Đến Ninh Thuận mùa nắng hạn, bất cứ ai nhìn hình ảnh đàn cừu còm cõi đi mót từng ngọn cỏ cũng đều xót xa, và càng xót xa hơn trước cảnh bà con nơi đây chắt chiu từng giọt nước…Do đó, để chống sa mạc hóa ở miền Trung, việc khôi phục lại những cánh rừng là việc làm cấp bách, là biện pháp hữu hiệu và bền vững nhất để giành lại sự sống cho mảnh đất này.
Người ta ví cây neem như một tặng vật mà thiên nhiên đã ưu ái dành cho những vùng đất có khí hậu khắc nghiệt.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận, trồng rừng là giải pháp giữ nước hiệu quả nhất giúp duy trì nguồn nước ngầm cho cộng đồng dân cư nơi đây. Nhưng, khu vực bán khô hạn kéo dọc từ huyện Ninh Hải, Thuận Bắc và Thuận Nam, việc phát triển rừng ở đồi núi ven biển gặp nhiều khó khăn do những bất lợi về thời tiết, địa hình và thói quen chăn thả gia súc của người dân địa phương.
Nhiều năm trước, được sự đầu tư của UBND tỉnh, rất nhiều chương trình trồng rừng đã được thực hiện, trong đó keo và bạch đàn là hai loại cây đầu tiên. Chúng đã được dùng để phủ xanh ở nhiều nơi, nhưng khi vào đất Ninh Thuận thì không trụ được với cái nắng nóng khốc liệt ở vùng đất này, thêm nữa, những cây non mới trồng đều bị gia súc cắn phá gây hư hại.
Năm 1981, nhà khoa học Lâm Công Định đưa từ châu Phi về một loài cây mới có tên là cây neem. Nó giống như cây xoan nhưng lớn nhanh, lá nhiều, thân to và chịu hạn giỏi hơn, người ta gọi nó là “cây xoan chịu hạn”. Ông Định cho trồng thử nghiệm ở tỉnh Minh Hải (cũ).
Neem thời kỳ đó gần như là loài cây duy nhất có thể chịu được cái nắng như thiêu, như đốt ở đây. Ngay ở những nơi nóng nhất, khô nhất ở Ninh Thuận, trong khi các loài cây khác đều chết thì neem vẫn sống và vươn lên xanh tốt.
Ngành lâm nghiệp đã đánh giá rất cao giá trị phủ xanh của cây neem ở những vùng khô hạn này, từ đó neem được trồng phổ biến trong dân.
Neem được trồng quanh nhà, dọc các lối đi, trồng trong các công sở, trường học, trồng ngay trên các con đường ở thành phố Tháp Chàm… để lấy bóng mát, trồng dọc các lối đi để làm đẹp, trồng quanh vườn để chống bão cát…
Người ta ví cây neem như một tặng vật mà thiên nhiên đã ưu ái dành cho những vùng đất có khí hậu khắc nghiệt.
Ở Phước Dinh (Thuận Nam, Ninh Thuận), ngành nông nghiệp trồng cả ngàn héc-ta neem trên một dải cát mênh mông.
Theo một số tài liệu khoa học, toàn thân cây neem là nguồn dược liệu quí, cây càng già thì dược tính càng cao (tuổi thọ của neem đến 200 năm) có thể bào chế để chữa nhiều chứng bệnh như thủy đậu, tiểu đường, loét dạ dày, lao, phong...
Lá cây neem chiết xuất thành nhiều loại mỹ phẩm có giá trị. Đặc biệt với chức năng thanh lọc khí hiếm có, đồng thời giữ được độ ẩm của đất, cây neem được các chuyên gia nông nghiệp xem trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội những vùng khô hạn.Năm 2008, Sở NN&PTNT khẳng định, neem được coi là hai loại cây trồng chủ lực, cây đa mục đích và có giá trị kinh tế được các nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước đánh giá cao bởi tính ưu việt của loại cây này trong phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường. Cây sinh trưởng và phát triển tốt, thích ứng cao với khí hậu vùng khô hạn; bảo vệ môi trường sinh thái.
