Cụ thể, cả nước hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng trên 85.000 căn, tổng diện tích khoảng 4,29 triệu m2 nhà ở và đang tiếp tục triển khai 220 dự án với khoảng gần 180.000 căn.
Như vậy, kết quả này mới đạt được 34% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là đến hết 2020 cả nước cần đạt 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội.
Nhà ở xã hội mới đạt 34% kế hoạch đề ra.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân dẫn đến kết quả thấp như vậy là do nguồn lực tài chính thấp. Mặc dù theo quy định của pháp luật về nhà ở thì ngân sách Nhà nước sẽ cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện hỗ trợ nhà ở xã hội, nhưng trên thực tế việc cân đối nguồn vốn này đang khó khăn và được bố trí thấp, chỉ đáp ứng khoảng 30% so với yêu cầu, người dân và doanh nghiệp hiện đang rất trông chờ.
Ngoài ra, một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm theo quy định.
Trong đó, hầu hết các địa phương đều cho phép các chủ đầu tư dự án có quy mô sử dụng đất dưới 10ha lựa chọn hình thức nộp tiền tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, nhưng địa phương chưa bố trí nguồn này để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc thẩm quyền của các địa phương nhưng cũng chưa được quan tâm đúng mức để thu hút các doanh nghiệp tham gia như chưa tích cực hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án từ nguồn ngân sách địa phương.
Cơ chế chính sách chưa đủ mạnh; thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng vẫn còn rườm rà, thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thẩm định, phê duyệt quy hoạch dự án vẫn còn kéo dài...
Trước thực tế này, mới đây Bộ Xây dựng gửi báo cáo lên Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội.
Trong đó, sử dụng đúng khoản tiền các chủ đầu tư nộp tương đương giá trị quỹ đất 20% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, giao Bộ Xây dựng thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các chủ đầu tư không thực hiện đúng quy định.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, theo đó sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Đặc biệt, các cấp, các ngành và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính trong quá trình chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở xã hội, chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, cơ cấu lại các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội cho phù hợp nhu cầu của từng đối tượng; cần nâng cao trách nhiệm trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án, hộ gia đình, cá nhân trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội.