Ngày 3/1, nhiều người sử dụng iPhone Lock bất ngờ khi chiếc SIM ghép "thần thánh" V3 bỗng nhiên mất tác dụng.
Nhiều máy đã xảy ra tình trạng "SIM không được hỗ trợ" và trở thành một cục gạch chặn giấy.
Đây là lần thứ 3 trong 2 tháng qua, SIM ghép "thần thánh" đã bị knock-out bởi các thuật toán mới của Apple.
Cũng giống như 2 lần trước, Apple đã tung ra các mã fix ICCID mới để loại bỏ những SIM ghép không chính chủ. Điều này chứng tỏ, Apple đang quyết tâm loại bỏ việc kinh doanh các mẫu iPhone trôi nổi trên thị trường.
Người mua iPhone Lock lo sốt vó vì SIM ghép 'thần thánh' lần thứ 3 bị vô hiệu hóa
Thực chất, SIM ghép là một bảng mạch nhỏ, sử dụng các thủ thuật để đánh lừa các phần mềm bảo mật trên những chiếc iPhone Lock.
Ví dụ, các máy iPhone Lock thường tích hợp các phần mềm riêng biệt để nhận biết được các mẫu SIM của từng nhà mạnh, trong khi đó, các máy quốc tế thì không.
Việc sử dụng SIM ghép cũng gây ra không ít phiền toái như phải lưu danh bạ bằng đầu +84, không thể gọi iMessage, FaceTime hay phát Wi-Fi từ điện thoại.
Đến năm 2017, thị trường iPhone lock xuất hiện những mẫu SIM ghép do Trung Quốc sản xuất có thể sửa các lỗi của các SIM ghép thế hệ trước. Chính vì vậy, chúng được đặt cho cái tên khá mỹ miều là SIM ghép "thần thánh".
Kể từ khi xuất hiện SIM ghép "thần thánh", giá bán của những chiếc SIM ghép cũng giảm rất mạnh. Thậm chí, nhiều cửa hàng chấp nhận tặng khách hàng SIM ghép như một động thái hỗ trợ khách hàng hơn là thu lãi.
Tuy nhiên, việc SIM ghép liên tục bị vô hiệu hóa đã khiến nhiều cửa hàng phải thay đổi phương thức bán hàng.
Cụ thể, nhiều cửa hàng cam kết, sẽ bảo hành trọn đời SIM ghép cho máy. Ví dụ, khi mua iPhone Lock trong thời điểm hiện tại, bạn sẽ được tặng 1 chiếc SIM ghép V3 để sử dụng.
Tuy nhiên, trong trường hợp SIM ghép V3 bị vô hiệu hóa và xuất hiện loại SIM ghép V4, cửa hàng sẽ chấp nhận hỗ trợ khách hàng bằng việc bán SIM ghép thế hệ mới với giá siêu rẻ chỉ 20.000 - 30.000 đồng, thậm chí là cho không.
Anh Đức Thuận, quản lý của một cửa hàng chuyên các sản phẩm Apple xách tay trên phố Xã Đàn cho biết, từ trưa ngày 3/1, nhiều khách hàng đã phản ánh tình trạng máy không nhận SIM ghép trên các sản phẩm iPhone Lock, đặc biệt là các đời 6/6 Plus, 6s/6s Plus, 7/7 Plus: "Đây là lần thứ 3, SIM ghép bị các thuật toán mới của Apple đánh bại, dẫn đến tình trạng hóa gạch".
Anh Thuận khuyến cáo những người đang sử dụng iPhone Lock, tuyệt đối không update phần mềm mới, không thay SIM mới không restore máy: "Chuyện này không phải là lạ, trong khi chờ đợi khác loại SIM ghép khác hỗ trợ tốt hơn, khách hàng tốt nhất không nên thay SIM mới và không restore máy".
Được biết, SIM ghép hiện tại đang được bán kèm các mẫu iPhone Lock thuộc thế hệ thứ 3 (V3), sau khi thế hệ đầu tiên và V2 bị Apple vô hiệu hóa.
Chính vì vậy, rất nhiều khách hàng đang thắc mắc, liệu có một phương pháp nào tối ưu nhất cho người sử dụng iPhone Lock thay vì cứ vài ngày là lại lăn ra "chết".
Anh Thuận cho biết, hiện tại, giải pháp sử dụng SIM ghép vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của người bán lẫn người mua, đáp ứng được các tiêu chí ngon-bổ-rẻ.
Anh Thuận cho biết, hiện tại, giải pháp sử dụng SIM ghép vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của người bán lẫn người mua, đáp ứng được các tiêu chí ngon-bổ-rẻ.
"Ngoài sử dụng SIM ghép, bạn có thể bỏ một số tiền để mua mã code của các nhà mạng nước ngoài, tùy thuộc vào thị trường xách tay để mở khóa.
Biến những chiếc iPhone Lock trở thành phiên bản quốc tế. Tuy nhiên, cách này tốn kha khá tiền của bạn và có thể đắt hơn nhiều nếu bạn mua một mẫu máy quốc tế ngay từ đầu".
Việc SIM ghép liên tục bị vô hiệu hóa đã khiến thị trường iPhone Lock tụt dốc không phanh, nhiều cửa hàng thừa nhận, kể từ khi SIM ghép bị vô hiệu hóa lần thứ 2, doanh số iPhone Lock đã giảm thảm hại.
"Người tiêu dùng khá lọ ngại về mức độ rủi ro khi mua các sản phẩm iPhone Lock, họ sợ một ngày nào đó chiếc iPhone của mình trở thành cục gạch mà không sử dụng được", anh Thuận nói.
Bản thân anh Thuận cũng đang chán việc kinh doanh iPhone Lock vì nhiều lỗi lặt vặt, hay bị fix lỗi, lời không nhiều.
Video: iPhone X đang hạ bệ Android
Theo khảo sát của PV báo điện tử VTC News, giá bán các mẫu iPhone cũ bản không nhà mạng không nhà mạng đắt hơn khá nhiều so với các sản phẩm Lock.
Đặc biệt, các mẫu iPhone đời cao thường có mức chênh cao hơn. Cụ thể, iPhone 6s cũ bản không nhà mạng có giá bán phổ biến từ 6 - 6,5 triệu đồng, trong khi các mẫu iPhone 6s lock cũ rẻ hơn 2 triệu đồng, dao động trong khoảng 4 - 4,3 triệu đồng, iPhone 6s lock mới 100% có giá 5 - 5,2 triệu đồng.
Trong khi đó, iPhone 7 cũ hàng lock có giá 7,8 triệu đồng, iPhone 7 lock mới 100% có giá 9 triệu đồng rẻ hơn nhiều so với iPhone 7 cũ bản không nhà mạng có giá 9,7 triệu đồng.