Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đòi bỏ trường chuyên vì chất lượng thì trường chất lượng thấp hơn phải thế nào?

(VTC News) -

Hiện số lượng người muốn vào trường chuyên vẫn rất nhiều, như vậy trong thị trường, trường chuyên có chất lượng vẫn tốt hơn các chọn lựa khác.

Những ngày qua, quan điểm "nên giải thể hoặc tư nhân hóa trường chuyên, đặc biệt là trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam" của PGS.TS Nguyễn Đức Thành - một chuyên gia kinh tế, khiến dư luận tranh cãi nảy lửa. 

Về vấn đề này, TS. Nga Ho-Dac, trường Đại học San Francisco State (San Francisco State University), Mỹ chia sẻ các vấn đề liên quan chất lượng, công bằng và tư hữu hoá trường chuyên:

Trước khi đi vào vấn đề, tôi muốn loại bỏ một loại nguỵ biện: “Cái gì không hoàn hảo thì phải loại bỏ”. Đây là một cách nguỵ biện phổ biến để tấn công một đối tượng nào đó bằng cách chỉ ra một vài điểm yếu của đối tượng đó.

Đương nhiên không có gì hoàn hảo cả, cho nên bất kỳ đối tượng nào, dù tốt thế nào đều có thể bị tấn công bằng loại nguỵ biện này. Điều nguy hiểm của nguỵ biện này là rất dễ lừa người khác vì nó có vẻ có lý. Nhưng khi bạn nhìn rộng ra sẽ thấy, đối tượng bị tấn công nhiều khi tốt gấp mấy lần các đối tượng khác. Để tránh kiểu nguỵ biện này, bạn chỉ cần so sánh đối tượng bị tấn công và các đối tượng khác, so sánh một cách tương đối.

TS. Nga Ho-Dac, trường Đại học San Francisco State.

Trường chuyên có tốt không?

Tôi cho rằng, bất kỳ ngôi trường nào cũng có nhiều khuyết điểm. 100 năm nữa, dù có cố gắng hết sức thì các trường chuyên cũng vẫn sẽ có khuyết điểm. Tuy nhiên nếu ai đó nêu ra vài khuyết điểm để rồi kết luận rằng trường chuyên không có chất lượng nên cần phải dẹp bỏ thì là nguỵ biện.

Hiện nay số lượng người muốn vào trường chuyên vẫn rất nhiều. Như vậy, trong con mắt của thị trường, trường chuyên có chất lượng vẫn tốt hơn các chọn lựa khác. Nếu đòi dẹp bỏ trường chuyên vì vấn đề chất lượng thì những trường khác có chất lượng thấp hơn phải như thế nào?

Công bằng ở điều gì?

Về công bằng, nhiều người cho rằng việc nhà nước dùng tiền thuế để đầu tư vào trường chuyên nhiều hơn trường thường là không công bằng.

Luận điểm này có rất nhiều nguỵ biện. Thứ nhất, công bằng hay không nằm ở hiệu quả chứ không phải chi phí. Nếu không có so sánh một cách khoa học hiệu quả đào tạo giữa các trường thì không có căn cứ để bảo đầu tư vào trường chuyên nhiều hơn là không công bằng.

Thứ hai, công bằng ở cơ hội (được quyền thi vào) chứ không phải công bằng ở kết quả (được vào học). Ai cũng có quyền thi vào trường chuyên như nhau, đó là công bằng. Trong khi đó, nếu bán trường chuyên cho tư nhân, cơ hội thi vào của học sinh nghèo sẽ giảm đi vì rào cản chi phí, gia tăng bất công xã hội.

Thứ ba, công bằng là tương đối. Nếu lập luận chi tiền thuế cho các trường khác nhau là không công bằng thì các trường công thường cũng không công bằng. Có người đóng thuế ít, có người đóng thuế nhiều. Có gia đình nhiều con, có gia đình ít con.

Như vậy cũng đâu có tương quan 1:1 giữa tiền thuế đóng và lợi ích giáo dục công. Mở rộng ra, tất cả các dịch vụ công đều không "công bằng" theo luận điểm nguỵ biện đó. Người ở gần công viên sử dụng công viên nhiều hơn người ở xa. Có người sử dụng dịch vụ bệnh viện công, công an, toà án, cầu đường … nhiều hơn người khác. Nếu sử dụng luận điểm công bằng theo kiểu chi phí chia đều như thế thì phải dẹp bỏ hết dịch vụ công và hành chính công đi mới công bằng hay sao?.

TS. Nga Ho-Dac, trường Đại học San Francisco State (ở giữa) chụp ảnh cùng sinh viên.

Chê sao còn mua?

Về đề xuất bán trường chuyên cho tư nhân, so với bất công do trường chuyên gây ra được mọi người bàn tán bấy lâu, là một bất công lớn hơn nhiều. Nếu chúng ta không bảo đảm được tính công bằng trong việc ai được vào học trường chuyên, thì lấy gì bảo đảm tính công bằng trong việc ai được mua trường chuyên?

Khi việc mua bán là không công bằng thì trường sẽ bị bán với giá cực rẻ. Người mua và người ký bán sẽ chuyển tài sản công vào túi của họ. Mình hy vọng những người đề xuất bán trường chuyên cho tư nhân chỉ là do nhất thời nông nỗi chứ không phải cố tình dìm giá để mua rẻ của công. Mong các bạn ấy cam kết công khai sẽ không làm như thế để mọi người được an tâm.

Còn chuyện cải cách giáo dục và tư nhân tham gia vào giáo dục thì mình hoàn toàn hoan nghênh. Nếu bạn nào nghĩ mình có thể làm tốt hơn trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam thì cứ mở trường. Bỏ tiền túi ra mở hoặc kêu gọi đầu tư để làm.

Các trường chuyên như Amsterdam có bao nhiêu người tranh giành để vào, như thế chắc chắn những trường tốt hơn Ams sẽ phát triển rất tốt. Hà cớ gì phải mua lại mấy cái trường chuyên mà các bạn đã chê bai hết lời? Trừ khi bạn muốn mua nó dưới giá trị thật, tức là muốn chuyển của công thành của tư.

Quan điểm của bạn về vấn đề này thế nào? Mời chia sẻ ý kiến vào box bình luận bên dưới hoặc gửi về hòm thư giaoducvtcnews@gmail.com

TS. Nga Ho-Dac (Đại học San Francisco State)

Tin mới