Đó là đôi bàn tay của những con người bình thường, làm những công việc bình thường, nhưng khi đại dịch ập đến, họ trở thành những người lo chuyện "bao đồng", hy sinh hạnh phúc cá nhân để mang lại niềm vui ấm áp cho cộng đồng.
Dịch COVID-19 phủ bóng đen lên ngành du lịch nói chung và lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn nói riêng ở TP.HCM. Nửa cuối năm 2021, nhất là ở thời điểm cao điểm dịch tháng 6 đến tháng 8, các nhà hàng, khách sạn tại đây ở tình trạng cửa đóng then cài, nằm im lìm phủ bụi đợi ngày dịch bệnh qua đi để tiếp tục sáng đèn đón khách.
Tuy nhiên, khách sạn Ambassador Sài Gòn của anh Đinh Quốc Huy trên đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) là một trong những ngoại lệ hiếm hoi. Không có khách du lịch đến cư trú, nhưng khách sạn vẫn hoạt động đêm ngày, trở thành ngôi nhà chung của những vị khách đặc biệt. Đó là đội ngũ y bác sĩ cùng các tình nguyện viên chống dịch.
"Cao điểm dịch ở TP.HCM, đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên không có chỗ ở do các khách sạn đóng cửa nhiều quá. Nhiều y bác sĩ phải ghép bàn lại để ngủ, mỗi ngày làm mười mấy tiếng nhưng chỗ ngủ phải sắp xếp tạm bợ, về lâu dài khó đảm bảo sức khỏe để thực hiện khối lượng công việc. Tôi tin rằng mình cần hành động. Kể từ đó, khách sạn Ambassador Sài Gòn trở thành khách sạn cộng đồng, mở cửa đón đội ngũ chống dịch", anh Huy nhớ lại.
Y bác sĩ và tình nguyện viên tập trung trước khách sạn "0 đồng" Ambassador của anh Đinh Quốc Huy. (Ảnh: NVCC)
Mở cửa khách sạn để đón đội ngũ y bác sĩ không phải quyết định dễ dàng với những doanh nhân chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như ê-kíp của anh Huy. Đến khi mở cửa rồi, biến kế hoạch thành hành động ra sao lại là bài toán khó khăn hơn nữa.
Đầu tiên, anh Huy cùng bạn bè không được địa phương ủng hộ, vừa làm vừa sợ, kiến thức về COVID-19 cũng rất yếu. Nếu địa điểm làm từ thiện có ca F0, nơi đây có thể trở thành tụ điểm bùng dịch. Thứ hai là nhu cầu quá lớn, nhưng khách sạn có hạn, chỉ có 65 phòng, sức chứa tối đa 150 người, quá ít so với số lượng y bác sĩ cần nơi ăn chốn ở.
Một thách thức nữa là thiếu đơn vị cũng hỗ trợ đồng hành. Thời điểm này, chỉ có rất ít đơn vị chấp nhận đứng ra đón nhận thử thách bởi sợ rủi ro.
"Ai cũng thiệt hại tài chính, nên rất ít người cùng đồng hành, cũng không ai ủng hộ kinh phí. Khó khăn về tiền bạc như thế, nên tôi xác định có bao nhiêu làm bấy nhiêu", anh Huy chia sẻ.
Ngày 8/7, khách sạn đón những vị khách đầu tiên, đó là nhóm tình nguyện viên hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm ở Bình Thạnh. Những ngày sau đó, khách sạn đón các đoàn y, bác sĩ đến từ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Trưng Vương.
Suốt mùa dịch, khách sạn 0 đồng của anh Quốc Huy trở thành mái nhà chung của đông đảo đội ngũ y tế phục vụ chống dịch. Dịch bệnh khiến ngành du lịch điêu đứng, nhưng anh Huy không nản lòng.