Với lợi ích kinh tế mà cây neem đang mang lại, tỉnh Ninh Thuận có phương án mở rộng diện tích trồng lên hơn 6.000 ha theo phương thức trồng tập trung và trồng phân tán để góp phần hạn chế và tiến đến chặn đứng nguy cơ sa mạc, hoang mạc hóa đất trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ cho nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây neem.
Năm 2015, khi cây thanh thất được phát hiện và chứng tỏ được khả năng chịu hạn “vô địch” thì neem và thanh thất trở thành hai loại cây chủ lực trong hành trình phủ xanh đất trống núi trọc. Sau thời gian trồng song song neem và thanh thất, các nhà chuyên môn và người dân khẳng định thanh thất là loài cây trồng rừng đạt hiệu quả nhất về sinh trưởng và đạt tiêu chí thành rừng.
So với neem, thanh thất có một ưu điểm vượt trội đó là loài bản địa, không bị dê, cừu ăn mất lá. Trong điều kiện khô hạn và thiếu thức ăn, nhiều lúc dê, cừu còn ăn cả lá neem, thế nhưng lá cây thanh thất lại không bị chúng phá hoại.
Thêm nữa, dưới tán cây neem không có thảm thực vật hay loài cây thân gỗ bản địa nào có thể cộng sinh được. Vì vậy, trồng neem tuy có tạo được mảng xanh, cây có thể phát triển trên đất khô hạn nhưng về lâu dài sẽ khó giải quyết được bài toán giữ đất, chống sa mạc hóa.
Những thân cây thanh thất khẳng khiu đang vươn mầm xanh, trổ nhánh trên cành.
Chạy dọc theo cung đường Cà Ná - Mũi Dinh (Thuận Nam), khu vực ven biển thuộc hai huyện Thuận Nam, huyện Ninh Phước - nơi cách đây 7 - 8 năm chỉ có những dãy núi đá, ở đó đá chồng lên đá, lởm chởm những tảng đá to nhỏ, khô trắng, trơ trụi, thảng hoặc xuất hiện những cây xương rồng,… thì giờ là màu xanh reo vui trên đá, những thân cây thanh thất khẳng khiu đang vươn mầm xanh, trổ nhánh trên cành, có những cây đã cao hơn 5 m.
Loài cây này, gia súc không ăn được nhưng do thân thẳng ít phát tán, nên cây bụi và dây leo có thể phát triển bên dưới và cũng là phần thức ăn cho đàn gia súc chăn thả rông của người dân.
Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam phải thuê hàng trăm nhân công dùng gùi hoặc bao vải "cõng" cây đi bộ hàng chục cây số đường rừng để đưa cây thanh thất từ vườn ươm lên các vị trí trồng.
“Trụ hạn khởi đầu nan”, các chiến binh trụ hạn thanh thất, muồng đen, cóc hành, bằng lăng vẫn đang kiên cường vươn lên. Mỗi cây có chiến thuật khác nhau, cây rụng lá nhằm giảm sự thoát hơi nước, cây lớn chậm mà chắc để cố gắng trụ qua mùa hạn. Thanh thất như “người anh cả” thân hình khẳng khiu mạnh mẽ vươn lên, thách thức nắng hạn.
Theo đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) ven biển Thuận Nam, năm 2015, ngành NN&PTNT đã trồng thử nghiệm cây thanh thất trên diện tích 10 ha thuộc lâm phần của Ban.
Để đưa cây thanh thất từ vườn ươm lên các vị trí trồng, Ban phải thuê hàng trăm nhân công dùng gùi hoặc bao vải "cõng" cây đi bộ hàng chục cây số đường rừng. Vì vậy, những người "trồng cây gây rừng" của Ban QLRPHVB Thuận Nam hay nói vui với nhau rằng “cõng” thanh thất đi trồng là công việc của những con ong đi tìm mật ngọt.
