Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những vũ khí sẽ được 'nâng tầm' sau xung đột Nga - Ukraine

(VTC News) -

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã cho thấy những loại vũ khí nào thực sự hiệu quả trên chiến trường, chúng sẽ tác động không nhỏ đến chiến tranh trong tương lai.

Trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, một số vũ khí chủ lực được kỳ vọng nhiều nhất trên chiến trường như xe tăng, máy bay chiến đấu và pháo phản lực đã không phát huy được hiệu quả, không những vậy chúng còn bị phá hủy một cách dễ dàng.

Trong khi đó, tên lửa, máy bay không người lái và vũ khí chống tăng đã thể hiện hiệu quả ngoài mong đợi. Ngoài ra, một số loại vũ khí khác, chẳng hạn như vũ khí laser có thể bảo vệ các thành phố và vũ khí bắt tín hiệu vô tuyến dù rất cần thiết, nhưng hiện vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển.

Dưới đây là năm loại vũ khí được các chuyên gia của tạp chí Popular Mechanics nhận định trong tương lai gần sẽ được sử dụng rộng rãi.

Ảnh minh họa vũ khí laser.

Vũ khí laser

Cuộc xung đột Nga - Ukraine có sự tham gia của cả vũ khí không dẫn đường và vũ khí dẫn đường chính xác “thông minh” dưới dạng súng cối, lựu pháo, hệ thống tên lửa phóng loạt và tên lửa hành trình tấn công mặt đất. Trong cuộc xung đột này, Nga đã sử dụng tới 60.000 quả đạn pháo và tên lửa mỗi ngày để tấn công vào các mục tiêu quân sự của Ukraine.

Trong lịch sử chiến tranh, có rất ít các biện pháp phòng thủ trước các cuộc tấn công của pháo binh và máy bay ném bom, chủ yếu là phá hủy các phương tiện phóng của chúng. Những năm gần đây, Mỹ và Israel đã tập trung nghiên cứu, phát triển vũ khí laser như một phương tiện bảo vệ quân đội trên chiến trường.  

Tia laser được phóng ra từ thiết bị phát laser có lượng đạn hầu như không giới hạn, có thể nhanh chóng nhắm và tiêu diệt nhiều mục tiêu chỉ trong vài giây. Trong cuộc xung đột ở Ukraine, hệ thống phòng thủ bằng laser đã phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ những mục tiêu phi quân sự.

Tên lửa chống bức xạ AGM-88 của Mỹ.

Vũ khí chống bức xạ

Tên lửa dẫn đường chống bức xạ tiên tiến được gọi là AARGM, là tên lửa có thể nhắm mục tiêu vào các hệ thống radar của đối phương. Trong tương lai, các tên lửa này sẽ được phóng từ xe bọc thép và nhắm vào các phương tiện phát ra bức xạ điện từ của đối phương.

Một lợi thế lớn của Nga so với Ukraine là lĩnh vực tác chiến điện tử. Từ lâu Nga đã ưu tiên sử dụng các tín hiệu gây nhiễu mạnh có khả năng can thiệp vào radar, GPS và thông tin liên lạc chiến trường của đối phương. 

Một báo cáo gần đây cho rằng tác chiến điện tử của Nga đã gây nhiễu thông tin liên lạc làm suy yếu khả năng phòng thủ của quân đội Ukraine. Nga cũng phát các tín hiệu vô tuyến của riêng mình, bao gồm radar phòng không, tín hiệu điều khiển máy bay không người lái và thông tin liên lạc quân sự không dây, liên kết toàn bộ chiến dịch quân sự với nhau.

Trong khi đó, Ukraine có lợi thế ở khả năng phát hiện và tấn công những hệ thống phát tín hiệu điện từ mạnh của Nga. Tên lửa chống bức xạ (ARM) có khả năng phát hiện và phá hủy các radar, phương tiện gây nhiễu, xe thông tin liên lạc, không chỉ cho phép các lực lượng Ukraine phối hợp tốt hơn mà đôi khi khiến đối phương bị “mù” và có thể bắn trượt mục tiêu. Dự kiến ​​​​ARM được đưa vào sử dụng trong vòng năm năm tới.