Anh Đinh Quốc Huy (thứ hai từ phải sang) cùng thành viên của nhóm thiện nguyện. (Ảnh: NVCC)
Đều đặn trong nhiều tháng, chủ của khách sạn Ambassador Sài Gòn dậy sớm, điều hành chương trình phân phát lương thực, nhu yếu phẩm, cùng các thành viên trong nhóm tình nguyện trao tận tay quà cho người dân, rồi trở lại phục vụ phòng ốc cho các y bác sĩ.
"Nếu không có những cánh tay cùng chìa ra giúp đỡ lẫn nhau, không biết bao giờ dịch COVID-19 mới chấm dứt. Ban đầu, mục đích của khách sạn ‘0 đồng’ là mở ra để hỗ trợ cho đội ngũ y bác sĩ, tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ y tế trong cuộc chiến chống dịch.
Tuy nhiên, càng ra đường, cùng đội thiện nguyện phát đồ ăn, lương thực và nhu yếu phẩm, tôi càng thấy những hoàn cảnh éo le, không ngờ có những người khó khăn như thế. Trong đội ngũ của chúng tôi, có những tình nguyện viên đang đi làm thì người thân mất, không kịp về để nhìn mặt lần cuối. Đau đớn như thế, nhưng phải nuốt nước mắt vào trong để tiếp tục", anh Huy kể lại.
Video: 'Khách sạn cộng đồng' dành cho người chống dịch ở TP.HCM
Những ngày cùng bạn bè chung tay chống dịch, anh Quốc Huy không được tiếp xúc với con, cũng không dám nhìn mặt con vì sợ nhớ.
Khó khăn là thế, nhưng anh Huy cùng đội ngũ thiện nguyện ở khách sạn ‘0 đồng’ sẵn sàng hoạt động thiện nguyện lần nữa, tiếp tục lăn xả giúp người, giúp đời. Chỉ cần người dân cần, những bàn tay ấm áp sẽ lại chìa ra để thắp lửa yêu thương.
Một buổi chiều tháng 6, trò chuyện với PV VTC News, anh Trần Văn Trường (ngụ nhà B, Lô CD chung cư Bình Khánh, TP Thủ Đức) chưa thể quên những ngày thành phố bị COVID-19 tổng tấn công gần 1 năm trước.
Giữa tâm dịch với nỗi đe dọa chết chóc vần vũ trên đầu, anh Trường vẫn "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", cùng người dân tham gia cuộc chiến chống dịch, mang lại ánh nắng ấm áp cho cộng đồng trong những ngày u ám.
Những suất ăn từ thiện được trao đi suốt mùa dịch. (Ảnh: NVCC)
"Đó trải nghiệm mạo hiểm bởi tiềm ẩn những rủi ro nếu không may bị nhiễm bệnh, nhưng với tôi và những người đồng hành tại ‘Bếp nấu tiếp tế chống dịch COVID nhà B’ được cống hiến, được góp phần công sức nhỏ bé của mình để cùng TP.HCM vượt qua "cơn đại hồng thủy" COVID-19 càn quét đó là điều rất đỗi tự hào", anh Trường chia sẻ.
Anh Trường nhớ lại thời điểm tháng 7/2021 khi TP bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16. Việc cung ứng lương thực, thực phẩm trở thành vấn đề, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm cùng bệnh nhân vật lộn với cuộc chiến chống lại tử thần. Anh cùng với một số người ở chung cư nghĩ đến việc tặng những suất cơm cho tuyến đầu chống dịch.
"Ban đầu chúng tôi chỉ nghĩ đến tặng 50 suất cơm, mỗi suất 35.000 đồng, kinh phí cư dân tự bỏ ra. Tuy nhiên, chỉ sau một buổi, nhiều đơn vị khác ngỏ ý xin hỗ trợ nên bếp nấu thêm cả trăm suất và sau này có ngày cao điểm khoảng hơn 400 suất", anh nói.
