Theo Military Watch, Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia (RAAF), chuẩn bị triển khai các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35A tới Indonesia vào tháng 9/2023, trong khuôn khổ cuộc tập trận song phương Elang AUSINDO 2023. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên các máy bay chiến đấu hàng đầu của Australia hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á.
Thông tin về việc F-35 tham gia các cuộc tập trận với Australia, diễn ra ngay sau đợt triển khai đầu tiên của những chiếc máy bay ném bom chiến lược liên lục địa B-52H. Trước đó, vào ngày 19/6 những chiếc B-52H của Không quân Mỹ đã hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Kualanamu trên đảo Sumatra, dưới sự hộ tống của các máy bay chiến đấu F-16 của Indonesia.
Theo các chuyên gia quân sự, cả hai đợt triển khai vũ khí của phương Tây nhằm mục đích tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực Đông Nam Á và sẵn sàng đối phó với lực lượng quân đội Trung Quốc.
Mặc dù Indonesia từ lâu đã có lập trường thân phương Tây, nhưng chính phủ nước này cũng luôn tìm cách duy trì quan hệ tích cực với Bắc Kinh, bằng chứng là họ đã từ chối yêu cầu của Washington về việc triển khai máy bay thường trực kể từ thời chính quyền cựu Tổng thống Barak Obama.
F-35 của Không quân Hoàng gia Australia
Các cuộc tập trận Elang AUSINDO bắt đầu lần đầu tiên vào năm 1995 và lần gần nhất diễn ra vào năm 2019, khi đó RAAF đã triển khai các máy bay chiến đấu F-18F Super Hornet tới Indonesia. Các nguồn tin cho biết cuộc tập trận sắp tới sẽ chứng kiến các máy bay F-35 từ Phi đội số 75 của RAAF, phối hợp cùng với các máy bay F-16C của Không quân Indonesia thuộc phi đội số 3.
Australia không chỉ là khách hàng quan trọng của F-35 mà còn là đối tác trong chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm này. Chương trình đã cung cấp cho Australia loại máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới, được sản xuất và trang bị rộng rãi ở cấp phi đội.
Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ không phận của Indonesia được giao chủ yếu cho các máy bay Su-27 và Su-30 mua từ Nga, cả hai loại máy bay này đều không thuộc các biến thể hiện đại. Trong khi đó, những chiếc F-16 mà Indonesia mua từ Mỹ cũng bị đánh giá là rất hạn chế do thiếu khả năng không đối không ngoài tầm nhìn.
Những nỗ lực hiện đại hóa phi đội của Indonesia gặp nhiều khó khăn, bởi sự kiểm soát chặt chẽ đối với các loại vũ khí được phép mua mua từ Mỹ. Một số chuyên gia cho rằng đó như là một chính sách được thiết kế để đảm bảo lợi ích của Australia và Singapore, hai đồng minh và là hai khách hàng quan trọng của Mỹ trong khu vực. Bên cạnh đó là sự đe dọa trừng phạt kinh tế của Mỹ nếu Indonesia tiếp tục các kế hoạch trước đó để mua các máy bay chiến đấu hiện đại như Su-35 từ Nga.
F-16 của Không quân Indonesia.
Những chiếc F-16 của Indonesia không thể kết nối với những chiếc F-35 để hoạt động chung, tuy nhiên việc triển khai F-35 ở nước này được xem là tạo cơ sở tiền đề cho cả RAAF và Không quân Mỹ, sử dụng lãnh thổ Indonesia cho các hoạt động của máy bay chiến đấu tàng hình trong tương lai.
Các thương vụ mua sắm vũ khí trong tương lai của Không quân Indonesia vẫn rất khó đoán, vì lực lượng này đã liên tục thể hiện sự quan tâm và thậm chí đã ký không ít thỏa thuận sơ bộ để mua nhiều loại máy bay chiến đấu bao gồm Su-35 của Nga, KF-21 của Hàn Quốc, F-15EX của Mỹ và Rafale của Pháp.
Nhiều người suy đoán rằng nước này đang chờ cơ hội mua Su-35 hoặc có thể là một dòng máy bay chiến đấu hạng nặng khác của Nga, trong điều kiện Indonesia có thể né tránh lệnh trừng phạt của Mỹ và thiết lập các phương thức thanh toán an toàn hơn với Nga.
Chính quyền trung ương Indonesia cũng đã thực hiện các biện pháp đáng chú ý kể từ giữa năm 2022 để cố gắng bảo vệ nền kinh tế của mình khỏi các nỗ lực chiến tranh kinh tế có thể xảy ra của phương Tây.