Hầu hết mọi người thức dậy một hoặc hai lần trong đêm. Điều này có thể xảy ra do một số lý do, bao gồm uống caffein hoặc rượu vào cuối ngày, môi trường ngủ kém, rối loạn giấc ngủ hoặc tình trạng sức khỏe khác.
Khi bạn không thể trở lại giấc ngủ nhanh chóng, bạn sẽ không có giấc ngủ với chất lượng tốt để giúp bạn sảng khoái và khỏe mạnh. Điều quan trọng là phải tìm ra điều gì đang đánh thức bạn để bạn có thể điều trị vấn đề này và có một giấc ngủ ngon.
Nói chung, người lớn cần ngủ khoảng 7 - 9 tiếng mỗi đêm để có sức khỏe và tinh thần tốt. Giấc ngủ được chia thành các giai đoạn ngủ nông, sâu và chuyển động mắt nhanh (REM).
Hầu hết mọi người thức dậy một hoặc hai lần trong đêm.
Bạn quay vòng qua các giai đoạn này nhiều lần mỗi đêm. Hầu hết giấc ngủ sâu của bạn diễn ra sớm vào ban đêm. Vào buổi sáng, bạn chủ yếu ở trạng thái REM và giấc ngủ nông hơn, khi đó bạn dễ dàng bị đánh thức bởi một thứ gì đó.
Nhiều tình trạng sức khỏe có các triệu chứng có vẻ tồi tệ hơn vào ban đêm, chẳng hạn như:
Đau: Đặc biệt là do viêm khớp, suy tim, thiếu máu hồng cầu hình liềm hoặc ung thư. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đau quá không thể ngủ được. Họ có thể cần thay đổi thuốc của bạn.
Khó thở: Do viêm phế quản, hen suyễn hoặc một bệnh phổi khác.
Các vấn đề về tiêu hóa: Đặc biệt là đau và ho do trào ngược axit hoặc các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.
Nội tiết tố: Phụ nữ thường thức dậy vào ban đêm khi nồng độ nội tiết tố thay đổi xung quanh kỳ kinh nguyệt hoặc trong thời kỳ mãn kinh. Cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm cũng làm gián đoạn giấc ngủ.
Các bệnh về não và thần kinh: Bao gồm cả Alzheimer và Parkinson.
Đi tiểu nhiều: Có thể do bạn uống nhiều chất lỏng trong ngày hoặc do tình trạng sức khỏe như tiểu đường, bệnh tim hoặc viêm bàng quang.
Trong khi đó, Đông y cho rằng nguyên nhân từ 4 bệnh khiến bạn thức giấc và tỉnh táo lúc giữa đêm.
1. Nóng gan: Nếu gan bị nóng, một người sẽ dễ dàng bị tỉnh giấc vào lúc 1-3 giờ sáng. Đây là khoảng thời gian tốt nhất để chuyển hóa gan. Sau một ngày "làm việc chăm chỉ", vào ban đêm, gan có thể được nghỉ ngơi và điều chỉnh nhưng gan bị quá "nóng" sẽ dễ dàng khiến cho việc chuyển hóa không được suôn sẻ, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các kinh tuyến gan, dẫn đến tỉnh giấc.
2. Khí phổi không đủ: 3-5 giờ sáng cũng là khoảng thời gian chức năng phổi hoạt động mạnh nhất, nhưng nếu thường xuyên tỉnh táo vào thời điểm này, như vậy cũng chứng tỏ là do phổi bị nóng, khí phổi không đủ. Một khi khí phổi không đủ cũng dễ làm cho da khô, lỗ chân lông thô to, tức ngực khó thở, ho kéo dài, cảm lạnh... Nếu thấy xuất hiện những triệu chứng này bạn phải đi khám kịp thời.
3. Bị trầm cảm: Trầm cảm không còn là bệnh đặc biệt xa lạ với chúng ta. Trên thực tế, đối với bệnh nhân trầm cảm, vào khoảng 3 giờ sáng cũng rất khó ngủ. Đây cũng là một trong những triệu chứng điển hình nhất của bệnh nhân trầm cảm bởi họ thường có cảm xúc tiêu cực rất cao, chủ yếu là cảm xúc bi quan, thường càng nghĩ bộ não càng phấn khích, tâm trạng càng buồn. Có thể nói họ cũng không dễ dàng kiểm soát suy nghĩ của mình, vì vậy, rất khó để có một giấc ngủ ngon lành đến sáng.
4. Rối loạn nội tiết: Tuổi tác tăng lên, con người từ từ bước vào thời kỳ mãn kinh. Sang khoảng thời gian này, các chức năng khác nhau của cơ thể sẽ dần giảm, đặc biệt là dễ bị rối loạn nội tiết. Nội tiết chịu trách nhiệm cho hoạt động bình thường của chức năng thần kinh, lúc này một khi bị ảnh hưởng cũng dễ dàng làm cho một người tỉnh táo vào giữa đêm và khó ngủ trong một thời gian dài.
Bản thân việc thức giấc vào ban đêm không phải là vấn đề quá lớn nếu như sau đó bạn dễ dàng trở lại giấc ngủ. Còn trong trường hợp thức giấc và tỉnh táo lúc đêm khuya thì lại là việc đáng lo ngại.
