Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhà ở xã hội sẽ được cấp thêm 3.000 tỷ đồng

Chính phủ vừa đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội thông qua Nghị quyết 41/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020.

Lãi suất áp dụng trong năm 2020 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội là 5,0%/năm. )Ảnh: H.Anh).

Theo Nghị quyết, để thúc đẩy nhà ở xã hội, Bộ KH&ĐT được Chính phủ giao cân đối thêm 1.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỉ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV năm 2020 theo trình tự thủ tục rút gọn; đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.

Đồng thời, Bộ Xây dựng phải phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM triển khai đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp, nhất là công nhân.

Hiện nay, lãi suất áp dụng trong năm 2020 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội là 5,0%/năm.

Liên quan đến những bất cập của nhà ở xã hội, mới đây, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS nói chung, nhà ỡ xã hội nói riêng.

VNREA đề cập đến những bất cập về hồ sơ mua bán nhà ở xã hội, về thủ tục mua bán nhà ở xã hội, những bất cập trong mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội...

Đơn cử, về hồ sơ mua bán nhà ở xã hội, VNREA cho biết, đối với người mua nhà, theo Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, người lao động đang làm việc tại các DN khi mua NOXH phải có Giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc về đối tượng và thực trạng nhà ở.

Tuy nhiên, thực tế là người mua nhà gặp nhiều khó khăn khi xin xác nhận nội dung này vì cơ quan, tổ chức nơi người mua nhà đang làm việc không thể nắm được và/hoặc không muốn xác nhận về thực trạng nhà ở của nhân viên.

Để giải quyết bất cập này, VNREA đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi hoặc hướng dẫn cụ thể về điểm này theo hướng người mua nhà chỉ cần xin xác nhận của UBND xã, phường nơi cư trú về thực trạng nhà ở vì đây mới là nơi quản lý thực trạng nhà ở của người dân.

Nguồn: Báo Hải Quan Online

Tin mới