Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ka-52 và UAV Lancet sẽ ‘hết thời’ khi hệ thống phòng không IRIS-T tới Ukraine?

(VTC News) -

Trước những thiệt hại do chiếc trực thăng Ka-52 và UAV cảm tử của Nga gây ra, phương Tây đã phải viện trợ hệ thống phòng không IRIS-T SLM cho Ukraine.

Kể từ khi bắt đầu cuộc phản công của Ukraine vào đầu tháng 6/2023, những chiếc trực thăng tấn công Kamov Ka-52 của Nga thực sự là “cơn ác mộng” không những đối với binh lính Ukraine, mà các loại xe tăng như Leopard, xe chiến đấu bộ binh Bradley, xe tăng AMX-10 của Pháp và nhiều phương tiện kỹ thuật khác.

Ngoài Ka-52, thì máy bay cảm tử Lancet cũng mang lại nỗi kinh hoàng đối với binh lính Ukraine. Lancet là một loại máy bay không người lái có kích thước nhỏ, nhưng khả năng hủy diệt của nó đã được chứng minh rất hiệu quả trên chiến trường Ukraine.

Một số chuyên gia quân sự chỉ ra rằng, Ka-52 và Lancet là mối đe dọa chính đối với quân đội Ukraine trên chiến trường. Trong khi đó việc sử dụng tên lửa phòng không đắt tiền để bắn hạ chúng không phải là lựa chọn hiệu quả.

Để giúp quân đội Ukraine đối phó với những vũ khí trên, các nước phương Tây đã gửi các hệ thống phòng không tiên tiến cho Kiev, đáng chú ý nhất trong đó là hệ thống phòng không IRIS-T SLM do Đức sản xuất.

IRIS-T là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung của Đức, được thiết kế để tiêu diệt tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay không người lái. Hệ thống phòng không IRIS-T bao gồm trung tâm điều khiển, radar và thiết bị phóng tên lửa.

Bệ phóng được lắp đặt trên khung gầm xe bánh lốp (MAN 8×8) hoặc bánh xích (BvS10) mang theo 4 hoặc 8 thùng chứa tên lửa để phóng thẳng đứng.

Các thiết bị đối phó điện tử trên Ka-52.

Tên lửa này cũng được trang bị thiết bị tìm kiếm hình ảnh hồng ngoại (IIR) với độ chính xác cao và khả năng chống tại các hệ thống tác chiến điện tử của đối phương. Động cơ nhiên liệu rắn với điều khiển vector đẩy giúp nó có khả năng tấn công các mục tiêu có sự cơ động cao.

Tên lửa IRIS-T SLM được chuyển giao cho Ukraine sử dụng công nghệ dẫn đường tiên tiến, bao gồm GPS và INS có khả năng dẫn đường tự động. Tên lửa này cũng sử dụng liên kết dữ liệu tần số vô tuyến để cập nhật dữ liệu mục tiêu theo thời gian thực từ hệ thống radar bên ngoài.

Tên lửa sử dụng đầu dò hồng ngoại thụ động có độ chính xác cao để phát hiện và theo dõi mục tiêu, nâng cao độ chính xác và khả năng phục hồi trước các biện pháp đối phó của đối phương. Thông thường, hệ thống IRIS-T SLM không có trạm phát hiện mục tiêu quang học dành cho thiết bị ngắm bắn laser. Bởi tên lửa IRIS-T SLM có thể nhắm mục tiêu ở khoảng cách lên tới 40 km, việc nhận dạng mục tiêu bằng tia laser ở khoảng cách như vậy là không hiệu quả.

UAV Lancet-3.

Ka-52 và Lancet rất có thể là mục tiêu

Đã có nhiều ý kiến thắc mắc việc tích hợp các hệ thống dẫn đường bằng laser vào tên lửa IRIS-T SLM. Một số chuyên gia quân sự cho rằng việc bổ sung tên lửa dẫn đường bằng laser bán chủ động là một động thái chiến lược nhằm tăng cường thêm khả năng tác chiến cho hệ thống phòng không. Tương tự như hệ thống vũ khí tiêu diệt chính xác tiên tiến AGR-20 (APKWS), hệ thống này cũng sử dụng thiết bị chiếu sáng laze để theo dõi mục tiêu trên không.

Về mặt lý thuyết, việc bổ sung thêm bệ phóng APKWS cho các hệ thống phòng không sẽ giúp tăng khả năng phát hiện và tiêu diệt mục tiêu. APKWS được xem là một giải pháp hiệu quả về mặt kinh tế, nó có thể đánh chặn các mối đe dọa từ trên không như máy bay không người lái hoặc các loại tên lửa.

Tên lửa dẫn đường bằng laser có thể đánh chặn nhiều loại mục tiêu trên không. Thông qua hệ thống dẫn đường laser, tên lửa sẽ đi theo chùm tia laser hướng vào mục tiêu, mang lại độ chính xác cao trong quá trình tác chiến. Ngoài ra, tên lửa dẫn đường bằng laser được đánh giá hiệu quả hơn so với các loại hệ thống dẫn đường khác, trong việc tiêu diệt các mục tiêu di chuyển nhanh.

Hệ thống phòng không IRIS-T SLM.

Biện pháp đối phó

Máy bay trực thăng vẫn có cơ hội để thoát khỏi một cuộc tấn công của tên lửa dẫn đường bằng laser. Ví dụ, hệ thống điện tử hàng không của trực thăng Ka-52 được trang bị một máy thu cảnh báo laser, có thể phát hiện kịp thời chùm tia laser nhắm vào máy bay. Khi máy thu cảnh báo laser phát hiện ra tia laser, nó sẽ cảnh báo cho phi công và kích hoạt các hệ thống đối phó của trực thăng.

Hệ thống đối phó của Ka-52 bao gồm pháo sáng và mồi bẫy nhiệt được phóng ra để gây nhiễu cho hệ thống dẫn đường trên các loại tên lửa dẫn đường bằng laser. Pháo sáng và nhiệt tạo ra mục tiêu giả đánh lừa tên lửa, khiến nó không còn nhắm mục tiêu vào trực thăng.

Ngoài ra, Ka-52 cũng được trang bị thiết bị gây nhiễu hồng ngoại có thể phá vỡ hệ thống dẫn đường trên các loại tên lửa dẫn đường bằng laser. Thiết bị gây nhiễu sẽ phát ra tín hiệu làm cản trở khả năng theo dõi mục tiêu của tên lửa.

Tuy nhiên, những người lính Ukraine vẫn có thể sử dụng các loại tên lửa dẫn đường bằng laser bắn hạ được Ka-52, vì các biện pháp đối phó của trực thăng không phải lúc nào cũng hiệu quả. Bên cạnh đó, các loại UAV như Lancet cũng không có khả năng đối phó với các loại tên lửa dẫn đường bằng laser như trực thăng Ka-52, vì vậy những tên lửa này được xem là lựa chọn hoàn hảo cho quân đội Ukraine trong tình hình hiện nay.

Lê Hưng (Bulgarian Military)

Tin mới