Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Rừng phòng hộ 'chết oan' ở Bình Định: Phá rừng để phát triển kinh tế?

(VTC News) -

Cơn ác mộng mất rừng phòng hộ của người dân ven biển Bình Định bắt đầu cách đây khoảng 20 năm bởi cơn lốc khai thác tận thu titan, gây tác hại tới hiện tại.

Video: Điều gì đang xảy ra với rừng Bình Định?

 

Bình Định là một trong những tỉnh có trữ lượng titan lớn ở miền Trung với tổng trữ lượng 2,5 triệu tấn sa khoáng titan. Được mệnh danh là “vàng đen” nên loại khoáng sản này thành mục tiêu để hiện thực hóa tham vọng làm giàu của nhiều người.

Tính đến tháng 9/2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND tỉnh Bình Định đã cấp 51 giấy phép thăm dò, khai thác titan cho 31 đơn vị với tổng diện tích hơn 3.530 ha.

Các mỏ titan ở Bình Định tập trung chủ yếu ở các xã ven biển của hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát và một phần ở TP Quy Nhơn. Chỉ tính riêng hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ, có đến hơn 30 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác,

Và thay vì mang lại cuộc sống yên vui, trù mật cho các cộng đồng dân cư, “vàng đen” đã kéo vùng quê ven biển vào vòng xoáy triền miên của bất ổn, xáo trộn...

Hầu hết diện tích khai thác titan là rừng phi lao phòng hộ ven biển, rừng sản xuất ngăn cát bay. Điều này đồng nghĩa với hàng loạt cánh rừng phòng hộ ven biển ở các xã Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ An, Mỹ Thắng (Phù Mỹ); Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Tiến (Phù Cát) bị “khai tử”.

 

Phù Mỹ là địa phương tập trung nhiều điểm mỏ titan nhất tại Bình Định, là điển hình cho tình trạng giẫm đạp, chồng chéo, lục đục kinh niên quanh nguồn lợi titan.

Địa phương này là địa bàn khai thác của 19 doanh nghiệp (DN) với tổng diện tích 1.189,66 ha. Các xã Mỹ Thành, Mỹ An, Mỹ Thọ - những cái tên từng khiến giới chức địa phương đau đầu nhức óc...

Một cán bộ Phòng TN&MT huyện Phù Mỹ khi đó đã phải thừa nhận dù chưa thống kê hết diện tích rừng ven biển bị chặt để khai thác titan, nhưng mỗi giấy phép khai thác titan có thể triệt hạ vài ha rừng.

Riêng xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) ở giai đoạn “cao trào” từng có tới 16 doanh nghiệp được cấp phép khai thác titan với tổng diện tích 1.072,82 ha. Khi doanh nghiệp rời đi, làng quê này xơ xác bởi những bãi cát trắng xóa, chẳng còn bóng cây rừng.

Các doanh nghiệp dùng máy xúc, máy ủi… đào bới khắp nơi, khai thác titan kiểu đào cho bằng hết dưới các tán rừng phi lao phòng hộ ven biển. Những cánh rừng phi lao chắn gió, chắn cát hơn 50 năm tuổi đã bị đốn hạ để khai thác titan.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định tính đến thời điểm cuối tháng 10/2011, các doanh nghiệp mới chỉ trồng 115 ha rừng trên diện tích đã khai thác titan, chiếm 12% trong tổng diện tích cấp phép khai thác.

Đáng quan ngại là phần lớn diện tích rừng trồng mới đều không đạt yêu cầu, cây trồng không rõ nguồn gốc, không đúng quy cách, phát triển kém, nhiều diện tích rừng trồng bị cát bồi lấp trở lại…

 

Trong khi những bất cập nêu trên vẫn còn ngổn ngang trăm mối thì đầu năm 2012, UBND tỉnh Bình Định lại tiếp tục cho phép khai thác titan trên đất rừng phòng hộ. Địa phương đã đồng ý chuyển mục đích sử dụng 7,99 ha đất quy hoạch rừng phòng hộ tại xã Mỹ Thành và xã Mỹ Thọ (Phù Mỹ) sang mục đích không phải lâm nghiệp để doanh nghiệp thuê, thực hiện dự án khai thác titan.

Và khi chưa họp dân, chưa thông báo chủ trương chuyển đổi, mục tiêu và quy mô dự án mà chủ đầu tư dự án đã huy động phương tiện, nhân lực đốn hạ rừng dương chắn cát. Hàng trăm người dân thuộc hai xã Mỹ An, Mỹ Thọ đã về khu vực giáp ranh giữa hai xã để canh giữ dải rừng phòng hộ được giao cho doanh nghiệp chuyển đổi thành khu mỏ khai thác titan. Đám đông, lúc cao điểm lên đến 400 - 500 người. Họ mang theo nước uống, lương thực, thực phẩm, thậm chí cả thuốc men, bình truyền dịch,… Nhiều ngư dân tạm gác cả việc đi biển để ở nhà góp sức “giữ cho được lá phổi của làng, không chỉ cho đời mình mà cho cả con cháu về sau.

