Dịch bệnh khiến Kat Johnston, 31 mất công việc toàn thời gian tại thư viện. Nhưng giống như nhiều người Mỹ khác, khoản bảo hiểm thất nghiệp mở rộng và hai tấm séc hỗ trợ từ chính phủ giúp cô tạm gạt sang bên nỗi lo về tiền bạc.
"Khi mới đi làm trở lại, tôi tiết kiệm được khoảng 2.200 USD. Số tiền dù không lớn nhưng nhiều hơn những gì tôi có trong một thời gian. Nhưng giờ khoản tiết kiệm đó đã vơi đi đáng kể. Khi mọi thứ trở nên đắt đỏ, chi tiêu hàng gày của tôi giờ chỉ dựa vào đồng lương hàng tháng", Johnston cho hay.
Johnston hiện sống một mình trong căn studio ở Dallas. Tiền thuê nhà tăng vọt khiến cô tính tới chuyện ở ghép với người khác.
Xăng cũng đắt đỏ tới mức mỗi lần Johnston chỉ đổ 1/4 bình. Với thu nhập 40.000 USD/năm, cô đang phải vật lộn với khoản nợ từ thời sinh viên. Johnston muốn tìm công việc mới với mức lương cao hơn nhưng không dám mạo hiểm trong bối cảnh các nhà kinh tế và đầu tư cảnh báo về nguy cơ suy thoái.
Vật giá leo thang khiến người dân Mỹ phải cân đong, đo đếm khi vào siêu thị. (Ảnh: Reuters)
"Có vẻ bất cứ thứ gì tôi nghĩ và sẽ làm đều bị trì hoãn", cô chia sẻ.
Hàng triệu người Mỹ rơi vào tình cảnh bế tắc tương tự khi số tiền tiết kiệm vơi dần trong khi chi phí sinh hoạt lại tăng cao. Nền kinh tế Mỹ dường như đang chuẩn bị bước vào thời kỳ tăng trưởng chậm lại - kịch bản có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và giảm thu nhập, dù giá cả vẫn tăng mạnh.
Nhưng thay vì nhanh chóng bung ra các tấm séc nóng hổi như thời kỳ đầu dịch, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang tính toán lại đà giảm hiện tại. Vấn đề hiện nay là mức lạm phát cao và các nỗ lực để cải thiện tình hình của chính phủ có thể kèm theo một số thiệt hại về kinh tế.
Giờ đây, khi các khoản tiết kiệm cạn kiệt, người tiêu dùng phải vật lộn trước tình trạng vật giá tăng cao và lãi suất tăng. Dư nợ thẻ tín dụng, vốn đã giảm trong đại dịch nay lại tăng lên mức kỷ lục.
"Đó là bức tranh tồi tệ. Các gia đình đang ở trong tình thế khó khăn hơn nhiều so với những tháng trước", Elizabeth Ananat - nhà kinh tế học tại Đại học Barnard - cho hay.
Các khoản hỗ trợ của chính phủ giúp Matrice Moore-Carr, văn thư tại một bệnh viện công ở Tennessee không phải lo nghĩ tới hóa đơn tiền điện và tiền xăng xe trong thời kỳ dịch bệnh. Nhưng khi giá cả bắt đầu tăng từ tháng trước, Moore phải làm thêm giờ tại phòng cấp cứu để có thể kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ. Cô phải nhận thêm công việc lễ tân tại một khách sạn để trang trải thêm cho cuộc sống. Nhưng dù làm đủ mọi việc như vậy, Moore vẫn phải vật lộn để thanh toán các hóa đơn.
"Đó là những thứ giúp xăng còn trong xe, thức ăn còn trên bàn và điện còn bật trong nhà tôi. Thực sự là tôi rất mệt, luôn thấy buồn ngủ", Matrice chia sẻ và nói thêm, điều mà cô lo ngại lúc này là bị cắt giờ làm thêm.
Giá xăng tăng vọt khiến Matrice đùa rằng cô đang tính tới chuyện mua một con ngựa.
"Tôi không biết có nên cắt các bữa ăn của mình hay không. Liệu tôi có phải ăn một bữa thay vì 3 bữa một ngày. Tôi không biết nữa. Thực sự là rất khó khăn", cô chia sẻ.
Trong hai năm đầu đại dịch, tình hình tài chính của các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình ở Mỹ được cải thiện đáng kể nhờ hàng tỷ USD hỗ trợ từ chính quyền.
Nhưng tình hình hiện tại rất khác. Việc chính phủ hỗ trợ tiền mặt cho người dân sẽ chỉ làm tồi tệ thêm tình hình lạm phát do làm tăng sức mua trong khi các doanh nghiệp không sản xuất đủ hàng hóa và thiếu hụt nhân lực.
Giá xăng là nguyên nhân chính gây ra lạm phát cao nhất ở Mỹ trong 40 năm. (Ảnh: NYT).
Để hạ nhiệt tình hình, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994.
Các nhà hoạch định chính sách của FED cho rằng, bước đi này là cần thiết để đưa nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững hơn. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định lạm phát khó có thể hạ nhiệt trong một thời gian ngắn.
"Quá trình chuyển đổi sẽ rất khó khăn. Phải mất một thời gian dài để kéo giảm lạm phát", Seth Carpenter, trưởng ban kinh tế toàn cầu tại Morgan Stanley, cho hay.
Lạm phát giờ trở thành cơn ác mộng, đặc biệt là với hộ gia đình nghèo - những người ít linh hoạt trong việc điều chỉnh chi tiêu để thích nghi với tình trạng vật giá leo thang. Điều đó đặc biệt đúng trong tình hình tại khi lạm phát chủ yếu tập trung vào các nhu cầu thiết yếu như tiền thuê nhà, thực phẩm và nhiên liệu. Với nhiều gia đình, họ đang ngấm dần nỗi đau lạm phát.
Brandy Sandersfeld sinh một bé trai vào tháng 3/2020 cùng tuần trường học của con trai lớn của cô đóng cửa vì COVID-19. Cùng tháng này, chồng cô phải ngừng hoạt động cửa hàng bán pizza.
Sau một vài tháng chống chọi đại dịch, Sandersfeld và chồng chuyển tới một vùng nông thôn ở Arkansas. Trợ cấp thất nghiệp giúp họ trang trải tiền xăng xe, khoản tín dụng thuê trẻ em mở rộng cũng cung cấp cho họ một bước đệm tài chính cần thiết.
Nhưng các khoản hỗ trợ này đã chấm dứt vào tháng 1 ngay trước khi chiếc SUV của Sandersfeld đâm vào một con nai. Việc thay thế chiếc xe rút gần như toàn bộ tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng.
Lạm phát càng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn với gia đình Sandersfeld. Hiện tại, một chuyến xe ra thị trấn rồi trở về "ngốn" của họ 25 USD tiền xăng. Để giảm bớt gánh nặng kinh tế, Sandersfeld vừa phải chăm con vừa phải nhận việc làm thêm tại nhà. Cô và chồng lo lắng một trong hai người có thể mất việc nếu nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
"Bạn luôn mong những điều tốt nhất đến với lũ trẻ, bạn muốn chúng có nhiều cơ hội và vị trí tốt hơn trong cuộc sống. Tôi từng cho rằng mình đã đi theo hướng đó. Nhưng bây giờ, tôi cảm thấy như mình bị đá xuống chân núi và phải leo lên một lần nữa", Sandersfeld chia sẻ.