Khi bắn quả tên lửa đầu tiên sang Ukraine, người Nga biết họ sẽ bị đáp trả như thế nào trên một mặt trận không có thuốc súng. Những đòn trừng phạt về kinh tế từ phương Tây là điều khó tránh khỏi.
Dù vậy, chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong vài năm qua đã chuẩn bị trước cho kịch bản này. Nền kinh tế Nga được tái cấu trúc với mục đích tăng cường sức chống chịu trước sức ép từ Mỹ và các đồng minh phương Tây.
Dầu mỏ, khí đốt là “quân bài tẩy”
Nền kinh tế Nga phụ thuộc đáng kể vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Trong một vài hoàn cảnh thì đó là điểm yếu khiến quốc gia này dễ bị tổn thương do những tác động của thị trường. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đó chính là “quân bài tẩy” của Nga khi họ bước vào cuộc chiến trên lĩnh vực kinh tế.
Dầu mỏ và khí đốt là quân bài tẩy của Nga trong cuộc chiến về mặt kinh tế.
Emma Ashford, chuyên gia về các vấn đề an ninh châu Âu tại viện nghiên cứu Atlantic Council (Mỹ) nhận định: “Châu Âu vẫn chưa giải quyết được sự phụ thuộc của mình vào khí đốt của Nga.”
Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, nền kinh tế Nga vẫn đủ sức chịu đựng những đòn trừng phạt kinh tế, miễn là dầu thô được bán với giá không dưới 44 USD/thùng. Giá thị trường hiện tại là gấp hơn 2 lần con số này. Tuy nhiên, nếu chặn đường xuất khẩu khí đốt từ Nga, châu Âu chỉ trụ được vài tháng. Trong khi đó, Mỹ - nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới – cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng cả trực tiếp lẫn gián tiếp.
Mặt khác, trong khi các nước châu Âu khó thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt từ Nga, chính quyền Putin cũng tìm cách để giảm sự ràng buộc theo chiều ngược lại. Nga đã tăng cường các hoạt động thương mại ở châu Á trong những năm gần đây để đa dạng hóa nguồn hàng thay thế.
“Moskva có lý do để tin rằng thế giới cần nước Nga nhiều hơn là Nga cần thế giới”, tờ New York Times bình luận.
Thoát khỏi đồng USD
Lớp phòng thủ kiên cố nhất về kinh tế của Nga chính là kho dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương. Kể từ năm 2015, Nga đã nâng dự trữ ngoại tệ lên mức 631 tỷ USD, tương đương với một phần ba giá trị toàn bộ nền kinh tế Nga. Đây là kho dự trữ ngoại tệ lớn thứ tư trên thế giới.
Tuy nhiên, điều quan trọng trong khối dự trữ khổng lồ này, đồng USD chỉ còn chiếm 16%. Đồng tiền của Mỹ dần được thay thế bằng đồng euro, nhân dân tệ, và vàng.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều giữ đồng USD vì tính ổn định và được chấp nhận rộng rãi. Các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng thường tích trữ nhiều hơn để đáp ứng các biến động giá cả. Năm 2010, tỉ lệ đồng USD trong kho dự trữ ngoại tệ của Nga là 98%.
Nga giảm dần dự trữ đồng USD.
Chính quyền Putin cũng thực hiện các chính sách cắt giảm nhằm giữ cho khối lượng nợ công ở mức dưới 2/3 lượng dự trữ tiền tệ và cơ cấu chúng thành đồng rúp thay vì USD. Đó gọi là "phi đô-la hóa nền kinh tế". Việc hạn chế giao dịch bằng đồng USD giúp cho Nga giảm bớt sự ảnh hưởng của Mỹ về mặt tài chính.
Năm 2020, đồng euro chính thức thay thế đồng đô-la Mỹ để trở thành đồng tiền định giá hàng hóa xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc - một trong những đối tác quan trọng nhất của Nga.
Năm 2016, tỷ trọng đồng USD trong doanh thu xuất khẩu của Nga là 69%. Nửa đầu năm 2021, con số này giảm xuống còn 56%. Ngược lại, tỷ trọng đồng euro tăng gấp đôi, lên 28% trong cùng giai đoạn.
Lối thoát bằng tiền điện tử
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU chủ yếu dựa vào hoạt động kiểm soát của các ngân hàng để thực thi các quy tắc. Nhưng tiền điện tử sẽ mở cho Nga một lối thoát cho các dòng giao dịch.
Theo CNN, Mỹ từng được cảnh báo rằng tiền kỹ thuật số có khả năng làm giảm hiệu lực các lệnh trừng phạt kinh tế, bằng cách cho phép các cá nhân, tổ chức nắm giữ và giao dịch bên ngoài hệ thống tài chính truyền thống.
Không có khu vực nào có tỉ lệ giao dịch tiền điện tử cao hơn Đông Âu. Các hoạt động này được thực hiện trên một hệ thống gọi là “darknet”, trong đó thị phần lớn nhất (chiếm đến 75% vào năm 2020) là một cộng đồng sử dụng tiếng Nga có tên Hydra.
Tuy nhiên, giao dịch bằng tiền điện tử không phải là cách duy nhất để Nga thoát khỏi các lệnh trừng phạt trên hệ thống thanh toán thông thường. Họ có nhiều cách khác để tận dụng đồng tiền kỹ thuật số, giống như Iran từng làm.
Giống như Nga, Iran là một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ và chịu sự cấm vận trong suốt một thời gian dài. Điều này khiến Iran luôn có một nguồn năng lượng không thể xuất khẩu được, và khối lượng dư thừa này được sử dụng để tiếp nhiên liệu cho việc khai thác Bitcoin, hoạt động ngốn rất nhiều năng lượng điện.
Tom Robinson, nhà sáng lập công ty phân tích tài chính Elliptic mô tả: “Quá trình khai thác này chuyển đổi một cách hiệu quả năng lượng thành tiền điện tử. Các công ty khai thác của Iran được thanh toán trực tiếp bằng Bitcoin, rồi số Bitcoin này được dùng để thực hiện các giao dịch nhập khẩu".
Nga chuẩn bị sẵn sàng cho những đòn trừng phạt kinh tế.
Pháo đài kinh tế
“Nước Nga đã tự cách ly mình khỏi các thị trường toàn cầu. Moskva đã học được nhiều điều trong 10 năm qua và định vị chính mình cho tình huống này. Các biện pháp trừng phạt bây giờ phải sâu rộng hơn rất nhiều để có thể tác động đền nền kinh tế của Nga”, chuyên gia phân tích Simon Harvey nhận định trên Bloomberg.
Alexander Gabuev, một thành viên cấp cao tại trung tâm tư vấn chính sách Carnegie Moskva cho biết “Các quan chức kinh tế Nga rất tự hào khi đã giúp cho nền kinh tế Nga miễn nhiễm với các lệnh trừng phạt”.
Nga đã rút ra bài học từ những đòn trừng phạt của phương Tây sau khi nước này sáp nhập Crimea năm 2014. Những hành động của Nga được coi là biện pháp phòng thủ về kinh tế. New York Times gọi đây là một "pháo đài" của người Nga.
Đó vừa hay lại là cơ sở để đất nước này chuẩn bị sẵn sàng cho những hậu quả kéo theo khi thực hiện một cuộc tấn công quân sự vào Ukraine.