Việt Nam hiện có khối lượng người dùng internet rất lớn với hơn 70% dân số dùng internet, có 55% người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến, 72 triệu người dùng mạng xã hội, tất cả sẽ tạo ra một khối dữ liệu khổng lồ trên môi trường trực tuyến.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, dự kiến đến năm 2025, thị trường thương mại điện tử đạt 57 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm hàng đầu khu vực, vượt xa quy mô thị trường năm 2021 là 13,7 tỷ USD. Nhưng cùng với sự mở rộng của thị trường thương mại điện tử, những hành vi vi phạm sẽ ngày càng đa dạng và càng nhiều lên.
Dữ liệu nói chung và dữ liệu về người tiêu dùng nói riêng đang là nguồn tài nguyên cực lớn của quốc gia. Những quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hệ thống pháp luật của Việt Nam đã được quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp luật, như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Bộ luật Dân sự, Hình sự…nhưng chỉ đang tiếp cận ở quyền riêng tư của công dân.
Chúng ta chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng. (Ảnh minh họa)
Theo bà Lại Việt Anh, hiện chưa có quy định mang tính toàn diện, chưa nhìn từ góc độ quyền của người tiêu dùng, góc độ tài sản trong kinh doanh thương mại. Vì vậy, nên có những quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân nhìn từ góc độ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng là rất cần thiết.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), cũng thừa nhận, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng hiện vẫn còn là một vấn đề mới đối với Việt Nam.
Về mặt chính sách, vấn đề này đã được quy định rải rác ở một số văn bản pháp luật nhưng chủ yếu liên quan đến thương mại điện tử, như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 và pháp luật chuyên ngành khác, và ở các nghị định về thương mại điện tử.
Mới đây, dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) đã bổ sung một chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù. Quốc hội cũng đang thảo luận để hoàn thiện bộ luật trên.
Theo đó, giao dịch từ xa bao gồm giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, là một trong 3 loại hình quan trọng thuộc giao dịch đặc thù. Điểm đáng lưu ý, dự thảo đã bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, trong đó tập trung quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể như “Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống thông tin tự mình thiết lập hoặc thông qua các nền tảng số” và “Tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số”.
Dự thảo cũng đã đưa ra các quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số như: Cấm ép buộc hoặc ngăn cản người tiêu dùng đăng ký sử dụng hoặc sử dụng nền tảng số trung gian khác như điều kiện bắt buộc để sử dụng dịch vụ; cấm sử dụng các biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…
Nêu quan điểm, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng là một vấn đề hết sức mới mẻ ở Việt Nam và kể cả trên thế giới.
Chúng ta chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng. Vì vậy, việc thiết kế, xây dựng dự thảo Luật lần này muốn đảm bảo tính khả thi đòi hỏi cần phải tiếp tục tổng kết, đánh giá từ thực tiễn của Việt Nam, chắt lọc bài học kinh nghiệm của quốc tế để đưa ra được những quy định phù hợp, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách vừa đảm bảo tính bền vững, lâu dài. Đây là vấn đề phức tạp, cần nghiên cứu kỹ và cần có quy định chi tiết.
Nếu không có chính sách cụ thể để xử lý các gian lận, hành vi trục lợi, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì sẽ là thiếu sót và gây hệ lụy rất lớn cho xã hội.