Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đề xuất bán trường chuyên: Hàng loạt cựu học sinh Amsterdam bày tỏ tâm tư

(VTC News) -

Nhiều cựu học sinh trường Amsterdam cho rằng việc bán trường chuyên cho tư nhân không tạo ra sự bình đẳng, thậm chí sẽ làm học phí tăng và biến chất trường chuyên.

Những ngày qua, quan điểm "nên giải thể hoặc tư nhân hóa trường chuyên, đặc biệt là trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam" của PGS-TS Nguyễn Đức Thành - một chuyên gia kinh tế - khiến dư luận tranh cãi nảy lửa. 

Một số ý kiến đồng thuận, ủng hộ việc bán trường chuyên để đảm bảo sự công bằng trong giáo dục, tất cả học sinh đều được hưởng quyền lợi như nhau trong học tập.

Ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và hệ thống trường chuyên trên cả nước góp phần không nhỏ bồi dưỡng nhân tài mang lại niềm tự hào cho đất nước, cho các địa phương. Và đặc biệt là không nên giải thể trường chuyên.

Xoá bỏ trường chuyên là cào bằng!

Chị Nguyễn Thu Hiền (cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam khoá 1991- 1994) cho rằng, ngoài việc tuyển sinh đầu vào gắt gao thì tỷ lệ học sinh tham gia các cuộc thi khoa học quốc tế rất nhỏ so với tổng số học sinh toàn trường.

Phần lớn mục tiêu của các em là làm đẹp hồ sơ để có nhiều lựa chọn xét học bổng du học. Trước đây các trường chuyên đào tạo học sinh xuất sắc để cống hiến cho đất nước. Còn bây giờ, các trường chuyên có còn đúng nghĩa như vậy không? Hay chỉ là nơi "luyện gà nòi" để chọi nhau, lấy thành tích du học. Điều này có đang làm lãng phí ngân sách?”, chị bày tỏ quan điểm.

Cả hai vợ chồng đều là học sinh trường chuyên Amsterdam những năm đầu thập kỷ 90, tuy nhiên chị Hiền thừa nhận không muốn con vào học tại ngôi trường này vì tiêu chuẩn tuyển sinh của trường hiện nay quá cao, gây áp lực về điểm số.

Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam.

Trái ngược với luồng ý kiến cho rằng nên xóa bỏ và bán trường chuyên cho tư nhân, không ít cựu học sinh mong muốn giữ lại ngôi trường được đánh giá nổi bật trong hệ thống giáo dục phổ thông ở thủ đô.

Anh Đỗ Hoàng Hà (cựu học sinh trường Amsterdam khoá 1999- 2001) thẳng thắn phản biện, người đưa ra đề xuất này đang cào bằng tất cả các trường chuyên cả nước.

Cạnh tranh khốc liệt khi xét tuyển, ngân sách đầu tư rất lớn, chỉ có học sinh “giàu” và giỏi mới có cửa vào… liệu có đúng với tất cả trường chuyên các tỉnh và trường chuyên tổng hợp, sư phạm?

Trường Amsterdam chỉ là một, còn ít nhất 63 trường chuyên ở 63 tỉnh, thành phố nơi mà phần lớn là các em học sinh xuất thân từ gia đình không khá giả gì và vẫn vươn lên bằng chính sức học của bản thân. Dẹp bỏ trường chuyên là cướp đi cơ hội được học tập ở môi trường chất lượng cao hơn của những em vốn có năng lực xuất sắc hơn”, anh phản bác đề xuất của TS Thành.

Đồng thời, vị này cho rằng việc bán trường chuyên Amsterdam cho tư nhân không hề tạo ra sự bình đẳng như đề xuất này đưa ra. Thậm chí tư nhân hoá sẽ làm học phí tăng cao và biến chất trường chuyên.

“Bình đẳng ở đâu khi trường đã bị tư nhân hóa, những học sinh có học lực tốt, đáng lẽ được thi công khai, có cơ hội để được vào trường chuyên, được đào tạo lên sẽ phải ngậm ngùi từ bỏ vì không đủ học phí? Nếu nói rằng cấp học bổng cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn thì chi bao nhiêu cho đủ?”

