Điều gì đã xảy ra với rừng phòng hộ ven biển Bình Định?
Mất rừng kéo theo hệ lụy mất đất, xâm nhập mặn, giảm nước ngầm và thiệt hại do thiên tai gây ra là khó lường… Minh chứng rõ nhất chính là những gì mà hiện nay hàng trăm hộ dân các thôn thuộc xã Mỹ Thắng, Mỹ An (Phù Mỹ) và xã Cát Khánh (Phù Cát) đang ngày ngày phải gánh chịu.
Bờ biển đi qua 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ có chiều dài hơn 50 km. Cách đây hơn 5 năm về trước, dọc bờ biển này là những cánh rừng phòng hộ phi lao dày đặc, xanh tốt, là niềm tự hào bao đời nay của người dân.
Đây là những cánh rừng được người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ hàng chục năm và đã trở thành bức tường thành ngăn chặn nạn “cát bay”, là “lá phổi" của hàng vạn gia đình ở các vùng ven biển này. Thế nhưng, bây giờ bờ biển chỉ còn sơ xác những bóng cây.
Biến mất rừng dương, sóng biển bắt đầu xâm thực, cuốn trôi các con đê bao quanh ao tôm. Nhiều ngôi nhà, ao tôm đứng trước nguy cơ bị cuốn đi, để lại những con người chật vật với cuộc sống thiếu trước hụt sau.
Ông Nguyễn Thịnh Vượng (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) dõi mắt ra cánh rừng ven biển chỉ còn trơ những gốc cây to ngao ngán than thở: “Rừng dương chắn cát, chắn gió ven biển, có cây được trồng từ năm 1957. Nhưng nay tấm bình phong xanh che chở cho dân làng trước những trận cuồng phong của biển đã bị đào cả gốc. Mới đầu mùa khô mà cát đã bay mù mịt, phủ lấp hết vườn tược. Cứ đà này rồi cát cũng phủ kín làng”.
Theo các bậc lão niên ở thôn 9 (xã Mỹ Thắng, Phù Mỹ), khác với khu vực miền núi chỉ cần trồng vài năm là thấy được rừng, ở ven biển đôi khi mất cả chục năm trời, chức năng phòng hộ của rừng mới phát huy. Vậy mà những cánh rừng phi lao hàng chục năm tuổi đó bị đốn chặt để làm dự án năng lượng mặt trời, để khai thác titan, rồi còn bị “đốn nhầm”.
Vành đai phòng hộ ngăn gió và bão cho làng quê từ bao đời nay bị phá bỏ. Thảm thực vật bị hủy hoại, nguồn nước ngầm cạn kiệt, những núi cát được hình thành tạo ra những vết sẹo lồi lõm ven biển.
Chưa bao giờ người dân sống cạnh biển lại thấy âu lo về tình trạng sạt lở, biển xâm thực và hứng chịu nạn cát bay như hiện nay. Các cơn bão những năm gần đây đi qua vùng ven biển này đều để lại hậu quả nặng nề. Nhiều hàng quán, nhà cửa, cây cối dọc tuyến đường bị quật ngã nằm la liệt. Cát biển bị sóng cuốn phăng lên bờ, tràn lên đường và vào tận nhà dân.
Có nhìn thấy hình ảnh những bức tường rào được xây dựng kiên cố của nhà dân đổ nhào do sóng lớn, triều cường tại các làng chài ven biển thuộc thôn 9 và thôn 8 Đông, xã Mỹ Thắng mới thấu được nỗi lo của hàng trăm hộ dân ở đây.
Trước đây, bờ biển nằm cách xa khu dân cư khoảng hơn 200 m, nhưng nay có nơi chỉ còn cách khoảng 20 m. Diện tích đất dọc bờ biển ngày càng bị thu hẹp dần do sóng biển “ngoạm” mất từng ngày.
'Cái chết đầy ẩn ức' của những cánh rừng phòng hộ ven biển Bình Định
Rừng phòng hộ 'chết oan' ở Bình Định: Phá rừng để phát triển kinh tế?
Tại thôn An Quang Đông thuộc xã Cát Khánh (Phù Cát), tình trạng sạt lở bờ biển cũng nghiêm trọng chẳng kém. Nhìn dọc bờ biển phía Nam Cảng cá Đề Gi, thấy chỏng chơ dày đặc những gốc cây dương cổ thụ vốn là rừng phòng hộ ven biển đã bị sóng “đào” đến trốc gốc, nằm khô khốc; những quán ăn, nhà ở nằm sát bờ biển bị sóng “ngoạm” đất đến sát chân móng.
Nhiều người dân ở thôn An Quang Đông cho biết, trước đây, hiện tượng xâm thực thường xảy ra từ tháng 11 đến tháng 12 hàng năm, đến tháng 3, tháng 4 năm sau thì biển tự bồi lấp.
Tuy nhiên, những năm gần đây, biển ăn sâu vào đất liền 50 - 70m thay vì 20 - 30m rồi tự bồi lấp lại như mọi khi. Nhiều hàng phi lao chắn sóng, phòng hộ ven biển đã bị sóng cuốn trôi, nhà cửa của người dân vì thế cũng ở gần mép sóng hơn.