Đến nay Ban QLRPHVB Thuận Nam đã trồng được hơn 568 ha cây thanh thất trên các địa bàn 3 xã. Hiện tỉ lệ cây sống đạt trên 90% so với mật độ trồng ban đầu, mùa hạn cây vẫn phát triển và sinh trưởng tốt. Chiều cao của cây 2 - 5m, đường kính gốc 8 - 12cm, đường kính tán 1,2 - 3 m.
Nhọc nhằn hành trình trồng cây trên đá.
Đứng dưới rừng thanh thất mọc đều thẳng tắp trên nền đất đá, ông Lê Xuân Hòa, Trưởng Ban QLRPHVB Thuận Nam cho hay, bén rễ và phát triển tốt sau 8 năm kể từ ngày được Ban QLRPHVB Thuận Nam trồng thử nghiệm, cây thanh thất đang dần phủ xanh những vùng núi đá khô cằn phía nam của tỉnh vốn trước đây chỉ nhìn thấy đá, mở ra cơ hội tăng độ che phủ rừng, đồng thời, góp phần cải thiện môi trường địa phương.
Trưởng Ban QLRPHVB Thuận Nam cho biết, khu vực trồng rừng thuộc Ban QLRPHVB Thuận Nam có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt với thời tiết nóng, khô hạn quanh năm, đất nghèo chất dinh dưỡng, xói mòn mạnh, tầng đất mặt mỏng, tỷ lệ đá lẫn cao thì việc trồng thành công cây thanh thất đã góp phần phủ xanh các vùng núi đá.
Việc trồng cây thanh thất còn tạo mạch nước ngầm, tăng độ che phủ rừng, tạo điều kiện cho người dân có thể chăn nuôi gia súc dưới tán rừng, đồng thời mở ra hướng mới trong việc lựa chọn loài cây triển vọng cho việc phục hồi rừng tại các vùng đồi núi ven biển huyện Thuận Nam.
Không chỉ phát triển mạnh tại Thuận Nam, tại xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), khu vực Vườn Quốc gia Núi Chúa, ngoài thảo nguyên cây gai đặc trưng thì Núi Chúa nay còn được che phủ bởi một màu xanh cây thanh thất.
Từ đầu khu vực rừng ở thôn Đá Hang trải dài xuống mép biển ở Núi Chúa là một màu xanh thẳm của cây thanh thất. Loài cây này cũng được Vườn Quốc gia Núi Chúa "chọn mặt gửi vàng" khi được trồng làm cảnh trang trí dọc tuyến đường trung tâm từ tỉnh lộ 702 dẫn vào công viên đá.
Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, đến nay toàn tỉnh Ninh Thuận có tổng diện tích trồng rừng bằng loài cây thanh thất khoảng hơn 1.200 ha. Thanh thất đã có mặt ở hầu hết các cánh rừng ở Ninh Thuận, đặc biệt là rừng núi đá ven biển trải dài từ huyện Thuận Nam đến Núi Chúa ở hai huyện Ninh Hải, Thuận Bắc.
Trồng rừng trên đá - điều tưởng như khó này lại thực hiện thành công tại vùng núi đá Ninh Thuận, mở ra cơ hội tăng độ che phủ rừng cho vùng đất đầy nắng và gió này. Và cây thanh thất với sức sống bền bỉ, dẻo dai trở thành loài cây mang nhiệm vụ kiên cường giữ nước của Ninh Thuận.
Thanh thất đang chống lại cái "gió như phang, nắng như rang" của Ninh Thuận. Cỏ xung quanh đã cháy rụi, bụi cây rừng rụng lá nhưng bằng chiến lược đâm rễ thật sâu, ưu tiên phát triển thân cây, ít tán lá, thanh thất vẫn vững vàng trụ hạn, tỏa tán xanh mướt.
Theo Sở NN & PTNT Ninh Thuận, với cây thanh thất, vùng đất khô cằn, khắc nghiệt phía nam của tỉnh đang được hồi sinh một cách rõ rệt. Việc trồng thành công cây thanh thất đã góp phần phủ xanh các vùng núi đá, tăng độ che phủ rừng, tạo điều kiện cho người dân có thể chăn nuôi gia súc dưới tán rừng.