Pháo phản lực HIMARS.

Tên lửa dẫn đường

Một trong những vũ khí hiện đại nhất nổi lên trong cuộc xung đột Nga - Ukraine là hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) của Mỹ cung cấp cho Ukraine.

HIMARS là một hệ thống phóng tên lửa được gắn trên khung gầm xe tải hạng trung, nó có thể nhanh chóng di chuyển đến vị trí khai hỏa, phóng 6 tên lửa GMLRS dẫn đường chính xác với tầm bắn 70km và cũng rút lui nhanh chóng để tránh hỏa lực phản công của đối phương. Uy lực của HIMARS vượt xa các loại pháo thông thường, bao gồm cả đại bác hoặc lựu pháo tự hành 2S19 Msta.

Ukraine vẫn đang sử dụng HIMARS để đánh chặn hoặc tấn công các mục tiêu có giá trị cao của Nga ở phía sau chiến tuyến, phá huỷ nguồn tiếp tế và sự hỗ trợ của pháo binh. 

 Hiện rất ít quốc gia bên ngoài NATO có tên lửa dẫn đường chính xác, nhưng sự thành công của HIMARS sẽ khiến nhiều quốc gia trên thế giới mong muốn được sở hữu loại vũ khí này.

Máy bay không người lái của Nga

Máy bay không người lái

Trong những ngày đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt, máy bay không người lái (UAV) rất quan trọng trên chiến trường đối với quân đội Ukraine, UAV giúp quân đội Kiev tiến hành trinh sát dọc theo tiền tuyến, phát hiện các lực lượng và thiết bị của Nga, đồng thời chỉ đạo hỏa lực pháo binh từ xa bắn phá.

Chiến trường Ukraine không phải là nơi đầu tiên sử dụng máy bay không người lái cho các nhiệm vụ giám sát, nhưng sẽ là nơi ghi dấu vai trò của loại vũ khí này. Đặc biệt, khi quân đội Ukraine đã sử dụng cả các loại máy bay không người lái dân sự để kiểm tra, giám sát và tấn công các mục tiêu trên chiến trường. 

Những máy bay không người lái này cho phép các đơn vị nhỏ như cấp trung đội (30 - 40 người) kịp thời phát hiện và đối phó trước những lực lượng mạnh hơn.

Một máy bay không người lái có thể được tích hợp kính ngắm quang học kỹ thuật số hiện đại và hệ thống liên kết dữ liệu an toàn, giúp cho các đơn vị tác chiến tầm nhìn bao quát trên chiến trường và khả năng xâm nhập phía sau chiến tuyến của đối phương.  

Những kinh nghiệm và hiệu quả của máy bay không người lái trên chiến trường Ukraine có thể khiến quân đội các nước NATO, Trung Quốc, Hàn Quốc, hoặc Nhật Bản xem xét đưa vào sử dụng trong thập kỉ này.

Mạng vệ tinh Starlink.

Mạng vệ tinh

Theo New York Times, trong cuộc chiến tại thành phố Mariupol hồi tháng 4/2022, các máy bay trực thăng Ukraine đã phải thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm là chở theo vũ khí chống tăng và bộ thu Internet vệ tinh Starlink tới thành phố.

Thiết bị này vô cùng có ích cho các lực lượng quân sự và dân sự mắc kẹt trong máy thép Azovstal - nơi bị Nga bao vây. Thiết bị được kết nối trực tiếp với các vệ tinh ở trên cao cho phép phủ sóng tại những nơi cáp Internet không thể vươn tới hoặc cơ sở hạ tầng mạng ở những nơi có xung đột. Nó có vai trò như một phương tiện dự phòng cho liên lạc quân sự của Ukraine.

Dù hệ thống Starlink có thể không đảm bảo đủ an toàn để xử lý các thông tin liên lạc quân sự nhạy cảm, nhưng nó sẽ tạo tiền đề cho việc phát triển một phiên bản thu phát sóng vệ tinh dành riêng cho quân đội trong tương lai.

Lê Hưng (Nguồn: Popular Mechanics)

Tin mới