Tại họp báo, Thiếu tướng Lưu Quang Vụ - Phó cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) - cho biết sự cần thiết xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Theo đó, ngày 19/5/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh, công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào củng cố, xây dựng thế trận khu vực phòng thủ, tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội.
Trung tướng Nguyễn Văn Đức - Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) phát biểu khai mạc họp báo.
Tuy nhiên, sau gần 30 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập, như: Việc xác định phạm vi, ranh giới bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự chưa được quy định cụ thể, rõ ràng; còn xảy ra hiện tượng lấn chiếm, xâm canh trái phép vào phạm vi được giao quản lý, bảo vệ; công tác phối hợp giữa các địa phương với Bộ Quốc phòng và các đơn vị Quân đội trong xác định phạm vi, ranh giới để tổ chức quản lý, bảo vệ chưa được triển khai đồng bộ; việc xây dựng các quy hoạch, cấp phép hoạt động ở một số dự án phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý người nước ngoài cư trú ở một số địa phương, khu vực có liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự chưa chặt chẽ…
Đồng thời, Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 quy định: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".
Việc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có các quy định hạn chế quyền đi lại, hoạt động của cá nhân, tổ chức trong một số trường hợp nhất định, hiện nay chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật.
Quang cảnh họp báo.
Bên cạnh đó, thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung; trong đó, có nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, như: Luật Đất đai năm 2013; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; Luật Quy hoạch năm 2017; Luật Đầu tư năm 2020; Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi bổ sung năm 2020….
Tuy nhiên, do Pháp lệnh được ban hành từ năm 1994 nên có nhiều nội dung quy định không còn phù hợp, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.
Thực tiễn cho thấy, qua các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới gần đây, bên cạnh các yếu tố về lực lượng và vũ khí trang bị tham gia chiến tranh thì các công trình quốc phòng và khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong tác chiến phòng thủ.
Từ những lý do trên, việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của Pháp lệnh; đồng thời, để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Phóng viên nêu câu hỏi về quá trình xây dựng dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được xây dựng từ giữa năm 2022. Quá trình xây dựng dự luật, Ban soạn thảo dự án luật đã tiến hành khảo sát, hội thảo tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lấy ý kiến của 48 ban, bộ, ngành, địa phương; xin ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân trong và ngoài nước.
Dự luật được xây dựng gồm 6 chương, 34 điều; với 4 nhóm chính sách: Hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự và nội dung quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự của các công trình quốc phòng và khu quân sự; chuyển mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự; chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và địa bàn khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Tại họp báo, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và Anh ninh Quốc hội - đã thông tin những nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án luật; đại diện các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng trả lời câu hỏi của phóng viên xung quanh quá trình xây dựng và nội dung dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Theo kế hoạch, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến đối với dự án luật lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 5 tới và thông qua tại kỳ họp thứ 6.