Chính quyền Bình Định sau đó đã phải yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng dự án, tiếp tục thương thảo với người dân cho đến khi “trong ấm ngoài êm”. Còn người dân mở tiệc ăn mừng tạm khép lại “phiên gác” giữ rừng trần ai ròng rã kéo dài 3 tháng nhằm níu giữ cái mà họ gọi là “lá phổi sống của làng”.

Quyết tâm giữ rừng của dân Mỹ An mãnh liệt bao nhiêu thì ý chí theo đuổi dự án nơi chủ đầu tư bền bỉ bấy nhiêu. Các doanh nghiệp liên tục đưa ra những lời cam kết “có cánh” như: "Sẽ thực hiện đúng quy trình; Việc triển khai dự án không động chạm gì đến quyền lợi của người dân; Công nghệ khai thác hoàn toàn dựa vào cơ giới, không dính dáng lem nhem gì tới hóa chất để có thể gây ra hệ lụy môi trường…"

Bấy nhiêu không đủ làm nguôi ngoai nỗi lo sợ sống trong ô nhiễm của hàng trăm hộ dân. Có cụ bà ở thôn Hòa Hội Bắc, xã Mỹ Thành khi đó đã sụp lạy trước những đụn cát đen (titan sa khoáng) thù lù, nỉ non, van vỉ cao xanh được trở lại những tháng ngày an lạc.

Sao nguôi được nỗi đau của người mẹ khốn khổ có đứa con trai vắn số đã bỏ mạng trong hố bùn ngập ngụa vốn là khai trường mà một doanh nghiệp khai thác titan trước khi bỏ đi đã cố tình “quên” không hoàn thổ. Con chị ra đi khi vừa học hết lớp 12, “chấm dấu hết” cho quãng đời ngắn ngủi ngay ngày 20/11, để lại nỗi đau không thể nguôi ngoai.

“Con bảo ghé chúc mừng thầy cô, vậy mà rồi đi luôn. Khi gia đình biết tin thì con chìm nghỉm, sặc sụa, bê bết, lấm lem dưới lớp bùn đặc quánh. Không ai có thể kéo nó lên. Phải nhờ đến chiếc xe cần cẩu...”, người mẹ nghẹn ngào kể.

 

Tháng 4/2013, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định từ năm 2004 đến năm 2011. Kết luận thanh tra cho thấy, việc giao đất, cho thuê đất ở nhiều dự án vi phạm Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh tiếp tục rà soát, phân loại diện tích rừng, kiên quyết bảo vệ rừng, không cho khai thác tại diện tích rừng phòng hộ có mật độ cao, cây đã lớn, xác định là đất rừng phòng hộ ven biển, chắn sóng.

>>> Bài 1: "Cái chết đầy ẩn ức" của những cánh rừng phòng hộ ven biển Bình Định

Đến năm 2016, hầu hết các doanh nghiệp khai thác titan đã dừng hoạt động hoặc khai thác cầm chừng. Theo số liệu của Sở TN&MT Bình Định, diện tích đã san gạt, hoàn thổ từ việc khai thác titan đạt khoảng 433 ha (chiếm 79%), trong đó diện tích trồng rừng là 250 ha (45%).

Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chậm thực hiện việc hoàn thổ, trồng rừng, phục hồi môi trường.

Sau thời kỳ khai thác titan rầm rộ, chính quyền tỉnh Bình Định đã vào cuộc quyết liệt yêu cầu doanh nghiệp hoàn thổ, trồng rừng sau khai thác. Vậy nhưng công tác hoàn thổ, trồng lại rừng không giống như cam kết ban đầu. Một số diện tích khai thác titan xong, doanh nghiệp trồng lại dương (phi lao), nhưng phải mất hàng chục năm sau mới có thể lớn thành rừng.

Nhìn những hàng cây còi cọc yếu ớt trên cát sau cuộc tháo chạy của các doanh nghiệp khai thác titan, bà Nguyễn Thị Hiệp (70 tuổi, xã Mỹ Thành) bức xúc: “Nhiều diện tích dương bị tàn phá dân chúng tôi xót lắm. Doanh nghiệp đến vùng đất này để khai thác, thu lợi, còn hậu quả thì người dân gánh chịu. Đất đai thoái hóa, kinh tế khó khăn… mấy ai hiểu”.

 

Giữa năm 2019, sự việc khu rừng dương hơn 140 ha bạt ngàn xanh nằm trên địa bàn 2 huyện Phù Cát và Tuy Phước (Bình Định) bị phá trắng cũng khiến nhiều người không khỏi xót xa tiếc nuối.

Theo người dân, cánh rừng đã có từ lâu đời, có nhiều cây dương cổ thụ to đến 2 vòng tay ôm của người lớn, độ che phủ của khu rừng là rất lớn. Trong chiến tranh, khu rừng trở thành căn cứ địa để bộ đội ém quân vào giải phóng Quy Nhơn.

