Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Rơi nước mắt cảnh vợ chồng già chăm sóc con bị di chứng chất độc màu da cam

(VTC News) -

Ngồi bên giường bệnh, bà Bình lộ rõ vẻ mệt mỏi, từ ngày chị Giang nhập viện, bà chưa một đêm ngủ ngon giấc.

Bà Bình và ông Thành có 2 người con, chị Giang là cả và 1 người em năm nay 34 tuổi. Gia đình 4 người ở cùng nhau trong căn nhà nhỏ tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Bà Bình kể, thời kháng chiến, nghe theo tiếng gọi của tổ quốc, ông Thành xung phong ra mặt trận đánh giặc. Ông được cử làm lái xe vận chuyển quân nhu viện trợ cho mặt trận miền Nam.

Ngày chiến tranh kết thúc, ông trở về nhà bên vợ con, ước mong cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Nhưng trớ trêu thay, ông bị nhiễm chất độc màu da cam, và con gái cả - chị Giang là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Em gái chị may mắn không bị.

Chị Giang bị chứng động kinh, nên mỗi lần chạy thận đều phải cố định tay chân.

Chồng sức khỏe yếu, lại mắc thêm chứng bệnh xương khớp dai dẳng nên mọi việc trong gia đình đều do bà Bình đảm nhiệm. Không có tiền chăm lo cuộc sống gia đình và chữa bệnh cho con, bà đành xin nghỉ công việc hành chính, bán hàng ăn ngoài vỉa hè. Cả gia đình 4 miệng ăn đều phụ thuộc vào gánh hàng rong của người phụ nữ ngoài 60 tuổi.

Do ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam nên từ khi sinh ra, cơ thể chị Giang nhỏ bé và yếu ớt hơn người thường. Dù đã ngoài 40 tuổi nhưng chị chỉ nặng hơn 30kg. Mỗi lúc trái gió trở trời, những con đau lại hành hạ chị đến xương tủy.

Để chữa trị cho con, hàng tuần bà Bình lại đưa chị Giang bằng xe máy chữa bệnh khắp nơi từ Bệnh viện Bạch Mai, đến Bệnh viện E...

Nhiều lúc, thời tiết xấu, đang đi con lại lên cơn co giật, hai mẹ con phải dừng lại bên vệ đường hay kiếm tạm một chỗ nghỉ chân cho qua cơn rồi mới đi tiếp được.

Di chứng của chất độc màu da cam khiến chị Giang gầy yếu, thể trạng suy kiệt.

Cách đây 2 năm, như thường lệ, bà Bình chở con đến bệnh viện. Đang ngồi trên xe chị Giang lên cơn co giật mạnh, sốt cao 39 – 40 độ C. Bà vội đưa con vào Bệnh viện Nam Thăng Long cấp cứu. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán chị Giang bị huyết áp cao, nhiễm khuẩn đường ruột, suy tim, co giật, nhiễm khuẩn huyết.

“Hôm đó đột nhiên chân tay Giang duỗi thẳng, rung mạnh, hai mắt trợn lên vì động kinh. Từ ngày phát bệnh, cứ 5 – 10 phút Giang lại lên cơn co giật 1 lần. Các bác sĩ nói nếu như cứ để co giật nhiều như vậy sẽ không giữ được tính mạng nên buộc phải vào viện điều trị. Giang sau đó được đưa sang khoa Thận - Bệnh viện E”, bà Bình kể.

Từ đó tới nay, ngoài điều trị bệnh, hai vợ chồng bà Bình lại thay nhau đưa con gái đi chạy thận. Số tiền hai vợ chồng bà vay mượn đã lên tới gần 100 triệu mà bệnh thì chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Sóng gió liên tiếp ập đến với gia đình bà Bình. Ngày 15/6/2020, chị Giang bị nhiễm trùng trong quá trình chạy thận. Chị được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp tục điều trị và chạy thận.

Từ ngày chị Giang phát bệnh nặng, bà Bình phải đóng cửa hàng để chăm con, kinh tế gia đình càng khó khăn.

Theo BS Hoàng Thị Điểm, khoa Thận, Lọc máu – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chị Giang bị suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo theo chu kỳ trên nền bại não, di chứng của chất độc màu da cam. Chị phải duy trì thuốc chống động kinh từ nhỏ, không thể tự chăm sóc cho bản thân, phụ thuộc hoàn toàn vào sự giúp đỡ của người khác.

Để điều trị, chị Giang dự kiến sẽ được tạo một đường vào mạch máu để lọc. Hiện chị vẫn bị sốt nên sẽ được điều trị kháng sinh. Khi nào tình trạng nhiễm trùng ổn định sẽ được phẫu thuật.

“Dự kiến thời gian điều trị sắp tới cho bệnh nhân sẽ kéo dài, vì phải kết hợp dùng kháng sinh tích cực. Nếu tình hình tốt, phẫu thuật thành công thì bệnh nhân sẽ được ra viện. Nhưng dù ra viện bệnh nhân vẫn phải lọc máu chu kỳ 1 tuần 3 lần. Nếu không lọc máu, bệnh nhân sẽ bị thừa dịch, tăng huyết áp, tràn dịch màng phổi, suy hô hấp, tăng kali máu, thậm chí ngừng tim”, BS Điểm nói.

Từ ngày chị Giang đổ bệnh, bà Bình phải đóng cửa quán hàng ăn để đưa con đi chữa trị, kinh tế gia đình từ đó kiệt quệ. Vợ chồng bà phải đi vay mượn khắp nơi để có tiền lo cho con. 

“Tôi vay hết anh em, họ hàng thân thích rồi lại hàng xóm. Giờ con bệnh nặng, không biết phải xoay xở ra sao. Dù hy vọng rất mong manh bởi Giang mắc nhiều bệnh nặng, nhưng tôi không muốn bỏ cuộc. Chỉ cần sống thêm một vài năm nữa tôi cũng mãn nguyện”, bà Bình buồn bã nói.

Mọi tấm lòng hảo tâm xin liên hệ:

Bà Dương Thị Bình - Mẹ bệnh nhân Nguyễn Hồng Giang.

Địa chỉ: Số 6, ngách 20, ngõ 209, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Hoặc Phòng Công tác xã hội – Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức: Phòng 248 nhà C3

Điện thoại: 024.32668625, liên hệ số máy lẻ 585

Tài khoản Quỹ từ thiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức:

Tên tài khoản: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Số tài khoản USD: 12210370016823

Số tài khoản VNĐ: 12210000024248

Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Hà Thành

Nội dung: Ủng hộ bệnh nhân MS 1418 hoặc ủng hộ bệnh nhân Nguyễn Hồng Giang.

 

Phạm Quý

Tin mới