Đồng thời, mở ra hướng mới trong việc lựa chọn loài cây triển vọng để trồng phục hồi rừng tại các khu vực rừng núi đá, rừng phòng hộ ven biển ở Ninh Thuận và cho cả khu vực Nam Trung bộ hiện nay.
Để ứng phó với điều kiện khí hậu không thuận lợi, từ hơn 10 năm trước Ninh Thuận tích cực chuyển đổi diện tích đất lúa sản xuất kém hiệu quả, đất vườn tạp sang trồng các loại cây trồng cạn, cây ăn quả kết hợp ứng dụng khoa học - kỹ thuật gắn với liên kết trong sản xuất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho giá trị kinh tế cao.
Hiện, diện tích cây ăn quả của Ninh Thuận khoảng 5.951 ha, tập trung ở các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Nam và TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Ngoài cây nho - “đại sứ” thương hiệu của vùng đất này, các trái cây chủ lực được tập trung mở rộng diện tích còn có: táo, bưởi da xanh, bơ, măng cụt, chôm chôm, mít, xoài…
Cây nho - “đại sứ” thương hiệu của vùng đất Ninh Thuận
Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, các loại cây ăn quả đã mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và vườn tạp trước đây. Với lợi thế sẵn có, nhiều vùng đất hoang hóa ở Ninh Thuận, nông dân đã phát triển mô hình du lịch vườn và tìm được hướng đi tốt để vươn lên thoát nghèo bền vững và xây dựng quê hương ngày trù phú hơn.
Đặc biệt, các loại trái cây này cũng được trồng xen canh trên những vạt đồi, triền núi,… Nhờ triển khai hình thức giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng và phát triển sinh kế gắn với bảo vệ rừng cho các tổ cộng đồng và hộ nhận khoán để trồng cây ăn quả trên gò đồi, triền núi, chăn nuôi dưới tán rừng đã giúp thu nhập của người dân tăng đáng kể. Đồng bào dân tộc không còn nghĩ đến chuyện phải leo ngược lên núi để trồng, tỉa hoặc khai thác lâm sản trái phép như trước.
Tỉnh Ninh Thuận hiện có trên 200.000 ha diện tích rừng và đất rừng, trong đó diện tích đất có rừng 160,4 ngàn ha và diện tích đất chưa có rừng gần 40.000 ha.
Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, từ năm 2016 đến nay, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã giao khoán cho tổ cộng đồng, hộ dân nhận bảo vệ rừng tại các địa phương với diện tích 52.200 ha, với mức hỗ trợ từ 300 - 400 nghìn đồng/năm/ha.
Với hàng nghìn héc-ta rừng được nhận khoán bảo vệ, người dân trồng nhiều giống cây ăn quả như bưởi, măng cụt, chăn nuôi bò... mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng, đời sống được cải thiện, nâng cao nhiều.
Theo Sở NN&PTNT, để nâng cao hiệu quả rừng trồng, các đơn vị tăng cường trồng nhiều loại cây có khả năng thích ứng với khí hậu khô hạn như: cây trôm, neem, thanh thất, keo lai, lim, điều và các loại cây phụ trợ có giá trị kinh tế như mít, bơ, bưởi… nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, việc chuyển đổi cây trồng giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới, giảm từ 25 - 30% so với trồng lúa, hạn chế việc khai thác nước ngầm, lượng nước để sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt, nước uống cho gia súc và dự trữ, điều tiết cho sản xuất các vụ tiếp theo.
Cây thanh thất (tên khoa học Ailanthus triphysa) hay còn có tên gọi khác là cây bút, thuộc họ thanh thất (Simaroubaceae). Đây là loài cây gỗ lớn, có thể cao tới 30 m, có đường kính 1,2 m, thân tròn thẳng, phân cành cao, vỏ xám nâu, có mùi hắc...
Ở Việt Nam, cây mọc rải rác trong rừng thứ sinh ở các tỉnh từ Bắc tới Nam, phân bố ở độ cao từ 60 - 1.500 m so với mực nước biển.