Sau này, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã bổ sung cho cánh rừng ngày càng dày thêm, diện tích tăng dần đến lên 250 ha. Vào năm 2005, khu rừng dương được giao khoán cho người dân thôn Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa) chăm sóc, bảo vệ.

Năm 2011, Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế tỉnh Bình Định có văn bản bàn bàn giao thực địa với hơn 140 ha rừng phòng hộ cho Công ty CP phong điện Phương Mai triển khai đầu tư dự án Nhà máy phong điện Phương Mai 1.

Theo đó, chủ đầu tư chỉ được phép thu dọn một số cây phi lao ở những vị trí xây lắp trụ điện gió với tổng diện tích hơn 16 ha, phần còn lại phải được quản lý và bảo vệ nguyên trạng.

Năm 2012, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 513 về việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp để đầu tư xây dựng Nhà máy Phong Điện Phương Mai 1.

 

Theo đó, chuyển toàn bộ khu rừng phòng hộ ở dọc tuyến đường ĐT639 sang không còn giữ chức năng phòng hộ nữa. Tuy nhiên, Bình Định yêu cầu các doanh nghiệp làm điện gió và đơn vị chức trách giữ lại nguyên trạng rừng trồng, nếu công ty để hộ gia đình hoặc các đối tượng khác lấn chiếm, chặt phá thì công ty chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả về sau.

Tuy nhiên, đến tháng 9/2019, toàn bộ diện tích dự án 141,9 ha không còn cây phi lao nào.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, đây là vụ phá rừng có tổ chức, rất chuyên nghiệp. Số cây dương cổ thụ bị cưa hạ khoảng 100.000 cây, ước tính bán gỗ cũng được khoảng 5 - 6 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định thời kỳ đó khẳng định, hơn 140 ha rừng dương là diện tích nằm trong Khu kinh tế nhưng đã được chuyển đổi không còn chức năng rừng phòng hộ. Tỉnh đã giao mặt bằng này cho nhà đầu tư để thực hiện dự án Nhà máy phong điện Phương Mai 1, nhà đầu tư có trách nhiệm quản lý, bảo vệ.

 

Tháng 10/2019, tỉnh Bình Định quyết định tạm dừng thực hiện dự án Nhà máy phong điện Phương Mai 1 tại Khu kinh tế Nhơn Hội, yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương xây dựng tường rào bảo vệ và thực hiện trồng lại rừng cây phi lao đã bị chặt phá, bị cháy nhằm đảm bảo môi trường, cảnh quan theo quy định.

Lãnh đạo tỉnh cũng khẳng định khi nhà đầu tư hoàn thành việc trồng lại rừng cây phi lao, mới xem xét việc tiếp tục triển khai dự án. Nếu không triển khai thực hiện, Ban QLKKT tỉnh báo cáo, đề xuất UBND tỉnh thu hồi dự án.

Lãnh đạo tỉnh cũng giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với BQL Khu kinh tế, UBND các huyện Phù Cát, Tuy Phước khẩn trương điều tra làm rõ các đối tượng chặt phá rừng cây phi lao tại khu vực dự án trên, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả cho tỉnh. Giao Sở NN&PTNT hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện trồng lại rừng cây phi lao đã bị chặt phá, bị cháy.

Từ đó đến nay, ngoài việc yêu cầu doanh nghiệp phải trồng mới lại số diện tích đã bị “cạo trọc”, không có thêm diễn biến nào mới về xử lý trách nhiệm của các cá nhân để mất rừng.

Nhiều dự án kinh tế chuyển đổi và sử dụng đất rừng ra đời vì mục tiêu phát triển kinh tế địa phương, nhưng các giá trị của rừng hiện nay đã không còn chỉ nhìn ở đo đếm trữ lượng gỗ.

Để hình thành được một cánh rừng thực sự, không phải chỉ cần trồng một cái cây lên, không chỉ cần thời gian đủ dài, mà còn cần rất nhiều điều kiện khác. Vậy thì, các cơ quan có trách nhiệm đã đong đếm việc được - mất, dở - hay từ những dự án kinh tế ven biển làm mất đi màu xanh rừng phòng hộ?

Theo số liệu của Sở NN&PTNN Bình Định diện tích đất rừng được quy hoạch chức năng phòng hộ ven biển ở tỉnh Bình Định năm 2020 (gần 2.085 ha) so với năm 2019 (2.817 ha) giảm 732 ha. Đáng chú ý trong đó, diện tích đất có rừng trong quy hoạch chức năng phòng hộ ven biển năm 2020 (1.379,23 ha) so với năm 2019 (2.096,88 ha) đã giảm 699,65 ha.

Từ năm 2019 đến 2022, chỉ trong vòng 4 năm, diện tích đất có rừng trong quy hoạch chức năng phòng hộ ven biển của Bình Định giảm 857,1 ha.

Mời quý độc giả đón đọc bài tiếp: Rừng phòng hộ 'chết oan' ở Bình Định: Rừng mất, người than khóc

An Yên- Nguyễn Gia - Huy Mạnh

Tin mới