Hai cuộc tấn công nữa bằng tàu không người lái trên biển diễn ra vào ngày 16 và 17/7 ở phía bắc Biển Đen và Cầu Kerch, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Hải quân Nga, khiến lực lượng này phải đẩy nhanh kế hoạch nâng cấp tất cả các tàu chiến của mình.
Sau cuộc tấn công mới nhất này, chính phủ Nga đã rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc biển Đen. Đây là thỏa thuận 4 bên giữa Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc (LHQ) cho phép xuất khẩu lương thực từ các cảng ở Biển Đen của Ukraine.
Một báo cáo trên tờ Izvestia cho biết “các hệ thống tác chiến điện tử (của Nga) đã được bổ sung cùng với các điểm bắn đặc biệt” để bảo vệ các con tàu và cơ sở hạ tầng khỏi sự tấn công của tàu không người lái (USV) trên biển.
Các cuộc tấn công bằng USV
Bốn trong sáu cuộc tấn công được tiến hành bởi các USV là nhằm vào hạm đội hải quân Nga, bao gồm cả cuộc tấn công ngày 16/7 vừa qua, xảy ra ở phía bắc biển Đen, gần thành phố Sevastopol - nơi đóng quân của Hạm đội biển Đen.
Cuộc tấn công đầu tiên xảy ra vào tháng 10/2022 với 9 máy bay không người lái và 7 USV trên biển; nỗ lực thứ hai diễn ra vào ngày 23/3/2023 với 3 USV, trong khi đợt tấn công thứ ba xảy ra vào ngày 24/4 chỉ có hai USV tham gia.
Cầu Kerch bị hư hại sau vụ tấn công.
Cuộc tấn công thứ tư được ghi nhận vào ngày 12/6. Bộ Quốc phòng Nga cho biết tàu thu thập thông tin tình báo Priazovye đã bị tấn công bởi 6 tàu không người lái trên biển Đen.
Cuộc tấn công thứ năm diễn ra vào sáng sớm ngày 16/7, với sự tham gia của 7 UAV và 2 USV. Lực lượng phòng không và Hạm đội biển Đen Nga đã kịp thời ngăn chặn và không có thiệt hại nào được ghi nhận. Một đoạn video cũng được công bố cho thấy các loạt đạn từ nhiều hướng khác nhau đã bắn hạ một chiếc USV.
Mới đây nhất là cuộc tấn công trong đêm ngày 17/7 của 2 USV vào cầu Kerch, cuộc tấn công này đã phá hủy một đoạn của cây cầu dài 18 km nối Nga với bán đảo Crimea. Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS cho biết, cuộc tấn công đã khiến hai người lớn thiệt mạng và làm bị thương một đứa trẻ.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga về cuộc tấn công ngày 16/7 cho biết, các hệ thống phòng không và chiến tranh điện tử Nga đã tiêu diệt các phương tiện không người lái cả trên biển và trên không, ở khoảng cách rất xa so với bờ biển. Trong đó hệ thống tác chiến điện tử đã ngăn chặn 5 UAV, 2 chiếc USV còn lại bị tiêu diệt bởi hỏa lực súng máy 14,5 mm trên các tàu chiến.
Trang tin Izvestia dẫn nguồn tin quân sự Nga cho biết, một số tàu chiến và tàu ngầm của Nga đã trải qua quá trình hiện đại hóa, trong đó có một tàu đổ bộ.
Căn cứ Hạm đội biển Đen tại Sevastopol.
Trang bị vũ khí cụ thể cho các tàu vẫn chưa được tiết lộ, nhưng một số chuyên gia quân sự Nga cho biết, đó có thể sẽ là sự kết hợp của hệ thống quan sát quang học, radar, thủy âm nhằm tạo ra một lớp bảo vệ xung quanh mỗi con tàu.
Dữ liệu thu được từ các thiết bị bảo vệ sẽ được truyền đến các trạm xử lý và nhanh chóng chuyển thông tin đến các hệ thống vũ khí, để kịp thời ứng phó với mối đe dọa.
Hải quân Nga căng thẳng để đối phó với USV
Theo các chuyên gia phân tích, Ukraine không quan tâm đến sự thành công hay thất bại sau mỗi cuộc tấn công, mà điều họ mong muốn là làm suy yếu tinh thần của các thuỷ thủ Nga bằng cách khiến họ luôn trong tình trạng căng thẳng. Đồng thời hoạt động của Ukraine nhằm tìm ra những lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của các tàu chiến Nga, để điều chỉnh về mặt kỹ thuật và chiến thuật cho các USV tấn công.
“Đối phương rất linh hoạt. Họ tích cực sử dụng máy bay không người lái trên không, cũng như đưa vào sử dụng những chiếc tàu không người lái trên mặt nước”, chuyên gia quân sự Samuel Bendett cho biết.
Tàu không người lái (USV).
Samuel Bendett, chuyên gia quân sự của Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ (CNA) cho biết, “các USV tấn công cảm tử của Ukraine được thiết kế nhỏ gọn và rất cơ động, hiện vẫn chưa có các biện pháp đối phó hiệu quả với những thiết bị này. Quân đội Nga và Ukraine đều đang tích cực nghiên cứu từ sau mỗi cuộc tấn công. Phía Nga thì tìm cách làm thế nào để ngăn chặn, tiêu diệt các USV, trong khi Ukraine lại tìm kiếm những điểm dễ bị tổn thương của Nga”.
Ông Bendett nói với EurAsian Times, “Thực tế là Ukraine đang khiến Hải quân Nga phải “trả giá đắt” bằng cách dùng các USV nhỏ, giá rẻ nhằm vào các tàu và cơ sở hạ tầng quan trọng. Để bảo vệ và chống lại các cuộc tấn công như vậy có nghĩa là quân đội Nga phải luôn trong tình trạng cảnh giác và mức độ căng thẳng cao”.
Một phân tích trước đó của EurAsian Times sau cuộc tấn công ngày 24/4 chỉ ra rằng, Ukraine có một kho USV khá lớn nhưng họ chưa thực sự sử dụng. Có lẽ Ukraine sẽ sử dụng chúng một cách tiết kiệm và có chiến lược trong thời gian tới.
Trong khi đó, những người lính hải quân Nga cũng đã phải căng thẳng đối phó với các cuộc tấn công kéo dài bởi các USV Ukraine. Trong một cuộc phỏng vấn với trang tin Pravda vào ngày 24/4, một người lính Nga cũng chỉ ra sự nguy hiểm của những chiếc USV: “Những chiếc tàu nhảy qua những con sóng, liên tục thay đổi hướng đi. Đây là vũ khí khá nguy hiểm và cần phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp đối phó”.