Học thêm mới đỗ
Hà Nội hiện có 4 trường THPT chuyên và trường có lớp chuyên bao gồm: THPT Chu Văn An; THPT Sơn Tây; THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, THPT Chuyên Nguyễn Huệ. Hằng năm, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của các trường này rất thấp nhưng thường có lượng học sinh đăng ký lên con số hàng nghìn, tỷ lệ chọi có khối lớp lên tới 1/14.
Đặc biệt, hệ THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam (Hà Nội) và hệ THCS Trường THPT Chuyên Đại Nghĩa (TP HCM) luôn khiến phụ huynh phát sốt tìm kiếm thông tin thi cử cho con.
Mỗi năm, các trường này chỉ tuyển trên dưới 200 em với phương thức tuyển sinh xét tuyển hồ sơ, học bạ và thi tuyển 3 môn Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ. Năm ngoái, để lọt được vòng hồ sơ, điểm tổng kết các môn từ lớp 1 đến lớp 5 chỉ duy nhất 1 điểm 9, các môn còn lại phải điểm 10. Vì thế, khi danh sách gần 1.000 thí sinh lọt qua vòng hồ sơ, bảng điểm “đẹp như mơ”, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng thốt lên “thần đồng”.
Với nhiều phụ huynh ở Hà Nội, con được học trường danh giá này luôn là một giấc mơ nên nhiều người không ngần ngại cho con luyện thi từ sớm.
Học sinh dự thi vào lớp 6, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam.
Ngoài hệ thống trường chuyên thuộc Sở, hiện nay nhiều trường ĐH cũng thành lập hệ thống trường THPT chuyên. Chị Nguyễn Ngọc Ngân, ở Nguyễn Du, Hà Nội cho biết, năm nay, con trai chị thi lớp 10. Mục tiêu vào học chuyên toán ở một trường THPT chuyên (thuộc trường ĐH) trên địa bàn Hà Nội.
Sau khi tìm hiểu chị Ngân đi đến kết luận, muốn thi vào bất kỳ trường THPT chuyên nào thuộc các trường ĐH phải tìm giáo viên của chính trường đó để ôn luyện. “Mỗi trường một kiểu đề, nếu không học thêm, học sinh có đỗ trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam cũng chưa chắc đã đỗ những trường này. Các thầy dạy Toán cho con cũng khuyên như vậy”, chị Ngân khẳng định.
Nhiều khi là ước muốn của cha mẹ
Chị Thái Thị Hà Thanh, ở quận Hà Đông (Hà Nội) có con học 7 năm Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, hiện đang du học theo diện học bổng Nhà nước tại Hungary. Chị chia sẻ, ở trường chuyên, giáo viên yêu cầu học sinh tự học là chính nhưng khi kiểm tra, đánh giá lại yêu cầu mặt bằng chất lượng cao, do đó, học sinh chịu áp lực lớn phải đi học thêm ở ngoài.
Đặc biệt, những học sinh tham gia các kỳ thi quốc gia, quốc tế phải chịu áp lực rất lớn về việc giành giải thưởng, lấy thành tích cho trường. Còn ở hệ thường, học sinh học nhẹ nhàng hơn nhưng không tránh khỏi học lệch các môn. “Với cách học ở đây, nếu học sinh không thực sự có năng lực, các em sẽ rất căng thẳng, đặc biệt là điểm số và vượt qua các kỳ kiểm tra, đánh giá”, chị Thanh nói.
Chị Thanh thừa nhận, gia đình cũng hy vọng học ở đây, con được học thầy cô giỏi, bạn giỏi để nỗ lực giành học bổng du học nước ngoài. Ban đầu, con đặt mục tiêu lấy được học bổng du học Singapore nhưng không đạt, phải đi đường vòng bằng cách thi tiếp lên ĐH Sư phạm 1 Hà Nội. Kết quả học tập xuất sắc, con đã được cấp học bổng với cam kết sẽ về nước dạy học.
Cô Phạm Thái Lê, giáo viên Trường THCS - THPT Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, xu hướng giáo dục hiện nay đào tạo con người phát triển toàn diện. Trong khi trường chuyên lớp chọn lại đi theo hướng chú trọng vào phát triển năng lực IQ.
“Thực tế cuộc sống có học sinh học chuyên Toán, từng tham gia đội tuyển Toán quốc tế nhưng không phân biệt nổi rau ngót và rau thơm. Một học sinh chuyên Văn khác thì luôn bị lừa ở ngoài đời, mua bán gì cũng hớ…”, cô Lê nói.
Cô giáo này chỉ ra thực tế, nhiều phụ huynh nhắm tới trường chuyên, lớp chọn, luyện thi để vào bằng được vì mong có môi trường, động lực học, có bệ phóng tốt để đi du học. “Chưa cần biết đứa trẻ thế nào nhưng khi nghe nói cháu học trường A trường B là có sự xuýt xoa trầm trồ. Vì vậy, cuộc chạy đua vào trường chuyên lớp chọn chưa chắc do trẻ yêu thích mà nhiều khi chỉ bởi niềm kiêu hãnh, là ước muốn, ý chí của chính cha mẹ”, cô Lê phân tích.