Những bậc lão niên ở thôn An Quang Đông cho hay: Hồi năm 1984, bờ biển cách khu dân cư đến hơn 300 m, nay chỉ còn mấy chục mét. Thực trạng không còn rừng chắn sóng và tốc độ xâm thực của biển ngày một trầm trọng khiến người dân sống ven bờ luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ khi nghe tiếng sóng đánh ầm ào bào mòn dần bờ biển. Nhiều hộ gia đình nhà cửa xuống cấp, tạm bợ nhưng không buồn sửa sang do không biết phải di dời bất kỳ lúc nào.
“Trước đây, ra khỏi nhà là mịt mùng cả một rừng cây chắn sóng, chắn gió, dù có mưa lũ cũng còn yên tâm, nay mở mắt ra là nhìn thấy sóng nước, gia đình thường xuyên phải sống trong cảnh lo lắng bất an. Mặc dù cố gắng bám trụ nơi đất đai hương hỏa nhưng cứ thế này thì sớm muộn cũng phải tính đến chuyện di dời thôi” - cụ Nguyễn Thị Ái (76 tuổi, xã Mỹ Thành) than thở.
Không chỉ có nỗi lo biển xâm thực, người dân sống ven biển còn phải đối diện với nạn cát bay. Khi những khu rừng ven biển bị xóa sổ, cả một dải bờ biển thuộc hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát trở thành sa mạc cát.
Bên cạnh đó là sự xuất hiện của hàng trăm núi cát khổng lồ, nhiều núi cát nằm ngay các khu dân cư. Khắp nơi, cát ngày càng phủ dày, bụi cát bay mù mịt. Vào mùa nắng, người dân các địa phương này càng khốn khổ, cơ cực hơn với nạn cát bay, cát tràn.
Bà Nguyễn Thị Nga (ngụ thôn Hưng Tân, xã Mỹ Thành) chia sẻ: “Những loại cây được trồng để chắn gió bão ven biển không có nhiều giá trị kinh tế, nhưng, không có rừng dương thì những người sống ven biển sẽ phải hứng chịu sự khắc nghiệt của gió và cát.
Mùa hè hanh hao, gió mang theo… cát sẽ thổi thẳng vào mỗi nhà. Một cơn gió ào qua đúng bữa cơm thì chén canh và chén mắm sẽ đầy cát. Những ai từng ăn cơm trộn… cát sẽ thấm thía cảnh sống ven biển mà không có hàng dương. Còn mùa mưa thì gió ào ào rất kinh khủng có khả năng xô đẩy và cuốn phăng tất cả những vật dụng xung quanh ngôi nhà”.
Tạm rời những trăn trở của người dân vùng biển, tôi xách chiếc xe cà tàng đi một vòng, đứng bên bờ đầm Thị Nại nhìn qua Nhơn Hội, Nhơn Lý, Cát Tiến, chỉ thấy một màu vàng ngút mắt của cát.
Quanh đi quẩn lại chỉ thấy chính bóng tôi là bóng mát, rải rác xa xa những gốc dương còi cọc, cành lá bị phát trụi từ lúc nào.
Theo người dân xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ) vì sợ mất rừng phòng hộ ven biển gây ảnh hưởng đến môi trường sống, nhiều năm qua, không ít lần người dân huyện Phù Mỹ tụ tập đông người để phản đối, cản trở các dự án triển khai trên địa bàn.
Vậy nhưng, hàng chục héc-ta rừng phi lao được trồng vào những năm sau ngày thống nhất đất nước vẫn bị phá bỏ để nhường chỗ cho các nhà hàng, khách sạn, các công trình khác của Bình Định trong quá trình đô thị hóa.
Gần 70 tuổi, ông Nguyễn Văn Vân (xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) vẫn đều đặn ra biển, ông đã gắn bó với vùng đất này gần cả đời người. “Sóng biển ở đây hiền, nhưng đến mùa gió chướng thì tàn phá dữ lắm”.
Ông kể kể trước đây, muốn ra biển phải xuyên qua rặng dương liễu già. Nhiều nơi trước đây nếu đi hết tán cây rừng phi lao phòng hộ ven biển này thì sẽ gối mỏi chân chồn, thế mà giờ, sáng dậy, mở mắt ra chỉ thấy sóng bạc đầu lớp lớp xô tràn vô tận ngõ.
“Tôi nhớ như in khoảng từ năm 1980 trở về trước toàn bộ đồi cát ven biển được phủ bởi rừng. Có rất nhiều loài chim về sinh sống và làm tổ. Ngoài ra còn có nhiều loài thú và bò sát, các loài cá... Nước trong các bàu trũng xanh mát và sạch. Một môi trường sinh thái rất hoàn thiện và đẹp đẽ.
Vậy mà nay bãi biển Mỹ Thành quê tôi đã trở thành "vùng trắng", diện tích rừng đã bị phá sạch sành sanh, trừ vài hàng phi lao mọc trên đất của người dân địa phương”, ông Vân rầu rĩ.