Hàng trăm gói rau củ được gói cẩn thận để trao đến tay người dân. (Ảnh: Hoàng Thọ)
Trong hơn 3 tháng, bếp nấu đã tiếp tế được hơn 40.000 suất ăn từ hơn 900 triệu đồng của cư dân, mạnh thường quân, đơn vị… ủng hộ kèm theo hàng chục tấn gạo, rau củ. Mỗi người một chút công sức để có những suất cơm đầy ắp tình yêu được chuyển đến cho các y bác sĩ cũng như các lực lượng chức năng đang làm việc tại các bệnh viện dã chiến ở phường An Khánh, TP Thủ Đức.
"Những ngày đầu bếp đỏ lửa, ở đâu cho rau củ là chúng tôi sẵn sàng chạy xe qua lấy. Có nhiều lần đi từ 2-3 giờ sáng đến 6 giờ sáng, ngủ rất ít, thậm chí tranh thủ chờ xe chở rau đến nơi hẹn, anh em nằm tạm bên vỉa hè cho đỡ mệt…", anh Trường kể.
Cũng theo anh Trường, có nhiều thành viên của nhóm là giám đốc doanh nghiệp, kỹ sư, giảng viên, chuyên gia… tất cả đều trở thành những người bốc vác không chuyên.
Cuối tháng 7, đầu tháng 8/2021, TP.HCM công bố hàng nghìn ca nhiễm, hàng trăm ca tử vong mỗi ngày khiến bản thân anh, cũng như nhiều anh chị em trong nhóm cũng lo lắng, bất an… Nhưng mọi người đều động viên nhau cố gắng và thực hiện nghiêm ngặt quy định phòng dịch để bếp ăn được duy trì.
"Ngày nào mẹ tôi cũng gọi điện vào vì rất lo cho cho con, cho cháu ở giữa tâm dịch. Biết tôi tham gia bếp ăn, nhiều lần gọi điện, mẹ tôi khóc và tôi cũng khóc theo.
Có lần mẹ bảo, 'thôi nghỉ đi con ạ, không tham gia nữa' vì mẹ xem được thông tin một số người tham gia thiện nguyện qua đời vì COVID-19… Tôi biết bà rất lo lắng nhưng đã trấn an và động viên để bà hiểu", anh Trường nhớ lại.
Trấn an mẹ là thế, nhưng theo anh Trường, có những thời điểm bản thân anh rất lo bị nhiễm bệnh, lo sợ sẽ lây cho gia đình, anh chị em trong nhóm, hàng xóm… và nghĩ đến chuyện dừng lại công việc của nhóm.
Những bếp ăn từ thiện luôn đỏ lửa. (Ảnh: Hoàng Thọ)
"Nhưng sau đó, tôi ngồi ngẫm nghĩ lại rằng, nếu ai cũng sợ nhiễm, sợ bị nặng, sợ không qua khỏi… vậy ai sẽ đi chống dịch? Những người ở tuyến đầu, họ cũng có gia đình, người thân… nhưng họ đã gạt niềm riêng, thậm chí đánh đổi cả mạng sống để lao vào tâm dịch, cứu các bệnh nhân".
Anh Trường và nhà B còn lập ra "tổ đặc biệt" và 3 thành viên lén gia đình tham gia, vì tổ này sẽ phụ trách test cho các gia đình ở nhà B có nghi ngờ COVID, hỗ trợ thực phẩm, suất ăn hay gom rác giúp các gia đình F0. Nếu như công khai, việc làm này dễ bị gia đình phản đối bởi thời điểm tháng 8 dịch lây lan rất nhanh. Dần dần nhóm được ủng hộ hơn và đã có thêm các thành viên khác tham gia hỗ trợ.
"Đi qua ngày dịch, điều đọng lại với cư dân nhà B chúng tôi chính là sự đoàn kết, sự cảm thông, chia sẻ giữa mọi người với nhau", anh Trường nói.
