Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng nghiên cứu và triển khai kịp thời các giải pháp để hỗ trợ thị trường chứng khoán ổn định.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính yêu cầu đẩy nhanh nghiên cứu giải pháp để ngăn chặn việc cổ đông nội bộ giao dịch cổ phiếu mà không công bố thông tin trước khi giao dịch, đề xuất giải pháp chặn kỹ thuật, cũng như kiến nghị sửa đổi các quy định có liên quan về giao dịch chứng khoán.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao vai trò giám sát của các tuyến giám sát, nhất là giám sát tuyến đầu của các Sở giao dịch chứng khoán trong kịp thời phát hiện dấu hiệu giao dịch bất thường, vi phạm trên thị trường để kịp thời cảnh báo cho nhà đầu tư. Thực hiện thanh kiểm tra giao dịch chứng khoán khi có dấu hiệu bất thường, thao túng.
Sớm nghiên cứu các giải pháp ngăn chặn giao dịch cổ phiếu nội bộ mà không công bố thông tin. (Ảnh minh hoạ).
Bộ Tài chính cho biết thêm, bên cạnh các giải pháp quyết liệt để hỗ trợ thị trường trong ngắn và dài hạn, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán, thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra, giám sát các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán có khách hàng có báo cáo tài chính sai lệch hoặc có nhiều sai sót theo kế hoạch đã được phê duyệt. Dựa trên kết quả giám sát, kiểm tra sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Việc bán "chui" cổ phiếu đã có chế tài xử phạt nhưng theo các chuyên gia, việc xử phạt chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, Nghị định 128/2021 (sửa đổi bổ sung cho nghị định 156/2020) có hiệu lực từ đầu năm 2022 quy định hành vi tái vi phạm không công bố thông tin dự kiến giao dịch mua bán cổ phiếu có thể bị buộc khắc phục hậu quả bằng cách thu hồi chứng khoán đã bán, hoàn trả cho nhà đầu tư. Các tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc nộp lại khoản lợi bất chính hoặc khoản thu trái pháp luật.
Một số biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán được quy định tại nghị định 155/2020 là phong tỏa tài khoản chứng khoán khi cần xác minh tình tiết làm căn cứ để ban hành quyết định xử lý vi phạm. Đây là động thái cần thiết nhằm ngăn chặn tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện vi phạm hoặc khi cần ngăn chặn ngay hành vi tẩu tán tiền, chứng khoán có liên quan đến hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mức xử phạt hành chính tối đa 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân là chưa thỏa đáng. Theo một chuyên gia, chỉ cần áp theo mức phạt từ 5 - 250 triệu đồng đối với những giao dịch "chui" có tổng giá trị theo mệnh giá từ 50 triệu đồng đến dưới 10 tỷ đồng, phạt từ 3 - 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế đối với những giao dịch "chui" từ 10 tỷ đồng trở lên là hợp lý.