Theo anh Hà, hiện nay trên thế giới vẫn tồn tại và duy trì hệ thống các trường chuyên, trong đó có cả các quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu thế giới như: Mỹ, Canada, Australia, Anh, Singapore… nên xóa bỏ trường chuyên là bất cập và không tiệm cận với quốc tế.

Phá bỏ cái nôi đào tạo người tài?

Bên cạnh áp lực trong việc chạy đua về điểm số, một số lập luận cho rằng các trường chuyên được đầu tư quá nhiều, vô tình trở thành trường học của con nhà giàu.

Phản bác lại quan điểm, anh Lê Ngọc Phương (cựu học sinh trường Amsterdam khoá 2005-2008) cho rằng, mục tiêu của trường chuyên là để đào tạo “người tài” cho mỗi địa phương, cho đất nước. Cho tới ngày hôm nay, trường chuyên Amsterdam và chuyên trong cả nước đang làm rất tốt nhiệm vụ đó.

Ngoài kiến thức, trường chuyên là môi trường cạnh tranh công bằng từ học lực đến cơ hội thành tài. Những lứa học sinh chúng tôi đều đã thành công từ trong nước đến quốc tế. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho việc chú trọng bồi dưỡng đào tạo từ gốc, trái ngọt thành công càng đậm đà, anh Phương nói.

Từ những thành quả đó, các trường chuyên được địa phương ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ quản lý và giáo viên là điều dễ thấy, dễ hiểu.

Thử hỏi, “nếu môi trường học không có sự cạnh tranh, không có ganh đua thì học sinh lấy đâu ra động lực để cố gắng và thi đua học tốt. Nếu vì lý do ngân sách thì nên xem xét điều chỉnh phương thức huy động các nguồn lực của xã hội cho việc đổi mới phương thức đào tạo của các trường chuyên, không nên quá cực đoan xoá bỏ”, vị này cho hay.

Từ lâu, mô hình trường chuyên được coi là chuẩn mực, đầu tàu tạo ra những thế hệ học sinh “học tập tốt, rèn luyện tốt, ý thức tốt”. Chính vì lí do đó, khiến phụ huynh đã không tiếc tiền chạy đua cho con trẻ 1 suất vào môi trường học tập tốt toàn diện. Các trường chuyên vẫn luôn là niềm tự hào, là đặc sản giáo dục của mỗi địa phương.

Học sinh khối THPT. (Ảnh minh hoạ)

Anh Hoàng Công Minh, (cựu học sinh trường chuyên Hà Nội- Amsterdam khoá 2009-2012) cho rằng, đây không phải lần đầu tiên dư luận tranh cãi việc nên xoá bỏ hay thay đổi mô hình trường chuyên lớp chọn.

Là một cựu học sinh trường chuyên, Công Minh chưa bao giờ hối hận vì đã vào trường chuyên Hà Nội-  Amsterdam để học. Cậu cho rằng, trường không chỉ dạy những lứa học sinh học sinh kiến thức mà dạy mình rất nhiều kiến thức về hoạt động xã hội.

“Tôi không tán thành việc bỏ trường chuyên nói chung và Amsterdam nói riêng. Bởi vì trường chuyên đang mở ra cơ hội học tập chất lượng cao, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu về một môn học, chuyên môn để phát huy thế mạnh của họ. Mô hình trường chuyên được coi như tinh hoa, là cái nôi của khác biệt và thành công”, vị này nói.

Đa số cựu học sinh đều cho rằng, trường chuyên khác trường thường ở chỗ chia ra thành nhiều lớp với môn chuyên khác nhau, những học sinh có thế mạnh về môn học nào sẽ xếp chung lớp để được đào tạo sâu hơn, đó cũng là điểm lợi trong bồi dưỡng và định hướng tương lai mà họ được hưởng.

Hà Cường

Tin mới