Là phàm nhân thì luôn có đủ tham, sân, si; nhưng tôi vẫn tin câu “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Cho dù không làm được nhiều việc tốt, chưa thể cứu nhân độ thế, phần lớn mọi người vẫn trọng điều thiện, hướng đến cái thiện. Vậy tại sao những bi kịch do tội lỗi của con người vẫn xảy ra?
Nói riêng về lĩnh vực giao thông. Tôi tin rằng ngay cả những tài xế gây ra tai nạn thảm khốc nhất, gây thương vong lớn nhất cũng không cố ý tước đi tính mạng của ai cả. Nhưng thực tế, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác vẫn luôn xuất hiện những tài xế hủy hoại sự sống hoặc gây tàn phế cho đồng loại, phá nát tương lai của nạn nhân và gia đình họ. Tại sao?
Chúng ta nói rất nhiều về đạo đức tài xế. Dư luận vô số lần thể hiện sự đau xót, bức xúc, phẫn nộ về những lỗi cố ý của tài xế dẫn đến chết người, không hiểu nổi tại sao nhiều người là bằng hữu tận tâm, là người chồng tử tế, người cha hiền từ nhưng lại có thể trở thành hung thần đường phố. Tôi cho rằng xét cho đến cùng, nguyên nhân vẫn là họ chưa hiểu thấu luật nhân quả.
Có vô số biểu hiện của luật nhân quả, trong đó có một biểu hiện vô cùng đơn giản mà không nhiều tài xế Việt Nam thực sự hiểu: Bất cứ vi phạm nào khi cầm lái cũng có thể gây tai nạn, hậu quả có thể là cái chết, là thương tích, là mồ côi, góa bụa, là tù tội, và nỗi thống khổ của sự dằn vặt mãi mãi về sau…
Với “nhân” là hành vi bất cẩn, tùy tiện, hoặc sự vi phạm cố ý của tài xế, không chỉ anh ta/cô ta mà cả những người khác cũng phải gánh “quả”. Những thiệt hại, đau thương do tai nạn giao thông như bát nước đổ đi, không thể vãn hồi.
Nhưng đáng buồn là nhiều tài xế chỉ coi những cú lấn làn bất chấp, những pha tăng tốc, chèn ép xe khác hay tạt đầu ngang ngược để thể hiện thói yêng hùng, những lần phóng như điên dưới tác dụng của hơi men… chỉ là một chút phóng túng mà thôi.
Hậu quả trong mắt họ dường như chỉ là việc bị công an “thổi còi” và phạt tiền, tước bằng lái. Chừng nào quả báo chưa đến, họ sẽ vẫn u mê nghĩ rằng mình làm vậy cũng chẳng sao hết.
Nếu thực sự hiểu về luật nhân quả, hiểu rõ mỗi hạt giống mình chôn xuống đất và tiếp tục tưới tắm thì sớm muộn cũng sẽ nảy mầm rồi ra hoa kết trái, họ sẽ không nông cạn như vậy, sẽ không dám làm những hành động có thể dẫn đến tai họa.
Giá như những người sắp thành tài xế hay vẫn đang lái xe mỗi ngày được nghe các bậc chân tu giảng pháp, họ sẽ hiểu sâu hơn về nhân quả, hiểu rằng những hành vi sai trái đã làm chắc chắn sẽ kéo theo sự trả giá, hiểu sự trân quý của sinh mệnh và những khổ đau nào sẽ đến khi sinh mệnh bị tước đoạt một cách oan ức…
Chắc rằng khi đó, họ sẽ bớt đi những hành động bừa bãi, bất chấp pháp luật khi ngồi sau vô lăng. Khi đó, mỗi tài xế đều sẽ có trách nhiệm hơn với từng cử chỉ, từng quyết định của mình, sẽ phải ngập ngừng rất nhiều khi định gieo hạt giống của thứ cây mà mình không muốn gặt.
(Ảnh: Denvervisitor)
Và những người đã có cơ hội nghe pháp, hay đang chiêm nghiệm về luật nhân quả, xin hãy soi chiếu nó vào từng hành vi trong cuộc sống hằng ngày. Đừng xem nhẹ bất cứ việc nhỏ nào mình làm, vì dù tốt hay xấu, nó đều đang tích tụ năng lượng để một lúc nào đó bùng nổ, tạo phúc hoặc tạo nghiệp.
Nên chăng bên cạnh các giải pháp mà độc giả VTC News đã nêu như tổ chức cho học viên lái xe đi thăm gia đình người mất vì tai nạn giao thông, đến nhà tù gặp gỡ những phạm nhân gây tai nạn, coi đạo đức là môn thi bắt buộc để cấp bằng lái…, các cơ sở đào tạo tài xế cũng mời các cao tăng đến giảng về nhân quả? Tín ngưỡng của con người không giống nhau, nhưng bài học đạo đức “gieo gì gặt nấy” lại mang tính phổ quát toàn nhân loại, điều quan trọng là được truyền đạt theo cách có thể đi thẳng vào sâu trong nhận thức của con người để từ đó điều chỉnh hành vi của họ.
Bồi dưỡng đạo đức cho tài xế trước khi cấp bằng cũng là gieo một nhân lành mà quả ngọt chính là sự an toàn sức khỏe, tính mạng của muôn người khi tham gia giao thông, và là sự an nhiên, thanh thản của mỗi tài xế trong suốt những năm cầm lái.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.