"Nếu bạn thức dậy và bắt đầu cảm thấy lo lắng, lo âu hoặc thất vọng, bạn có thể kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm. Khi điều này xảy ra, não của bạn chuyển từ chế độ ngủ sang chế độ thức. Tâm trí của bạn bắt đầu chạy đua, nhịp tim và huyết áp của bạn tăng lên. Điều đó khiến việc ngủ trở lại khó khăn hơn nhiều", nhà tâm lý học, tiến sĩ, chuyên gia giấc ngủ Alexa Kane tại bệnh viện Cleveland (Hoa Kỳ) chia sẻ trên trang Health.com.
Tiến sĩ Kane cũng cho biết thêm, phản ứng căng thẳng này có thể dẫn đến mất ngủ, rối loạn giấc ngủ toàn diện. Thường xuyên thức dậy vào ban đêm cũng có thể là triệu chứng của rối loạn ngưng thở khi ngủ. Bên cạnh việc đánh thức bạn dậy, chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm gián đoạn nhịp tim, làm giảm lưu lượng ôxy đến cơ thể. Trong trường hợp này, bạn cần đi khám càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân thường gặp khiến nhiều người dễ bị rối loạn giấc ngủ.
Phòng quá nóng: Nhiệt độ phòng, đồ ngủ, ga trải giường và chăn giúp giữ cho cơ thể duy trì mức nhiệt phù hợp. Theo Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia của Mỹ, nóng nực là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều người khó chợp mắt.Nhiệt độ phòng trong có thể giữ ở mức 26-27 độ hoặc bạn có thể chọn mức nhiệt độ phù hợp để cơ thể cảm thấy thoải mái.
Nhiều người còn có thói quen tắm nước ấm trước khi đi ngủ để ngủ ngon hơn. Tắm nước ấm làm tăng nhẹ nhiệt độ của cơ thể và khi bạn tắm xong nhiệt độ sẽ giảm xuống. Đây là một tín hiệu cho não biết đã sẵn sàng để đi ngủ.
Xem các thiết bị điện tử: Nhiều người có thói quen lướt điện thoại đọc tin tức, trò chuyện với bạn bè, nghe nhạc, xem phim... trước khi đi ngủ. Tiếp xúc với ánh sáng vào buổi tối quá nhiều trước ngủ sẽ ngăn cơ thể tạo ra melatonin - hormone giúp bạn buồn ngủ. Tuy nhiên, ánh sáng của thiết bị điện tử như tivi, máy tính bảng, máy tính xách tay... là những tác nhân gây ra rối loạn giấc ngủ thường gặp.
Do đó, người lớn, trẻ em không nên dùng các thiết bị điện tử trước khi lên giường khoảng hai giờ. Các chuyên gia giấc ngủ khuyên mọi người nên để điện thoại ngoài phòng ngủ, không nên lắp đặt tivi trong phòng ngủ. Khi thức dậy lúc nửa đêm, nên tránh dùng các thiết bị điện tử vì chúng càng khiến bạn tỉnh táo hơn.
Dùng thức uống có cồn: Rượu có thể có tác dụng an thần, giúp bạn dễ chợp mắt nhưng nó cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ nếu uống nhiều. Khi cơ thể chuyển hóa chất cồn trong rượu, chất cồn sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ sâu REM. Thiếu giấc ngủ REM, bạn dễ thức giấc vào nửa đêm, trằn trọc và không yên. Giấc ngủ sâu bị gián đoạn thường xuyên, trong thời gian dài còn có thể dẫn đến suy giảm nhận thức. Do đó, người trưởng thành, nhất là nam giới không nên uống nhiều thức uống có cồn, nhất là rượu vài giờ trước khi lên giường.
Tiểu đêm: Ngay cả khi đã hạn chế uống nước, rượu vào buổi tối, nhiều người vẫn bị đánh thức 2-4 lần trong đêm để đi tiểu. Tiểu đêm xảy ra do nhiều nguyên nhân. Cơ thể của chúng ta cố gắng duy trì sự cân bằng nước và chất điện giải. Nếu quá nhiều nước mà không có đủ muối thì cơ thể cố gắng loại bỏ nước ra ngoài, khiến bạn đi tiểu nhiều hơn vào ban đêm.
Khoảng 30 phút trước khi đi ngủ, bạn có thể uống một cốc nước nhỏ với một chút muối biển sạch. Muối chưa qua chế biến có thể giúp nước đi vào các tế bào trong cơ thể để tạo ra sự cân bằng.
Căng thẳng: Căng thẳng là yếu tố phổ biến khiến nhiều người trằn trọc, ngủ không ngon. Các biện pháp giảm căng thẳng chẳng hạn như thiền chánh niệm và thư giãn đã chứng minh một số hiệu quả đối với chứng rối loạn giấc ngủ, bao gồm thường xuyên thức giấc do căng thẳng. Thiền định và các bài tập thực hành tương tự giúp giảm lo lắng và cải thiện tâm trạng, hỗ trợ giấc ngủ ngon hơn.
Những người gặp vấn đề nghiêm trọng về giấc ngủ do căng thẳng có thể được trị liệu tâm lý. Ví dụ, liệu pháp hành vi nhận thức có thể nâng cao chất lượng giấc ngủ bằng cách giúp bộ não kiểm soát căng thẳng. Người bệnh nên thăm khám và nhờ bác sĩ tư vấn, trị liệu để ngủ ngon hơn nếu thức giấc liên tục trong đêm, mất ngủ trong thời gian dài.