàn hậu sự, nay tro cốt được mang tới bàn giao cho gia đình.

Trái ngược hoàn toàn với hình dung ban đầu của đoàn làm phim, sau khi nhận hũ tro cốt từ tay anh bộ đội, người phụ nữ chỉ nói cảm ơn rồi đóng cửa quay bước vào nhà, vẻ mặt vẫn bình thản như không có gì xảy ra, hệt như khi bà ra mở cửa. Đoàn làm phim kinh ngạc, ra về trong tâm trạng nặng trĩu. Dù đã chứng kiến bao nhiêu cái chết, khâm liệm rồi hoả táng, làm các thủ tục tâm linh cho họ, những người lính vẫn không sao lý giải được câu hỏi, vì sao người ta lại có thể đón nhận cái chết của thân nhân mình bình thản đến như vậy.

 

“Anh em trong đoàn làm phim đã hỏi tôi câu hỏi đó.” Vị lãnh đạo kể. Ông nghĩ đến những cảnh tang thương, những nỗi đau đã tận mắt chứng kiến và trả lời: “Họ đã trải qua quá nhiều nỗi đau rồi, đến giờ họ không thể đau hơn được nữa. Thái độ bình thản chính là nỗi đau không thể nói thành lời, không còn biểu lộ được nữa.”

Lần khác, đến thăm các xóm trọ ở Bình Dương, ông ghé vào một gia đình công nhân. Người vợ mang bầu ở những tháng cuối cùng. Một đứa trẻ gầy gò ra cất tiếng “chào ông” rồi ngước mắt nhìn ông. Đôi mắt trong veo, thơ ngây nhưng gây ám ảnh. Đôi mắt ấy như van lơn, cầu xin, khắc khoải mong muốn được trở lại những ngày tháng bình thường trước đây, khi em được đến trường, được ăn uống đầy đủ, được bố mẹ đưa đi chơi, được tự do chạy nhảy cùng lũ trẻ trong xóm. Người phụ nữ mang bầu kể với ông đã 3 tháng qua chị và các con không biết đến miếng thịt, miếng cá nào. Bữa cơm nào có quả trứng đã là tươm tất lắm rồi, chưa kể đến những ngày đứt bữa.

 

Nguồn:

Tin mới