Nên giữ hay bỏ trường chuyên?
Trong mùa tuyển sinh vào lớp 6 năm 2020, các đối tượng học sinh muốn đăng ký dự thi vào lớp 6 trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, phải trải qua vòng sơ tuyển cam go. Nếu kết quả học lực trung bình môn trong 5 năm học tiểu học đạt hầu hết 10 điểm ở các môn thì mới đủ điều kiện dự thi. Đây không phải năm đầu tiên trường chuyên Amsterdam- Hà Nội đưa ra điều kiện sơ tuyển như vậy.
Trước sự việc trên, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành- một cựu học sinh trường Amsterdam khoá 1992-1995 đã đề xuất nên xóa bỏ mô hình trường chuyên trên cả nước, để tránh áp lực cho học sinh.
Ông cho rằng, mô hình trường chuyên tồn tại nhiều bất cập như: Bất công- mô hình lấy của người nghèo chia cho người giàu. Trường sử dụng ngân sách nhà nước từ thuế của nhiều bố mẹ khác để đầu tư cho học sinh trong trường là không công bằng.
Đồng thời, việc chạy đua để vào trường chuyên khiến nảy sinh các tiêu cực như phụ huynh chạy chọt để con em có bảng điểm đẹp, có giải thưởng, làm gia tăng dạy thêm, học thêm...
Mô hình “trường chuyên” hay “trường năng khiếu” ra đời hơn 40 năm nay, được coi là một thiết chế giáo dục công lập đặc biệt ở Việt Nam - nơi tuyển chọn và đào tạo những cá nhân suất sắc nhất của một lứa học sinh.
Kết quả nổi bật nhất của các trường chuyên công lập là những giải thưởng học sinh giỏi quốc tế, quốc gia. Việc được học trường chuyên cũng là niềm tự hào của nhiều học sinh, gia đình. Trường chuyên cũng làm nên danh tiếng, thương hiệu của nhiều địa phương.
Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam. (Ảnh minh hoạ)
Thế nhưng, vấn đề “giữ” hay “bỏ” mô hình trường chuyên đã được đặt ra nhiều lần. Thực tế, trong Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020 tới đây), trong các loại hình nhà trường của hệ thống giáo dục quốc dân, không có mô hình trường chuyên, lớp chọn.
Dù luật không quy định, nhưng thực tế, hiện nay trên cả nước, mỗi tỉnh đều có ít nhất 1 trường chuyên. Các địa phương rất quan tâm và đầu tư nhiều kinh phí, tiền bạc cho các trường chuyên với kỳ vọng hằng năm sẽ gặt hái được thành tích.
Quan điểm của ông Thành những ngày qua đã gây ra nhiều tranh cãi, nhiều người đồng ý nên xoá bỏ trường chuyên, lớp chọn để học sinh được hưởng sự công bằng và không áp lực học tập. Ngược lại nhiều ý kiến cho rằng, duy trì trường chuyên là sự tiến bộ và cần thiết.
Không xóa bỏ nhưng cần đổi mới
TS Vương Thanh Nga, một chuyên gia tư vấn và định hướng giáo dục trẻ em nhận định, mô hình trường chuyên lớp chọn vẫn cần thiết trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay. Thay vì xoá bỏ, chúng ta nên có những đổi mới cho phù hợp hơn. "Nếu chỉ vì những cuộc chạy đua điểm số khốc liệt mà xoá bỏ trường chuyên là lối tư duy cực đoan".
Vị chuyên gia chỉ ra, chúng ta cần xác định rõ đâu là nguồn cơn tạo nên áp lực học tập và những cuộc chạy đua khốc liệt đó. Chính phụ huynh là người luôn muốn con học trường chuyên để làm rạng danh gia đình nên mỗi mùa tuyển sinh đến đều ép con trẻ vào guồng học, guồng chạy đua đó.
Có những phụ huynh không tiếc tiền bạc, thời gian để đầu tư cho con có một bảng kết quả học tập 100% các môn đều điểm 10. Rồi thuê gia sư cho con đi học thêm ngày đêm với mong muốn con có được một suất vào trường chuyên; lớp chọn. Mong muốn tương lai của con tốt đẹp là không sai, nhưng nhiều phụ huynh đang bị cuồng mác trường chuyên, TS Nga nói.
Các trường chuyên, lớp chọn họ vẫn đang làm đúng mục tiêu là chọn ra những tinh hoa để đào tạo nhân tài cho mai sau. Các trường chuyên không sai. Chỉ tiêu tuyển sinh vào trường mỗi năm có hạn, trong khi hồ sơ nộp dự tuyển quá nhiều, buộc lòng nhà trường phải đưa ra tiêu chí xét tuyển học bạ, giải thưởng để sàng lọc.
TS Nga cho rằng, quan trọng nhất là phụ huynh cần thay đổi tư duy và nhận thức trong việc lựa chọn môi trường giáo dục phù hợp với con em mình. Không phải đứa trẻ nào cũng phù hợp với trường chuyên, lớp chọn, cần xét đến năng lực học tập, tố chất và đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ.
Học sinh khối THCS. (Ảnh minh hoạ)
Ngoài áp lực trong việc chạy đua về điểm số, một số lập luận cho rằng các trường chuyên được đầu tư quá nhiều, vô tình trở thành trường học của con nhà giàu.
Bác bỏ ý kiến trên, ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, mục tiêu của trường chuyên là để đào tạo “người tài” cho mỗi địa phương, cho đất nước. Các trường chuyên phải được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ quản lý và giáo viên là điều dễ thấy, dễ hiểu.
Nếu có thay đổi, thì chỉ nên xem xét điều chỉnh phương thức đào tạo, phương thức tuyển chọn và phương thức huy động các nguồn lực của xã hội cho việc đổi mới phương thức đào tạo của các trường chuyên, không nên quá cực đoan cho việc đổi mới trường chuyên lớp chọn, vị này nói.
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, mô hình trường chuyên, lớp chọn là để phát hiện khuyến khích, đào tạo những học sinh tinh hoa, có năng lực xuất sắc.
Từ lâu, mô hình trường chuyên được coi là chuẩn mực, đầu tàu tạo ra những thế hệ học sinh “học tập tốt, rèn luyện tốt, ý thức tốt”. Chính vì lí do đó, khiến phụ huynh đã không tiếc tiền chạy đua cho con trẻ 1 suất vào môi trường học tập tốt toàn diện. Các trường chuyên vẫn luôn là niềm tự hào, là đặc sản giáo dục của mỗi địa phương.