Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cảnh báo mối quan hệ giữa chứng mất ngủ, lo lắng và trầm cảm

(VTC News) -

Mất ngủ hay khó ngủ ngày càng trở nên phổ biến và có xu hướng trẻ hoá, có nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng này, trong đó lo lắng là yếu tố nguy cơ quan trọng.

Mất ngủ là tình trạng khó đi vào giấc ngủ, không ngủ sâu, chất lượng của giấc ngủ kém, người bị mất ngủ thường xuyên thức dậy nửa đêm hoặc dậy sớm dù cơ thể vẫn chưa được ngủ đủ giấc. Tình trạng mất ngủ là một dạng của rối loạn giấc ngủ, mất ngủ kéo dài có thể gây nguy hiểm đến sức khoẻ, ảnh hưởng đến lối sống và công việc hàng ngày.

Mất ngủ có thể dẫn đến trầm cảm

David Neubauer, MD, phó giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi tại Trường Y khoa Johns Hopkins ở Baltimore, chia sẻ với Everyday Health, cho biết việc lo lắng quá độ có thể làm ảnh hưởng đến não bộ, khiến não khó thư giãn kể cả vào ban đêm. Để có thể đi vào giấc ngủ, não bộ của con người trước hết cần được thư giãn và sau đó mới tiến hành nghỉ ngơi.

Các vấn đề khác có liên quan đến vấn đề tâm thần như trầm cảm, tâm thần phân liệt, căng thẳng cực độ… cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Mất ngủ có mối quan hệ hai chiều với lo lắng và trầm cảm

Giấc ngủ bị ảnh hưởng bởi hầu hết các vấn đề về thể chất, tinh thần, cảm xúc và thậm chí là môi trường xã hội. Vì vậy, tình trạng mất ngủ có mối liên kết rõ ràng với sức khoẻ tâm thần ở con người. Mối quan hệ hai chiều giữa bệnh mất ngủ và chứng trầm cảm được các chuyên gia gọi là mối quan hệ hai chiều, nghĩa là bên này được cải thiện tốt thì bên kia cũng tốt và ngược lại.

Các chuyên gia cũng chia sẻ một số bệnh nhân mất ngủ có thể sớm mắc phải chứng trầm cảm và ngược lại. Tình trạng này không hiếm vì việc mất ngủ có thể gây áp lực lớn đến tinh thần của bệnh nhân, kết hợp thêm các ảnh hưởng tiêu cực trong cuộc sống do mất ngủ đem lại có thể gây ra bệnh trầm cảm ở những người có sức khỏe tâm thần yếu.

Áp lực cuộc sống cũng là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến trầm cảm

Ngược lại, các bệnh rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, căng thẳng hoặc lo lắng đều làm tăng khả năng phát triển chứng mất ngủ. Theo các nghiên cứu, 40% - 50% những người bị mất ngủ có đi kèm chứng rối loạn sức khỏe tâm thầm. Các chuyên gia cho biết những người bị mất ngủ có nguy cơ phát triển bệnh trầm cảm gấp 2 lần so với những người có giấc ngủ sâu và ổn định.

Mặt tốt của mối quan hệ hai chiều giữa chứng mất ngủ và bệnh trầm cảm là khả năng chỉ cần điều trị một trong hai vấn đề là có thể giải quyết được vấn đề còn lại. Ngoài ra, khi gặp các bệnh nhân mắc chứng mất ngủ, các bác sĩ cũng có thể thăm khám thêm về sức khỏe tâm thần để mau chóng tìm ra nguyên nhân.

Mất ngủ đồng nghĩa với việc bị trầm cảm?

Mặc dù giấc ngủ có mối liên kết với sức khỏe tâm thần, tuy nhiên việc bạn bị mất ngủ không có nghĩa là bạn cũng bị trầm cảm, lo lắng hoặc bất kỳ loại bệnh tâm thần nào khác. Mất ngủ chỉ đóng vai trò như một yếu tố nguy cơ có thể phát triển các bệnh trạng tâm lý, vì vậy bạn cần phải sớm điều trị chứng mất ngủ trước khi chúng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần cá nhân.

Nếu bạn bị mất ngủ, bạn có thể nhận thấy một số các triệu chứng sau đây cho biết sức khoẻ tâm thần của bạn cũng đang dần bị ảnh hưởng bởi chất lượng giấc ngủ kém:

  • Không thèm ăn

  • Không quan tâm đến các hoạt động thông thường

  • Mệt mỏi

  • Khó chịu

  • Luôn căng thẳng và lo lắng

  • Kém tập trung

  • Thường xuyên nghĩ về cái chết

  • Cảm thấy buồn hoặc chán nản

Trong trường hợp bạn có bất kỳ dấu hiệu nào ở trên, hãy lập tức đến gặp ngay bác sĩ tâm thần để nhận được sự giúp đỡ và phương pháp điều trị tốt nhất trước khi tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Tiến hành tư vấn tâm lý sớm có thể giúp bạn giải quyết các vấn đề về giấc ngủ, căng thẳng và trầm cảm dễ dàng hơn.

Đôi khi việc mất ngủ có thể xảy ra do tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng, sử dụng caffeine hay một số lý do khác. Không phải bất cứ khi nào mất ngủ cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và căng thẳng cực độ.

Thanh Thiên

Tin mới