Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cần có quy định riêng để bảo vệ người tiêu dùng trong thời kỳ chuyển đổi số

(VTC News) -

Luật sư cho rằng, cần thiết phải xây dựng những quy định riêng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ chuyển đổi số.

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào thời kỳ chuyển đổi số, việc người tiêu dùng sử dụng không gian mạng để giao dịch hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, việc những hình thức giao dịch mới được hình thành thông qua chuyển đổi số cũng khiến quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị ảnh hưởng hơn, trong khi đó, các chế tài vẫn chưa thể theo kịp. Vì thế, giới phân tích cho rằng cần sớm sửa đổi luật Bảo vệ người tiêu dùng và tạo ra một hành lang pháp lý riêng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng.

Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong thời kỳ chuyển đổi số là rất cần thiết. (Ảnh minh họa)

Trả lời VTC News, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch nhận định, trong thời kỳ chuyển đổi số, việc các giao dịch thương mại điện tử phát triển rộng rãi cũng làm phát sinh thêm nguy cơ xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng khi người tiêu dùng tham gia vào các giao dịch này.

Ông Tuấn Anh phân tích, các giao dịch mua bán trong thời kỳ chuyển đổi số mang nhiều đặc điểm đặc thù, mang tính rủi ro như:

Bên bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ giao kết hợp đồng với người tiêu dùng thông qua các thông điệp dữ liệu điện tử, làm nảy sinh các vấn đề về tính pháp lý của các thỏa thuận thực hiện theo phương thức này, đồng thời tạo ra những nguy cơ về bảo mật thông tin của người tiêu dùng khi giao kết các hợp đồng.

Người tiêu dùng đại đa số giao kết các hợp đồng theo mẫu và tuân theo các điều kiện giao dịch chung nên trong nhiều trường hợp, họ bị bên bán áp đặt các điều kiện bất lợi.

Thứ ba, việc giao dịch không bị hạn chế về mặt không gian gây ra khó khăn trong việc bảo đảm nghĩa vụ bảo hành hàng hóa.

Thứ tư, rất nhiều giao dịch trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay còn mang yếu tố nước ngoài, gây khó khăn trong việc giải quyết các yêu cầu và tranh chấp khi quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm.

“Vì những đặc điểm trên, pháp luật nên xây dựng những quy định riêng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ chuyển đổi số. Tuy nhiên, các quy định này cần được cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp với sự phát triển không ngừng của hình thức thương mại điện tử và phù hợp với xu hướng chung của thế giới”, luật sư Tuấn Anh nêu quan điểm.

Nhấn mạnh những khó khăn trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Giám đốc công ty luật Minh Bạch cho rằng, việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nước ta hiện nay chưa đặt hiệu quả cao có một phần nguyên nhân đến từ những khó khăn trong công tác thực thi pháp luật. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện chức năng, quyền hạn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Ông Tuấn Anh dẫn giải: "Rất nhiều người tiêu dùng không tự ý thức được việc quyền lợi của mình bị xâm phạm hoặc biết rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm nhưng nghĩ gây ra thiệt hại nhỏ. Do tâm lý e ngại việc gửi yêu cầu, tố cáo đến các cơ quan quản lý Nhà nước của người tiêu dùng nên chuỗi hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng không được các cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời.

Ngoài ra do sự phát triển của hình thức thương mại điện tử, nhiều người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi khi tham gia vào các giao dịch thông qua Internet. Nhưng khi các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra địa chỉ và các thông tin mà tổ chức bán hàng hóa, dịch vụ cung cấp thì phát hiện các thông tin này đều là giả mạo, gây khó khăn trong việc xác minh, ngăn chặn;

Trong khi đó, các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay còn chưa chặt chẽ, còn nhiều mâu thuẫn với Bộ luật dân sự, Luật Thương mại và các văn bản luật khác, khiến cơ sở của việc thực thi pháp luật không rõ ràng. Các chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này vẫn chưa đủ sức răn đe, khiến số hành vi xâm hại quyền lợi người tiêu dùng ngày càng tăng, tính chất ngày một tinh vi, phức tạp".

Hiện nay, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Bộ Công Thương chủ trì xây dựng và được Quốc hội đưa ra thảo luận. Theo các chuyên gia quốc tế, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) phù hợp với quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt là tiến trình chuyển đổi số...

Với nội dung “Bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch trên nền tảng số”, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch trên nền tảng số được quy định tại Điều 38, 39, 40.

Cụ thể, dự thảo quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng phải cung cấp chính xác và đầy đủ cho người tiêu dùng những thông tin: Tên, địa chỉ liên hệ, số điện thoại liên hệ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc của đại diện theo pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam (nếu có).

Ngoài ra, phải cung cấp thông tin giá cả, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; chi phí giao hàng (nếu có); phương thức thanh toán, phương thức giao hàng, cung cấp dịch vụ; điều kiện và phương thức đổi, trả hàng; thời gian có hiệu lực của đề nghị giao dịch; quy trình xử lý việc trả lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết; quy trình tiếp nhận và xử lý khiếu nại của người tiêu dùng...

Theo một cán bộ Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), dự thảo luật còn quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh giao dịch từ xa phải thông tin cụ thể về các khoản phí, chi phí thuế giá trị gia tăng, cách thức tính phí, chi phí có thể phát sinh cho người tiêu dùng. Cùng với đó, các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong những giao dịch trên không gian mạng cũng được quy định cụ thể trong dự thảo luật.

Ngày 25/10 vừa qua, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trình bày tờ trình về dự Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 đã thi hành được 12 năm và đến nay có nhiều bất cập bộc lộ.

Cụ thể như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng chưa được quy định hoặc có quy định nhưng theo hướng riêng rẽ, chưa có sự kết nối thống nhất. Các yêu cầu, việc phân loại tính chất, mức độ khuyết tật của hàng hóa và việc kiểm soát chưa được quy định phù hợp đã tạo khó khăn cho quá trình thực thi của cả cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Các quy định liên quan đến hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chưa thực sự chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng…

Đặc biệt là trong bối cảnh thời đại 4.0, khi sự phát triển không ngừng của Internet càng làm gia tăng vai trò của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Cùng với đó, một số quy định còn thiếu tính linh hoạt, không cho phép tính toán đến hoàn cảnh, lĩnh vực kinh doanh đặc thù của từng loại thị trường.

Cũng theo Bộ trưởng Diên, hiện các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa được quy định phù hợp và đầy đủ khiến nhiều khiếu nại không được giải quyết.

Cạnh đó, một số quy định hiện chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh – tiêu dùng có tính “truyền thống” mà chưa tính đến mô hình kinh doanh trong điều kiện chuyển đổi số.

Từ đó theo Bộ trưởng Diên, dự thảo luật đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng.

Thành Lâm

Tin mới