Tháng 7/2021 khi khu phố Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh nơi nhà thầy giáo Vũ Hoàng Sơn (giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, TP.HCM) sinh sống có ca mắc COVID-19. Cả khu phố bị phong tỏa, bắt đầu chuỗi ngày "nội bất xuất, ngoại bất nhập"
Những ngày sau đó, bà con trong khu phố cũng như gia đình anh Sơn liên tục nhận được sự trợ giúp từ bên ngoài. "Đều đặn mỗi ngày, những hộp cơm với đầy đủ các món ăn, hộp bánh hỏi với thịt heo quay, bánh mì, hộp bún. Đó là món quà nghĩa xóm tình làng từ cả những người không quen biết", anh Sơn nhớ lại.
Cũng bởi dịch bệnh, người "gõ đầu trẻ" nhận ra: xung quanh anh còn những mảnh đời bất hạnh đang cần trợ giúp. Người thầy giáo tự khoác lên mình một sứ mệnh mới, đó là đi làm thiện nguyện, dùng đôi tay đã quen với phấn trắng, bảng đen để mang lương thực, thực phẩm đến tận tay người nghèo.
"Tôi nhắn tin cho những người thân quen, những nhóm thiện nguyện để xin được giúp đỡ cho bà con. Sau khi mở lời, mọi người sẵn sàng chia sẻ và cùng tôi chở cả xe rau củ, gạo, mì gói,… để gửi cho xóm nghèo", anh Sơn nhớ lại.
Thầy giáo Vũ Hoàng Sơn vận chuyển rau hỗ trợ người dân. (Ảnh: NVCC)
Bên cạnh kêu gọi thực phẩm cho người nghèo, anh Sơn còn bỏ tiền túi ra thuê xe rau củ chở về nhà, rồi lại dùng xe máy chở đến từng xóm trọ nơi bà con đang cần. Lượng thực phẩm cung cấp cứ đều đặn mỗi ngày khoảng 200 - 300kg. Xin được bao nhiêu, anh lại dùng xe máy chở đến cho bà con, dù nắng hay mưa, tờ mờ sáng hay đêm khuya.
"Chỉ cần mình chậm một vài giờ, có thể bữa ăn của bà con sẽ thiếu thốn hoặc có khi bữa đó cả nhà lại nhịn nên cứ ráng một chút. Khi chở đến cho bà con, tôi cũng nói rõ đây là rau của các nhà hảo tâm, con chỉ là người đi xin giúp mọi người", anh Sơn chia sẻ.
Những ngày dịch bệnh căng thẳng, thầy giáo Vũ Hoàng Sơn chạy xe hàng giờ ngoài đường giữa trời nắng nóng để mang lương thực và các nhu yếu phẩm cho từng hộ gia đình cần trợ giúp.
Ngoài ra, anh Sơn còn liên hệ với một nhóm thiện nguyện Rose Tran Foundation để xin 30 phần quà gồm 5kg gạo, mì gói, nước tương, dầu ăn, rồi mặc đồ bảo hộ và trao đến tận nhà cho học sinh của mình.
Thầy Sơn trao quà hỗ trợ cho học sinh. (Ảnh: NVCC)
"Sống trong những ngày tháng khó khăn, tôi may mắn được đi, gặp và chứng kiến nhiều câu chuyện, nhiều hành động thiết thực và ý nghĩa. Khó khăn như đám mây đen, không thể che lấp ánh mặt trời là cái đẹp của tình người, tình đời.
Trở lại trường học sau đại dịch COVID-19, tôi mang những câu chuyện tình người, về hy sinh, mất mát… của người dân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung trong đại dịch kể cho học sinh nghe. Những câu chuyện sẽ giúp các em hướng thiện, luôn biết yêu thương, trân trọng những người xung quanh và trở thành công dân có ích", anh Sơn khẳng định.
Còn những lời đàm tiếu "ăn cơm nhà, lo chuyện thiên hạ", thầy giáo Vũ Hoàng Sơn không bận lòng. Anh tâm niệm rằng cứ cho đi là nhận lại, bởi "còn niềm hạnh phúc nào hơn khi thấy sự nảy nở của tình người, tình đời được thắp lửa một cách chân thành như thế.