Chuyện của ông đến đó thì khựng lại…
Sau 10 phút trầm ngâm, ông Vân nói bằng giọng sang sảng đặc trưng của người vùng biển: “Không ai chọn được cha mẹ và nơi mình sinh ra. Nhưng mỗi người có thể chọn cách bảo vệ hay tàn phá quê hương. Ở cái tuổi gần đất xa trời này, chắc tui sẽ không còn đủ thời gian nhìn thấy những cánh rừng hồi sinh trên biển Mỹ Thắng nữa. Giá trị của rừng trở nên quá "nhẹ" và đòn cân luôn lệch về phía lý do phát triển kinh tế”.
Ông Vân cho biết thêm, khu vực ven biển là nơi chịu tác động mạnh của thiên tai, triều cường và nước biển dâng gây xói lở bờ biển, cửa sông gây mất rừng và khó khăn trong trồng rừng.
Nhiều hiện trường trồng rừng ngày càng khó khăn do bãi bồi ngập nước sâu, khó gây bồi tạo bãi để trồng vậy nên dù người dân có nỗ lực đến mấy cũng khó để tìm lại màu xanh cho bờ biển.
Và trong những năm qua, để ngăn gió bão, tỉnh Bình Định đã chi số tiền không nhỏ để sửa chữa, khắc phục sự cố của các tuyến đê, bờ kè nhưng một giải pháp bền vững hơn là đầu tư trồng và bảo vệ nghiêm ngặt diện tích phòng hộ ven biển thì lại chưa được chú trọng.
Rừng được giao về cho địa phương bảo vệ, chăm sóc nhưng thực tế nhiều nơi bỏ hoang rừng, vì không có cơ chế tài chính, gắn với quyền lợi rõ ràng. Cây còi cọc, rừng nghèo nàn hệ sinh thái nên chính quyền không tiếc rẻ khi nhường đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác.
“Cây dương trên cát trồng lên được là quý lắm. Nếu cứ phát triển kinh tế mà lấn rừng trên cát thì đến lúc hối hận cũng không kịp. Trồng được rừng dương trên cát vài chục năm tuổi vậy đâu phải dễ dàng gì”, ông Vân nhẹ giấu tiếng thở dài tiếc nuối…
Công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, trong năm 2022, tỉnh Bình Định xảy ra 28 vụ phá rừng, với tổng diện tích hơn 8,6 ha. Đã xử lý 26 vụ, trong đó 6 vụ xử lý hình sự và 20 vụ hành chính.
Ngoài ra, trong năm 2022, tỉnh Bình Định còn xảy ra 9 vụ khai thác rừng trái phép với tổng khối lượng gỗ thiệt hại hơn 59 m3. Trong đó, đã xử lý hình sự 2 vụ, xử lý hành chính 6 vụ, còn 1 vụ thuộc khung hành chính nhưng không tìm được thủ phạm.
Gần đây nhất, cuối tháng 9, khoảng 4,92 ha rừng phòng hộ đầu nguồn tại xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, bị chính 2 cá nhân được giao khoán bảo vệ, chăm sóc tiến hành khai thác trái phép.
Đáng chú ý, việc khai thác rừng trái phép quy mô lớn này diễn ra từ trước năm 2020 và đã được trồng thay thế cây keo mới. Vụ việc chỉ được phát hiện khi Hạt Kiểm lâm nhận được đơn tố cáo và vào cuộc xác minh, có kết luận từ tháng 7/2023.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết, cá nhân ông cùng Sở NN&PTNT, kiểm lâm, UBND huyện Phù Mỹ đã đi kiểm tra hiện trường 3 vụ việc kể trên.
Ông Thanh thừa nhận, việc quản lý rừng phòng hộ lỏng lẻo, có sai phạm trong công tác quản lý, dẫn đến 3 vụ phá, khai thác rừng trái pháp luật trên cùng địa bàn huyện Phù Mỹ.
Theo Sở NN&PTNN Bình Định, hiện quỹ đất cho trồng rừng phi lao ven biển không còn nhiều nên việc phát triển rừng phòng hộ ven biển là khó khăn.
Mặt khác, việc trồng rừng phi lao ven biển thường bị ảnh hưởng bởi các nguyên nhân bất khả kháng như nắng hạn gây thiệt hại đến rừng đặc biệt là rừng mới trồng.
Công tác quản lý rừng trồng phòng hộ phi lao ven biển gặp nhiều khó khăn do một số diện tích rừng ven biển đưa ra ngoài 3 loại rừng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội; thực tế, một số dự án chưa triển khai, hiện vẫn giao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng cho các chủ rừng là BQL rừng phòng hộ, tuy nhiên kinh phí chi cho việc tổ chức quản lý này khó khăn.
Trong năm 2022, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) có văn bản đề nghị tỉnh kiểm tra, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật xảy ra trên địa bàn thời gian vừa qua.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong thời gian qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại một số địa phương thuộc tỉnh Bình Định có diễn biến phức tạp, nhiều vụ nghiêm trọng, điển hình.